Đề xuất đưa bãi đậu xe vào loại hình kinh doanh có điều kiện

Thời gian trước, xe khách thường xuyên ra vào bãi xe 391 - 397 Đinh Bộ Lĩnh, Phường 26, quận Bình Thạnh (đối diện Bến xe Miền Đông cũ) gây ra tình trạng kẹt xe

Tại buổi họp báo ngày 2/4, Sở GTVT TP.HCM đề xuất cần phải đưa loại hình đăng kí kinh doanh bãi đậu xe là loại hình kinh doanh có điều kiện để đảm bảo khâu hậu kiểm. Mặc dù điều này sẽ phát sinh thủ tục nhưng là cần thiết để tăng thẩm quyền cho Sở GTVT, khi phát hiện các bãi xe vi phạm sẽ có quyền yêu cầu ngưng hoạt động.

Liên quan đến việc xử lý nạn xe dù bến cóc trên địa bàn TPHCM mà các cơ quan truyền thông phản ánh trong thời gian qua, đặc biệt là hai bãi xe quy mô lớn, hoạt động lâu năm ở đối diện Bến xe Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh). Trưa 2/4, Sở GTVT TP.HCM đã có buổi gặp gỡ báo chí để thông tin một số vấn đề trong công tác xử lý.

Tại buổi gặp gỡ, ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM cho biết, để xử lý bãi xe 391 - 397 Đinh Bộ Lĩnh, Phường 26, quận Bình Thạnh (đối diện Bến xe Miền Đông cũ), từ ngày 23/3/2021, Thanh tra Sở Giao thông vận tải đã phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông, Công an TPHCM lập một chốt kiểm tra cố định ở đây.

Qua gần 10 ngày hoạt động, chốt đã xử lý 11 vụ các xe vi phạm và đến hôm nay (2/4), hoạt động đón trả khách tại hai bãi xe này đã không còn, khu vực giao thông trước hai bãi xe này thông thoáng.

Tuy nhiên, ông Võ Khánh Hưng cũng đánh giá việc lập chốt như trên chỉ là giải pháp tạm thời và nếu không có giải pháp quyết liệt của các cơ quan chức năng, của quận Bình Thạnh thì có thể bãi xe trái phép sẽ lại tái lập.

Về khó khăn trong công tác xử lý, ông Võ Khánh Hưng thừa nhận lực lượng Thanh tra giao thông mỏng và cũng không đủ thẩm quyền để xử lý mà phải phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông để dừng xe, phối hợp kiểm tra và chỉ có thể xử lý khi các xe ra ngoài đường. Còn trong phạm vi bãi xe thì lực lượng chức năng không có thẩm quyền kiểm tra.

Trưa 2/4, Sở GTVT TP.HCM đã có buổi gặp gỡ báo chí để thông tin một số vấn đề trong công tác xử lý

Trong năm 2020, hai lực lượng này đã có 3 đợt cao điểm phối hợp để xử lý tình trạng “xe dù, bến cóc” nhưng cũng như “bắt cóc bỏ dĩa” bởi sau cao điểm thì tình trạng trên lại tái diễn. Ngoài việc thiếu cơ sở pháp lý thì hiện nay, các bãi xe dù, bến cóc cũng bố trí người theo dõi ngược lại các lực lượng thực thi công vụ để kịp thời báo động.

Vì thế, để giải quyết triệt để nạn xe dù bến cóc trên địa bàn, ông Võ Khánh Hưng đề xuất cần phải đưa loại hình đăng kí kinh doanh bãi đậu xe là loại hình kinh doanh có điều kiện để đảm bảo khâu hậu kiểm.

Mặc dù điều này sẽ phát sinh thủ tục nhưng là cần thiết để tăng thẩm quyền cho Sở Giao thông vận tải, khi phát hiện các bãi xe vi phạm sẽ có quyền yêu cầu ngưng hoạt động. Và việc này không phải TPHCM có thể làm được mà cần có ý kiến của các bộ, ngành trung ương, Chính phủ:

"Muốn giải quyết căn cơ thì phải triệt ở trong, tức là có các cơ sở pháp lý để buộc dừng kinh doanh nếu dùng CSGT và TTGT thì chỉ phạt các lỗi vi phạm theo Nghị định 10 và Thông tư 15 như xử phạt tiền và giữ giấy phép lái xe thôi".

Lý giải về đề xuất trên, ông Võ Khánh Hưng cho biết, hiện nay tồn tại quy định khác nhau là việc thành lập doanh nghiệp kinh doanh bến bãi và điều kiện để thành lập bến bãi. Đối với việc thành lập doanh nghiệp sẽ do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp phép nhưng sau khi có giấy phép, doanh nghiệp sử dụng địa điểm đăng ký trong giấy phép để tổ chức bến bãi hoặc dùng vào mục đích khác. Đây là lỗ hổng dẫn tới việc hậu kiểm không thực hiện được.

Trong khi đó, đối với việc cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp kinh doanh bến bãi, Sở Giao thông Vận tải chỉ có ý kiến tham gia với tư cách là sở chuyên ngành. Thanh tra Sở Giao thông Vận tải chỉ có thể phối hợp với Cảnh sát giao thông ở ngoài khu vực bến bãi khi yêu cầu phương tiện dừng để kiểm tra và chỉ xử phạt hành chính trong thẩm quyền.

Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM Võ Khánh Hưng đề xuất cần phải đưa loại hình đăng kí kinh doanh bãi đậu xe là loại hình kinh doanh có điều kiện để đảm bảo khâu hậu kiểm

Điều này đưa đến thực tế “bắt cóc bỏ dĩa”, bề nổi, không thể xử lý triệt để tình trạng “xe dù bến cóc”, thậm chí một số bến bãi còn đối phó bằng cách tổ chức các đối tượng để “canh” lực lượng thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông. Trước mắt, Sở Giao thông Vận tải Thành phố sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý, thậm chí lập chốt để đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các khu vực "nóng".

Trong diễn biến liên quan, thông tin về hoạt động của bến xe ền Đông mới (thuộc Tp. Thủ Đức), ông Võ Khánh Hưng cho biết, hiện nay có ít nhà xe vào hoạt động tại bến xe ền Đông. Để thu hút khách cũng như các nhà xe hoạt động tại bến, Sở Giao thông Vận tải đã đề nghị chủ đầu tư là Tổng Công ty Samco có giải pháp thu hút, thậm chí nâng cao cạnh tranh với các đơn vị tư nhân hoạt động bên ngoài bến.

Sở Giao thông Vận tải cũng đã đề nghị chủ đầu tư các dự án xung quanh bến xe ền Đông đẩy nhanh tiến độ, sớm trả lại mặt bằng thông thoáng cho bến xe cũng như tăng cường kết nối giao thông vào bến xe nhằm tạo sự thuận lợi nhất cho hành khách.

Khu nhà bỏ hoang tại khu đất 749 Quang Trung được sử dụng làm bãi giữ xe, gây mất an ninh trật tự (Ảnh: TTXVN)

Cũng tại buổi họp báo, liên quan đến khu đất 749 đường Quang Trung, phường 12, quận Gò Vấp mà TTXVN từng phản ánh (trong bài viết ngày 22/11/2020) về việc doanh nghiệp sử dụng khu đất trống trong khu dân cư làm bãi giữ xe, hoạt động như một bến xe, gây mất an toàn giao thông, đại diện Sở Giao thông Vận tải TP. HCM cho biết, sẽ kiểm tra và phản hồi sớm. Khu đất 749 đường Quang Trung có quy mô 1,3 ha bỏ hoang, được sử dụng làm bãi giữ xe ô tô, hoạt động như một bến xe.

Theo đại diện UBND phường 12, quận Gò Vấp, kiểm tra hiện trạng ghi nhận 1 điểm kinh doanh bãi giữ xe, 1 cơ sở kinh doanh dịch vụ cà phê giải khát và 1 điểm kinh doanh vật liệu xây dựng; trong đó có 2 cơ sở kinh doanh được UBND quận Gò Vấp cấp giấy phép. Để làm rõ trách nhiệm và hướng xử lý vụ việc, PV TTXVN đã liên hệ với lãnh đạo UBND quận Gò Vấp nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.