Từ đó đẩy nhanh quá trình giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư công trên địa bàn Thành phố như dự án nối đoạn cuối đường Vành đai 2, Vành đai 3, dự án Rạch xuyên tâm, dự án Bờ Bắc Kênh đôi, Metro số 2…
Đặc biệt, việc xác định giá tái định cư sẽ công khai, nh bạch và nhanh hơn so với trước đây, đảm bảo công bằng trong giá thu hồi đất và giá bán nền tái định cư. Điều này cũng mang lại tác động tích cực với việc giải ngân đầu tư công.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, với bảng giá đất mới cũng sẽ khiến cho chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng tăng cao so với trước đây và tạo thành áp lực lớn đối với ngân sách nhà nước trong quá trình triển khai xây dựng các dự án.
Đường Vành đai 2 là dự án đầu tiên mà TP.HCM sẽ áp dụng phương án bồi thường theo bảng giá đất mới và Luật Đất đai 2024. UBND TP. Thủ Đức cũng vừa công bố dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án thành phần 2, đoạn từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp và dự án thành phần 1, đoạn từ đường Võ Nguyên Giáp đến đường Phạm Văn Đồng.
Dự án này có gần 1.170 hộ gia đình, cá nhân và tổ chức bị ảnh hưởng. Tổng diện tích đất thu hồi khoảng 61 ha với tổng số vốn bồi thường, hỗ trợ khoảng 7.600 tỷ đồng.
Ông Mai Hữu Quyết (Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức) cho biết TP. Thủ Đức, các đơn vị tư vấn thẩm định giá cùng các chuyên gia xác định đơn giá bồi thường hiện nay đã tiệm cận với giá thị trường, theo mong muốn của người dân. Với mức giá bồi thường cho dự án Vành đai 2 vừa được công bố, TP Thủ Đức hy vọng mức giá này đáp ứng được đa số mong muốn của người dân, doanh nghiệp trong phạm vi dự án.
Nếu mọi việc tiến hành thuận lợi thì chính quyền địa phương sẽ bắt đầu giải ngân từ đầu tháng 12 để chi trả tiền bồi thường cho những hộ dân đầu tiên. Ông Quyết khẳng định, dự thảo giá đất Thủ Đức đưa ra cao hơn từ 30 - 97% so với bảng giá đất mới của TP.HCM vừa công bố.
“Đặc biệt là người dân rất có lợi ở đây là khi người dân tái định cư thì sẽ được mua suất tái định cư theo đúng bảng giá đất mà TP.HCM công bố, đây là một điểm sáng mà chúng tôi đã áp dụng theo Luật Đất Đai 2024. Quan trọng hơn nữa là TP.HCM đã bố trí đủ vốn cho dự án này trong năm 2024, trong trường hợp người dân đồng thuận sớm đối với chính sách của dự án thì chúng tôi sẽ chi trả cho người dân ngay trước Tết”.
Dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm đi qua hai quận Bình Thạnh và Gò Vấp bị “treo” hơn 20 năm qua khiến vốn đầu tư của dự án đội lên nhiều lần. Một trong những vướng mắc kéo dài là khó khăn trong bồi thường, giải phóng mặt bằng. Nhiều hộ dân thuộc diện giải tỏa, di dời không đồng thuận với giá bồi thường, chính sách hỗ trợ di dời.
Do đó, khi có sự điều chỉnh về chính sách bồi thường theo chỉnh sách giá mới theo quy định tại Luật đất đai 2024 rạch Xuyên Tâm là một trong những dự án được khơi thông điểm nghẽn về giải phóng mặt bằng và được người dân đồng thuận, ủng hộ.
“Hầu hết dọc rạch Xuyên Tâm là đất nông nghiệp, cho nên hồi giờ người dân người ta ở nhà sập xệ, chứ không xây được nhà, hay làm nhà kiên cố cũng không được. Cho nên cái nguyện vọng của người dân là sau khi nhà nước làm đường xong thì những nhà nào mà còn đất thì cho người ta để người ta lên đất ở để người ta ở cho cuộc sống ổn định tốt hơn”.
Một dự án khác tại TP.HCM cũng được gỡ nghẽn nhờ bảng giá đất mới là Dự án nạo vét, cải tạo môi trường và xây dựng hạ tầng bờ Bắc kênh Đôi trên địa bàn quận 8. Mới đây dự án đã được Hội đồng nhân dân (HĐND) TP.HCM thông qua chủ trương tăng vốn từ hơn 4.900 tỉ đồng lên hơn 7.300 tỉ đồng.
Phần vốn tăng thêm chủ yếu dành cho đền bù, giải phóng mặt bằng do áp dụng Luật Đất đai 2024. Đây là dự án di dời toàn bộ nhà lụp xụp nằm trên và ven các tuyến kênh rạch, cải thiện nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Là hộ dân thuộc diện phải di dời, ông Nguyễn Sự phấn khởi khi mức giá bồi thường cao hơn so với trước.
“Tôi thấy cái luật đất đai mới là rất có lợi cho người dân, và cũng là điều kiện để thúc đẩy cái giải phóng mặt bằng nhanh để mà đẩy nhanh tiến độ thi công để cho việc thi công tốt. Bởi vì lấy cái giá theo giá thị trường, như trước đây lấy cái giá theo giá cũ thì cũng khó”.
Lãnh đạo TP.HCM khẳng định với bảng giá đất mới theo quyết định 79 của thành phố có phạm vi đối tượng chịu sự điều chỉnh rất lớn. Tuy nhiên việc điều chỉnh bảng giá đất theo luật đất đai năm 2024 là điều cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế tại TP.HCM.
Và bảng giá đất mới ban hành sẽ giải quyết điểm nghẽn về giải ngân đầu tư công bằng việc tăng giá bồi thường, từ đó đẩy nhanh quá trình giải phóng mặt bằng các dự án hạ tầng. Ông Bùi Xuân Cường (Phó chủ tịch UBND TP.HCM) nhấn mạnh.
“Bảng giá đất của địa bàn thành phố thì phải từng bước tiếp cận với giá thị trường, để tạo điều kiện trong hoạt động kinh tế xã hội và góp phần triển khai sớm các công trình, các dự án quan trọng của thành phố. Tinh thần chung là phải phù hợp với tình hình thực tế của thành phố nhưng phải hạn chế thấp nhất ảnh hưởng tới quyền lợi, lợi ích hợp pháp chính đáng của người dân, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, của người sử dụng đất và nhà đầu tư”.
Theo các chuyên gia, bảng giá đất mới tại TP.HCM sẽ giúp thúc đẩy tiến độ đền bù, khi người dân bàn giao mặt bằng nhanh. Do đó, bảng giá đất sẽ tác động tích cực đối với việc giải ngân đầu tư công. Tuy nhiên, khi giá cao lên thì đòi hỏi chi phí phục vụ giải phóng mặt bằng cao lên.
Như vậy, tổng chi phí của dự án nó sẽ cao hơn. Bên cạnh đó, với bảng giá đất mới vừa ban hành, nhiều trường hợp thuộc diện giải tỏa không đồng tình với đơn giá bồi thường trước đây sẽ càng kiên quyết không bàn giao mặt bằng với hy vọng sẽ được cơ quan có thẩm quyền xem xét lại, nâng giá bồi thường (như trường hợp dự án rạch Xuyên Tâm) để tránh thiệt thòi.
Ngoài ra, việc tăng nguồn vốn cũng sẽ là một cản trở về mặt tài chính cho việc thực hiện các dự án. Tiến sỹ Phan Lê Bình (chuyên gia giao thông) nhấn mạnh.
“Ở đây chúng ta cần phải cân nhắc đến tiêu chí chi phí trong thực hiện đầu tư công nữa. Cho nên là ngoài việc là nâng giá cho nó bằng thì tôi cho rằng là cần nhiều biện pháp khác mà đặc biệt là việc điều chỉnh tình trạng là bất công, mất công bằng trong hưởng lợi đối với các công trình giao thông. Chúng ta điều chỉnh được tình trạng mất cân bằng đó thì mới có thể rút ngắn được một cách triệt để quá trình thương lượng giải phóng mặt bằng”.
Bàn làm không bàn lùi
Tính đến hết tháng 10/2024, TP.HCM mới chỉ giải ngân được khoảng 22% tổng vốn đầu tư công và lọt top các địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp của cả nước. Dù lãnh đạo Thành phố đã đặt quyết tâm lớn cùng nhiều kế hoạch, chương trình cụ thể để có thể hoàn thành ít nhất 95% kế hoạch được giao, nhưng những chỉ dấu đến nay cho thấy TP.HCM sẽ khó có thể về đích trong cuộc đua mang tên “giải ngân”.
Nhằm níu giữ cơ hội mong manh, cuối tháng 10 vừa qua, TP.HCM đã chính thức ban hành bảng giá đất mới với kỳ vọng sẽ “lật ngược được thế cờ”. Lãnh đạo TP.HCM trong ngày thông tin chính thức về bảng giá đất mới đã khẳng định rằng đây sẽ là công cụ hữu hiệu giúp TP.HCM giải bài toán khó mang tên “giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư” tại nhiều dự án đầu tư công quan trọng như Vành Đai 2, Rạch Xuyên Tâm, bờ Bắc Kênh Đôi…..
Ngay lập tức, TP. Thủ Đức đã lên phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư đối với 1166 hộ bị ảnh hưởng bởi dự án Vành đai 2 đoạn từ cầu Phú Hữu đến đường Phạm Văn Đồng. Với mức đền bù cao nhất lên đến hơn 111 triệu đồng/m2, địa phương này đặt mục tiêu giải ngân số tiền 7600 tỷ đồng càng sớm càng tốt. Tuy mức giá đền bù đã tăng khá cao so với trước song vẫn còn khá nhiều người dần tỏ ra chần chừ, chưa đồng thuận.
Nhiều khả năng tình trạng tương tự cũng sẽ diễn ra với các dự án khác, và vì vậy sẽ là rất khó để TP.HCM có thể giải ngân được hơn 32.000 tỷ đồng đang bị đóng băng tại hàng trăm dự án lớn nhỏ khác trên địa bàn trong khi thời gian còn lại của chu kỳ giải ngân chỉ còn chưa đầy 3 tháng.
Nói vậy để thấy, việc ra đời của Luật Đất đai và bảng giá đất mới là rất cần thiết nhưng chưa đủ là “cỗ xe tam mã” giúp TP.HCM có thể mở nước rút về đích trong cuộc đua đầy cam go này.
Ở tầm nhìn dài hạn hơn thì bảng giá đất mới này cùng với Nghị quyết 98 của Quốc Hội và đặc biệt là Luật Đất đai mới chắc chắn sẽ là đòn bẩy quan trọng để TP.HCM tự tin hơn trong quá trình triển khai đầu tư, xây dựng các dự án hạ tầng lẫn nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công.
Nút thắt quan trọng về pháp lý đã mở, tất cả sẽ đặt sự chú ý vào tinh thần quyết liệt, khẩn trương, “bàn làm không bàn lùi” của các cá nhân, tập thể có trách nhiệm để không phải rơi vào cảnh “tái ông thất mã”.