Đề án siêu cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, còn nhiều ý kiến khác nhau

Tại hội thảo “Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ” tổ chức cách đây chưa lâu, nhiều ý kiến đã bày tỏ sự đồng thuận và mong mỏi dự án này nhanh chóng được triển khai. Tuy nhiên, một số quan điểm đề nghị cần thận trọng để tránh đi vào vết xe đổ “thiếu hiệu quả, lãng phí”.

Phố cảnh Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Ảnh: Portcoast

Ông Bùi Công Minh – Chủ tịch hiệp hội cảng biển Việt Nam cho rằng việc hãng tàu container lớn nhất thế giới MSC quyết định đầu tư xây dựng cảng trung chuyển Cần Giờ và chọn cảng Sài Gòn là đối tác đầu tư là cơ hội lịch sử đối với ngành hàng hải của TP.HCM và cả nước:

“Tôi thấy đây là cơ hội lớn, cơ hội lịch sử không lặp lại cho TP.HCM. Cơ hội lớn nhưng thách thức cũng không nhỏ, nhưng tôi và các thế hệ người dân thành phố tuyệt đối tin tưởng vào quyết tâm, sự năng động và truyền thống anh hùng của thành phố mang tên Bác, sẽ biến cơ hội thành hiện thực. Nguyện vọng và tâm huyết của các thế hệ Cảng Sài Gòn là tiếp tục được đồng hành cùng thành phố vươn ra biển với dự án Cảng trung chuyển quốc tế.

Chúng tôi kiến nghị với lãnh đạo TP.HCM là cần đẩy nhanh việc phê duyệt dự án để khởi động trong thời gian sớm nhất cũng như giữ chân nhà đầu tư, thứ hai là đưa dự án này trở thành dự án trọng điểm của TP trong năm nay và những năm tới”.

Là người được tiếp cận đề án này từ sớm, tiến sĩ Trần Du Lịch – thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ Tướng bày tỏ sự “hưng phấn” trước cơ hội tìm ra lời giải cho giao thương cửa ngõ bằng đường hàng hải, vốn là đặc sản của Sài Gòn Gia Định xưa: “Ta không nên nghĩ Cái Mép Thị Vải và của Bà Rịa Vũng Tàu, Cần Giờ là của TP.HCM mà nên nghĩ đây là 1 hub về hệ thống cảng 2 bên bờ sông Cái Mép Thị Vải của vùng Đông Nam Bộ và của quốc gia.

Tôi chỉ mong là chúng ta nên làm sớm, đừng để mất cơ hội trong điều kiện này để tạo sức bật cho vùng Đông Nam Bộ này mà Bộ Chính Trị vừa quy hoạch xong và kỳ vọng rất lớn vùng này như 1 động lực phát triển. Trong động lực này có sự tác động rất lớn đến Cảng Cần Giờ mà chúng ta đang bàn bạc, nghiên cứu”.

Theo quan điểm của ông Trần Thanh Hải – Phó cục trưởng Cục quản lý xuất nhập khẩu Bộ Công Thương cho rằng việc hình thành được Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có vai trò rất quan trọng để thúc đẩy phát triển, nâng tầm ngành logistics và nhiều ngành nghề thiết yếu khác: “Đề án này với tầm vóc không chỉ dừng lại ở TP.HCM mà có ý nghĩa tác động của cả khu vực, mang tầm quốc gia. Việc đưa ra chủ trương phát triển cảng, kinh tế biển nói chung cũng nằm trong định hướng chung của Đảng, Nhà nước, Chính phủ.

Từ trước đến nay, chúng ta mới chỉ làm được các cảng cửa ngõ (như cảng Hải Phòng, Cát Lái, Bà Rĩa Vũng Tàu…) tức là chỉ phục vụ cho hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam chứ chưa đặt vấn đề làm cảng trung chuyển, mà nếu muốn nâng tầm dịch vụ logistics thì phải nghĩ đến cảng trung chuyển. Đây là thời điểm có thể nói là thích hợp khi chúng ta đã tích lũy được 1 kiến thức, tiềm lực và cả sự hỗ trợ tham gia đầu tư của một hãng tàu lớn”.

Phó giáo sư tiến sĩ Phạm Xuân Mai – thành viên Hội đồng tư vấn giao thông TPHCM phân tích thêm: “Tổng mức đầu tư cho cảng này là 5,4 tỷ USD, chúng tôi cho rằng không nhiều, chỉ gấp 2 lần so với tuyến metro Bến Thành Suối Tiên. Do đó dự án này không phải là lớn và chúng ta có thể làm được và phải làm nhanh chứ không phải đến 2040 mới xong thì chậm rồi.

Thế giới không chờ mình được mà đang thay đổi hàng ngày nên nếu cứ cho là lớn quá không làm được thì không nên mà nếu đã xác định đầu tư thì nên quyết tâm làm. Bây giờ phải làm đúng ngay từ đầu, bởi bây giờ nếu chúng ta chọn sai công nghệ, sai đối tác thì sau này hậu quả khôn lường, cả nước phải chịu, vì thế các anh chị làm dự án phải chọn đúng ngay từ đầu”.

Bên cạnh các ý kiến đồng tình thì cũng có một vài góc nhìn phản biện cho đề án nghiên cứu xây dựng Cảng Cần Giờ. Từ thực tế của hệ thống cảng trong khu vực cũng như sản lượng hàng hóa quốc tế những năm qua, ông Phạm Quốc Long – chủ tịch hiệp hội đại lý môi giới và dịch vụ hàng hải Việt Nam cho rằng cảng Cần Giờ khó có thể tạo được sự khác biệt, nhất là nguồn hàng:

“Hãng tàu có thể rất mạnh, có thể hi sinh việc này việc kia để đưa hàng về nhưng chi phí cuối cùng vẫn cao hơn giá bốc ship thì không ai có thể cam kết đưa tiền để làm cả. Theo quy định của Luật thì cảng liên doanh là 51% để đảm bảo chủ quyền quốc gia, trong dự án hơn 5 tỷ usd này chúng ta phải bỏ vào 2,6 3 tỷ USD.

Vậy nếu như không có hàng thì cũng như mở 1 quán ăn, nếu có khách thì quá tốt lợi nhuận cao, nếu không có khách thì phải cân nhắc xem xét. Quan trọng nhất ở đây là “Cần hàng hay Cần Giờ?” – câu này chúng tôi rất tâm đắc và đau đáu. Chúng tôi rất mong muốn thành phố có trung tâm, có cảng, có hạ tầng nhưng với tư cách chuyên gia chúng tôi muốn đặt vấn đề về nguồn hàng lẫn cam kết cụ thể ra sao?”, ông Long bày tỏ.