Đề xuất bỏ giới hạn vốn nhà nước không quá 50% trong dự án PPP

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang lấy ý kiến góp ý của người dân liên quan đến Dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 – 2025.

Ảnh nh họa: Thương trường

Cụ thể, trong 5 năm tới (2021 – 2025), Bộ GTVT cho rằng, phải hoàn thành trên 2.000km đường bộ cao tốc, tổng vốn cần huy động khoảng 393.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước bố trí khoảng 239.500 tỷ đồng, còn lại cần huy động vốn ngoài ngân sách là 153.500 tỷ đồng.

Đây được coi là thách thức lớn cả về thời gian lẫn nguồn lực.

Để đạt được mục tiêu “đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc, trong đó đến năm 2025 hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc – Nam phái Đông”, cần có các giải pháp đột phá về cơ chế, chính sách cho đầu tư phát triển đường bộ cao tốc.

“Cần tập trung tháo gỡ một số vướng mắc, khó khăn khi áp dụng quy định tại các văn bản luật bao gồm: Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đấu thầu, Luật Khoáng sản, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP), tạo hành lang pháp lý thông thoáng, nguồn lực tài chính, đồng thời đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả đầu tư của các dự án phát triển đường bộ cao tốc”, Bộ GTVT nhấn mạnh.

Đặc biệt, để tạo hành lang pháp lý ổn định nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư theo phương thức PPP, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP). Đây được xem là khung pháp lý quan trọng để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông.

Bên cạnh các kết quả tích cực, trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc còn có một số khó khăn, vướng mắc. Theo Bộ GTVT, trong điều kiện nguồn ngân sách nhà nước khó khăn, cần thực hiện chủ trương huy động tối đa nguồn lực xã hội, đẩy mạnh triển khai các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo phương thức đối tác công tư.

Đối với các dự án có lưu lượng vận tải lớn, nhu cầu cấp bách thời gian qua đã được đầu tư. Một số dự án đang chuẩn bị đầu tư để triển khai giai đoạn tới nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho một số vùng, ền còn khó khăn, các dự án này có nhu cầu vận tải giai đoạn đầu chưa cao nên cần có sự tham gia vốn Nhà nước nhiều hơn để đảm bảo tính khả thi khi kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP.

Đối với một số dự án có nhu cầu vận tải thấp hoặc suất đầu tư cao, nếu áp dụng đúng quy định “vốn Nhà nước tham gia không quá 50% tổng mức đầu tư của dự án” sẽ khó bảo đảm hiệu quả tài chính và không thể hấp dẫn các nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng để triển khai theo phương thức PPP.

Đặc biệt một số dự án chỉ tính riêng chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư đã vượt quá 50% tổng mức đầu tư của dự án.  

Vì vậy, cần phải điều chỉnh quy định về mức vốn Nhà nước tham gia dự án PPP có thể vượt quá 50% tổng mức đầu tư dự án. Tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án được tính toán, cân nhắc trên cơ sở tính kahr thi của từng dự án; đồng thời, đảm bảo nguyên tắc quản lý đầu tư theo phương thức PPP.

Một điểm nữa trong dự thảo, Bộ GTVT cho biết, thời gian qua, nhiều địa phương kiến nghị: Trường hợp phân cấp cho địa phương triển khai đầu tư các dự án đường bộ cao tốc quan trọng, cấp bách, Chính phủ phát hành gói trái phiếu và cho địa phương vay lại, các địa phương có trách nhiệm hoàn trả từ các nguồn thu của địa phương (đặc biệt là nguồn tăng thêm từ khai thác quỹ đất được hình thành sau khi dự án đường bộ cao tốc đưa vào khai thác).

Tuy nhiên, chưa có hành lang pháp lý đối với hình thức Chính phủ phát hành trái phiếu với mục đích cho địa phương vay lại; đồng thời, việc địa phương vay lại có thể vượt quá mức dư nợ vay của địa phương.

Do vậy, cần có cơ chế để Chính phủ phát hành trái phiếu cho địa phương vay lại để thực hiện các dự án cao tốc quan trọng, cấp bách khi được phân cấp.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng kiến nghị ban hành cơ chế đặc thù thí điểm khác với quy định tại Điều 22 Luật Đấu thầu và Điều 64 Luật Khoáng sản, áp dụng đối với các dự án đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 - 2025..