Đề xuất phạt 1 - 2 triệu đồng người hút thuốc lá điện tử

Từ 1/1/2025, theo Nghị quyết của Quốc hội, Việt Nam đã chính thức cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Các quy định hiện hành dù đã có chế tài xử lý với hành vi sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, vận chuyển, chứa chấp với chất cấm.

Tuy nhiên, với hành vi sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng hiện chưa có quy định cụ thể. Do đó, Bộ Y tế đề xuất sửa đổi Nghị định 117 của Chính phủ, trong đó “xử phạt người hút thuốc lá điện tử từ 1 - 2 triệu đồng”.

Xung quanh nội dung này, PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Hạnh Nguyên - cán bộ quản lý chương trình phòng chống thuốc lá và bệnh không lây nhiễm, Tổ chức nhịp cầu sức khỏe Canada (Health Bridge) tại Việt Nam.

Bà Nguyễn Hạnh Nguyên, thuộc Tổ chức HealthBridge Canada

PV: Bà đánh giá thế nào về đề xuất mới nhất nhằm cụ thể hóa Nghị quyết cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng?

Bà Nguyễn Hạnh Nguyên: Tôi cho rằng, đề xuất của Bộ Y tế sửa đổi Nghị 117 nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ là rất kịp thời để triển khai Nghị quyết thành công.

Với mức dự kiến xử phạt hành vi sử dụng trái phép thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng từ 1-2 triệu đồng là dựa trên chế tài hiện có về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.

Đó là một căn cứ để xem xét. Chúng tôi cho rằng, mức này rất thấp, chưa đủ tính răn đe. Ví dụ, ở Singapore, cùng hành vi này bị xử lý 2.000 đô la Singapore, đảm bảo tính răn đe, tuân thủ pháp luật tốt hơn.

PV: Nhiều người e ngại việc có chế tài nhưng ít người bị xử lý dễ dẫn tới “nhờn luật” như với trường hợp của hành vi hút thuốc lá tại nơi bị cấm?

Bà Nguyễn Hạnh Nguyên: Chúng tôi cũng cho rằng, với việc triển khai Nghị quyết này, đánh vào hành vi người sử dụng chỉ là một giải pháp. Chúng ta cũng cần đánh vào nguồn cung. Chúng ta có các chế tài xử lý rất mạnh với việc cấm nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sản xuất kinh doanh.

Chúng ta kiểm soát tốt các hành vi này, kiểm soát tốt việc quảng cáo, khuyến mại, tài trợ trái phép các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, khi đó, sẽ làm giảm sự hiện diện của các sản phẩm, giảm tiêu dùng trên thị trường.

Vì vậy, chế tài xử lý người sử dụng trái phép thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử chỉ là chế tài bổ sung cùng những biện pháp khác. Tôi cho rằng, mức phạt 1-2 triệu tạm chấp nhận được, tạo tính răn đe nhất định. Tôi vẫn muốn nhấn mạnh tập trung nhiều hơn vào việc kiểm soát nguồn cung.

Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng chính thức bị cấm tại Việt Nam kể từ 01/01/2025

PV: Báo cáo mới nhất của ngành y tế Việt Nam cho thấy, trong 1 năm có hơn 1.000 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, trong đó không ít trường hợp dưới 18 tuổi, và bệnh nhân được xác định ngộ độc ma túy tổng hợp. Việc cấm mặt hàng này có ý nghĩa thế nào với sức khỏe cộng đồng?

Bà Nguyễn Hạnh Nguyên: Thực tiễn ở nhiều quốc gia cho thấy, các sản phẩm thuốc lá điện tử là một cầu nối để các cá nhân, tổ chức tội phạm lợi dụng để cung cấp ma túy. Tại Việt Nam, báo chí cũng đưa nhiều thanh thiếu niên bị ngộ độc, trong thành phần thuốc lá điện tử có chứa ma túy. Đây là nguy cơ hiện hữu.

Các sản phẩm này được chứng nh nguy hại đến sức khỏe. Đặc biệt, có chứa nicotin, một chất gây nghiên, ảnh hưởng tới sự phát triển của não bộ của trẻ em, vị thành niên. Bên cạnh đó, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có nguy cơ khác so với thuốc lá truyền thống.

Ví dụ như gây chấn thương do thiết bị phát nổ, chấn thương hàm, tay chân, tổn thất tài sản. Nó cũng gây hội chứng “tổn thương phổi cấp” có thể gây tử vong. Tổ chức Y tế Thế giới cũng khuyến cáo: Bất kỳ thuốc lá điện tử, nung nóng nào cũng đều gây hại cho người sử dụng. Quảng cáo có thể giúp cai nghiện thuốc lá truyền thống đều là ngụy biện không có căn cứ khoa học.

PV: Cảm ơn chia sẻ của bà!