Để có thu nhập trung bình cao, đầu tư mạnh hơn vào giáo dục

Năm 2024, mặc dù là năm khó khăn, thách thức, tuy nhiên với sự nỗ lực điều hành của Chính phủ với những chính sách phù hợp, tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2024 ước đạt từ 6,8 – 7%. Năm 2025 là năm rất quan trọng, là năm bản lề kết thúc kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2021-2025.

Bởi vậy, Việt Nam cần có sự chuẩn bị như thế nào trong dài hạn để có thể thích ứng và phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng?

PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với ông Jonathan London, Chuyên gia kinh tế cao cấp chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam bên lề Diễn đàn Nhịp đập kinh tế Việt Nam 2024 tổ chức mới đây tại Hà Nội:

 

PV: Theo kết quả kinh tế đã nghiên cứu, theo ông, năm nay, Việt Nam có đạt được những mục tiêu đã đề ra về GDP, thu hút FDI?

Ông Jonathan London: Năm nay là một năm rất tốt cho Việt Nam, kinh tế phát triển mạnh và Việt Nam có thể đạt được những mục tiêu về tăng trưởng kinh tế và đầu tư nước ngoài. Chúng ta cũng có thể tự tin, trong 5 năm tiếp theo, kinh tế của Việt Nam phát triển rất tốt, chỉ có trong dài hạn, Việt Nam cần phải chuẩn bị tốt hơn.

Ảnh nh họa: VnEconomy

PV: Theo ông hiện nay Việt Nam đang gặp những khó khăn, thách thức như thế nào trong phát triển kinh tế?

Ông Jonathan London: Vấn đề của Việt Nam hiện nay vẫn là tập trung quá nhiều vào những ngành kinh tế phụ thuộc vào lao động giá rẻ. Nếu muốn phát triển thành một nước có thu nhập trung bình cao hoặc thu nhập cao, Việt Nam phải nỗ lực giúp cho nền kinh tế tiên tiến hơn, có nghĩa là chuyển sang những ngành kinh tế có giá trị cao hơn. Để làm được điều này, Việt Nam cần tập trung vào một số giải pháp.

Mặc dù, Việt Nam cũng có nhiều hiệu quả trong lĩnh vực giáo dục nhưng  tập trung chủ yếu vào giáo dục cấp 1, 2, giáo dục sau cấp 2 vẫn còn nhiều bất cập. Số học sinh học hết cấp 3 hiện vẫn rất thấp, chỉ chiếm tới hơn 60%. Và những trường dạy nghề, dạy kỹ năng lao động vẫn còn yếu. Từ trước đến nay, ngành giáo dục dạy nghề của Việt Nam vẫn chiếm tỷ lệ thấp và không liên quan đến các ngành kinh tế của Việt Nam.

Đối với giáo dục đại học, hiện nay tổng chi cho lĩnh vực giáo dục đại học, nếu tính theo tỷ lệ GDP, thì Việt Nam tổng chi chưa bằng một nửa của Thái Lan và một phần ba của Malaysisa.

Ông Jonathan London, Chuyên gia kinh tế cao cấp chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam

Chúng tôi vừa nghe báo cáo, số doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển rất thấp. Hiện nay chi về nghiên cứu của Việt Nam mới chiếm 0,3-0,4% GDP, tỷ lệ này rất thấp trong khu vực ASEAN. Chính vì thế, Việt Nam phải đầu tư để có những bước ngoặt trong lĩnh vực nghiên cứu.

Không phải cứ bỏ tiền là có kết quả ngay mà Việt Nam phải tìm cách đầu tư cho công nghệ và phát triển một cách hữu hiệu và nghiên cứu kỹ các kinh nghiệm của các quốc gia đã thành công.

Việt Nam cũng cần xây dựng và tạo ra môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp. Đây là lúc có sự điều chỉnh trong cách tiếp cận kinh tế của Việt Nam. Sau khi đã có những thay đổi, Nhà nước nâng cao kỹ năng và hiệu quả trong việc tạo ra môi trường thuận lợi cho kinh tế Việt Nam phát triển mạnh.

Ngoài ra cũng cần sự tham gia của toàn xã hội. Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số rất nhanh. Việt Nam cần đầu tư vào vào con người bởi đây là điều hết sức cần thiết và sẽ là yếu tố quyết định cho Việt Nam nâng cao tốc độ phát triển kinh tế.

PV: Vâng. Xin cảm ơn ông!