Đề xuất gia hạn thực hiện dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên

Lãnh đạo Ban Quản lý dự án 2 cho biết, Bộ GTVT đã có công văn gửi Ngân hàng Thế giới (WB) về việc gia hạn hiệp định tín dụng và sử dụng vốn dư để bổ sung một số hạng mục thuộc Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên vốn vay WB (Hiệp định).

Theo đó, Bộ Giao thông vận tải cho biết, Hiệp định vay vốn cho dự án sẽ hết hạn vào ngày 30/6/2023, tuy nhiên hiện nay tiến độ của dự án đang chậm so với kế hoạch do các nguyên nhân chủ yếu sau: Dự án được bố trí vốn trung hạn bổ sung giai đoạn 2016-2020 chậm, do dịch bệnh COVID-19 nên việc thiết kế kỹ thuật (thực hiện bởi chương trình Aus4Transport), thi công bị chậm.

Ngoài ra, thời tiết khu vực Tây Nguyên thời gian vừa qua mưa nhiều và kéo dài bất thường so với mọi năm.

Dự án Cao tốc Pleiku (Gia Lai) - Quy Nhơn (Bình Định). Ảnh: Quang Thái/TTXVN

Trên cơ rà soát của đoàn công tác hỗ trợ thưc hiện Dự án của WB và kết quả làm việc của đoàn với Bộ Giao thông Vận tải, Ban Quản lý dự án 2 đã hoàn thiện các nội dung theo yêu cầu của đoàn và rà soát thời gian cần thiết để hoàn thành dự án và một số hạng mục đề xuất bổ sung. Theo đó, tổng thời gian đề nghị gia hạn Hiệp định vay là 22 tháng.

Do đó, Bộ Giao thông vận tải đề nghi WB ủng hộ việc gia hạn Hiệp định tài trợ số 6108-VN, 6109-VN để hoàn thành việc đầu tư dự án thêm 22 tháng, đồng thời đồng thuận sử dụng vốn dư của Hiệp định vay vốn để bổ sung một số hạng mục (6 cầu).

Thông tin về tiến độ, lãnh đạo Ban Quản lý dự án 2 (chủ đầu tư) cho biết, dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 19) có 8 gói thầu và đang triển khai thi công trên toàn tuyến.

Do dự án có xuất phát điểm chậm (ảnh hưởng dịch bệnh COVD-19 nên đến tháng 12/2021 phần lớn các gói thầu mới có thể triển khai, đáng chú ý gói thầu XL01 tới tháng 7/2022 mới chính thức triển khai) nên giá trị sản lượng thực hiện từ khởi công đến nay đạt khoảng 40% giá trị hợp đồng. Sản lượng trên vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của Bộ Giao thông Vận tải mong muốn.

Lãnh đạo Ban Quản lý dự án 2 nhìn nhận tiến độ chưa đạt mong muốn bao gồm một loạt các nguyên nhân; trong đó có khó khăn trong giải phóng mặt bằng, thời tiết bất lợi mưa nhiều cùng với đó một số nhà thầu có năng lực còn hạn chế.

Tuy nhiên, lãnh đạo Ban Quản lý dự án 2 khẳng định đã chỉ đạo các nhà thầu tăng thêm máy móc, thiết bị và nhân lực đẩy mạnh thi công khi thời tiết thuận lợi. Các gói thầu (3, 4B, 5, 6, 7) sẽ phấn hoàn thành trong năm 2023.

Trong một diễn biến liên quan, để tháo gỡ khó khăn về giải phóng mặt bằng, UBND tỉnh Gia Lai vừa phê duyệt mức hỗ trợ người dân tiền thuê nhà trong giả phóng mặt bằng thi công Quốc lộ 19. Theo đó, mức thuê nhà là 3 triệu đồng/hộ/tháng; thưởng tiến độ trong công tác giải phóng mặt bằng là 5 triệu đồng/hộ; trích từ nguồn kinh phí của Dự án nâng cấp Quốc lộ 19.Liên quan đến việc giải phóng mặt bằng đoạn qua tỉnh Gia Lai, đại diện Ban Quản lý đự án 2 cho biết, đến thời điểm hiện nay, dọc trên dự án nâng cấp Quốc lộ 19 hiện nay còn vướng mắc 16 trường hợp các gia đình liên quan đến giải phóng mặt bằng.

Trong khi đó, tại huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định có 48 hộ dân chưa đồng ý nhận được tiền bồi thường hỗ trợ.

Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (Quốc lộ 19) vốn vay WB có tổng chiều dài khoảng 143 km đi qua hai tỉnh Gia Lai và Bình Định.

Với tổng vốn đầu tư hơn 3.600 tỷ đồng, dự án là một trong những công trình quan trọng được đầu tư nhằm góp phần nâng cao năng lực vận hành, khai thác, giảm thiểu ùn tắc giao thông trên tuyến Quốc lộ 19.

Sau khi dự án hoàn thành sẽ góp phần tăng cường khả năng kết nối hệ thống giao thông khu vực Tây Nguyên với các tỉnh Duyên hải ền Trung và kết nối với các nước bạn Lào, Campuchia và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.