Để hạn chế tình trạng chậm cưới, lười sinh: Cần cải thiện an sinh xã hội

Theo thống kê, độ tuổi kết hôn trung bình tại TP.HCM thời gian gần đây đã tăng lên 30,4 tuổi, trong khi mức sinh tại địa phương dừng ở mức 1,32 con/gia đình, thấp nhất cả nước.

Tình trạng chậm cưới lười sinh tại TP.HCM và các đô thị lớn đưa đất nước đứng trước nhiều thử thách vì già hoá dân số cũng như nhiều vấn đề xã hội khác.

Liên quan đến nội dung này, PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Nguyễn Đức Lộc - Viện trưởng Viện nghiên cứu Đời sống Xã hội (Sociallife).

PV: Ông lý giải thế nào về tình trạng chậm cưới lười sinh ở nhiều người trẻ trong thời gian gần đây?

PGS. TS Nguyễn Đức Lộc - Viện trưởng Viện nghiên cứu Đời sống Xã hội

PGS. TS Nguyễn Đức Lộc: Có khá nhiều nguyên nhân, bắt nguồn từ áp lực tài chính, kinh tế cũng như mục tiêu phát triển sự nghiệp cá nhân.

Trong bối cảnh có nhiều áp lực để đạt được phần thưởng cá nhân thì việc kết hôn và sinh con trở thành trở ngại trong quá trình thăng tiến cá nhân.

Ở chiều sâu hơn thì đấy là 1 quá trình chuyển dịch các giá trị sống khi mà những người trẻ bắt đầu chuyển dịch các giá trị cá nhân và tự chịu trách nhiệm với cuộc đời mình nhiều hơn trong khi mối quan hệ với gia đình có dấu hiệu giảm dần.

Các số liệu khảo sát ở các bạn học sinh trung học cho thấy các bạn trẻ khẳng định sẽ kết hôn hay lập gia đình là tương đối thấp. Ngoài ra thực tế cũng có nhiều bạn nữ trẻ có khuynh hướng trữ đông trứng, điều đó cho thấy các bạn đang đứng giữa sự giằng co, do dự giữa việc phát triển bản thân và việc sinh con.

Từ những áp lực này cũng cho thấy dấu hiệu kết hôn trễ, ngại sinh con đã xuất hiện tại Việt Nam , điều này cũng khá phù hợp với 1 số mô hình dận số già. Khi bước vào giai đoạn kinh tế phát triển thì khuynh hướng giảm tỷ suất sinh xuất hiện, đây là điều cần được lưu tâm.

Ảnh nh họa: Pixabay

PV: Theo ông thì tình trạng này sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với sự phát triển của 1 đất nước đang cần nhiều động lực tăng trưởng như Việt Nam thời gian tới?

PGS. TS Nguyễn Đức Lộc: Thực ra không chỉ riêng Việt Nam mà nhiều quốc gia có xu hướng dân số già là một cảnh báo rất nghiêm trọng ví dụ như Hàn Quốc, Nhật Bản thì Chính phủ phải ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về dân số. Xét về tỷ suất sinh tại Việt Nam thì mới chỉ bắt đầu chớm chứ chưa phải rơi vào tình trạng khủng hoảng như ở Hàn Quốc hay Nhật Bản.

Tuy vậy thì ở các đô thị thì tỷ suất sinh đã giảm khá nghiêm trọng rồi nên chúng ta cần phải tính toán. Nhiều quốc gia họ có tình trạng tương tự đã đầu tư rất nhiều chi phí nhưng cũng khó cải thiện được. Đó rõ ràng là yếu tố cần phải được cân nhắc nhiều hơn trong mục tiêu về dân số lẫn sự tồn vong của dân tộc, cần tính toán một cách dài hơn và chuẩn bị tinh thần cho một sự thay đổi

PV: Nhiều người ngại cưới lười sinh vì các hỗ trợ về an sinh xã hội, các chính sách cơ bản của cuộc sống chưa thực sự thực sự đầy đủ khiến nhiều gia đình nghĩ đến chuyện sinh con đẻ cái đã thấy khó khăn. Theo ông thì các bên liên quan cần làm để hỗ trợ người trẻ để kích thích người trẻ lập gia đình, sinh con?

PGS. TS. Nguyễn Đức Lộc: Hiện nay theo quan sát của tôi thì các thành phố lớn như TP.HCM cũng đã bắt đầu có những sự hỗ trợ về tài chính cũng như các ưu đãi. Tuy nhiên nếu xét về an sinh xã hội thì phải thấy rằng các cặp vợ chồng trẻ khi sinh 1 đứa con không chỉ có chi phí sinh sản mà cần nuôi dạy con mình đến lúc trưởng thành trong khi áp lực tài chính liên quan đến nhà ở, học tập, chăm sóc sức khoẻ là vấn đề rất lớn và lâu dài.

Tôi nghĩ rằng chúng ta cần tiến tới nguồn phúc lợi nhà nước trong đó người lao động đi làm đã đóng thuế và bảo hiểm xã hội thì cũng cần được hỗ trợ phúc lợi cơ bản thậm chí ễn phí để họ có thể yên tâm sinh con.

PV: Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!