Dấu ấn những công trình giao thông trọng điểm ở TP.HCM

Năm 2021 – năm thứ 2 đại dịch COVID-19 “hoành hành” và giáng một đòn nặng nề vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Song, “bức tranh giao thông” ở TP.HCM vẫn rực rỡ những gam màu sáng với những thay đổi tích cực.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Cầu Phước Lộc hơn 400 tỉ đồng thay đổi diện mạo khu Nam TPHCM (Ảnh: Lao động)

Sau gần một thập kỷ thi công, đầu năm 2021, cầu Phước Lộc (nối hai xã Phước Kiển và Phước Lộc, huyện Nhà Bè, TPHCM) chính thức thông xe trong sự phấn khởi, vui mừng của người dân và chính quyền địa phương.

“Cầu xây dựng nhiều năm chưa xong người dân ở đây khổ lắm kẹt xe, khói bụi đủ thứ. Nay cầu hoàn thành chúng tôi vui mừng lắm, mình đi lại được an toàn, thuận tiện hơn”.

“Thật sự vui lắm, sau hơn 8 năm chờ đợi thì cầu cũng hoàn thành. Mình hy vọng cây cầu này sẽ tạo điều kiện phát triển về kinh tế - xã hội; y tế giáo dục cho huyện Nhà Bè”.

Cầu Phước Lộc được triển khai xây dựng từ giữa năm 2012 với tổng kinh phí 405 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành sau 17 tháng. Tuy nhiên, sau một năm công trình phải dừng thi công do vướng mặt bằng.

Đến tháng 6/2020, sau khi đã giải phóng 100% mặt bằng; chủ đầu tư và nhà thầu đã tập trung triển khai nhiều mũi thi công, đẩy nhanh tiến độ công trình. Đây là một trong các dự án giao thông trọng điểm của TP nhằm cải thiện tình trạng giao thông, từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện Nhà Bè nói riêng và khu vực phía nam TP nói chung.

Vào dịp lễ giải phóng ền Nam 30/4, TPHCM cũng hoàn thành dự án sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh (phường 22, quận Bình Thạnh) sau gần 18 tháng thi công. Dự án có tổng mức đầu tư 473 tỷ đồng, sửa chữa, nâng cấp toàn tuyến dài hơn 3 km từ giao lộ Tôn Đức Thắng đến cầu Sài Gòn.

Dự án đi vào khai thác sẽ giải quyết bài toán kẹt xe, ngập nước đã diễn ra hơn 10 năm qua trên tuyến đường này và góp phần làm thông thoáng trong giao thông khu vực cửa ngõ phía Đông.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông - chủ đầu tư dự án cho biết: “Khi  con đường này được khai thác sẽ góp phần giải quyết một điểm ngập và kẹt xe đã tồn tại trong một thời gian dài TP.HCM. Và việc đưa vào khai thác tuyến đường này cũng góp phần tăng sự thông thoáng, đi lại thuận lợi hơn cho bà con trong khu vực cửa ngõ phía Đông TP.

Trong thời gian tới, chủ đầu tư cùng với đơn vị thi công, nhà thầu sẽ tiếp tục quan trắc theo dõi để đảm bảo vận hành, khai thác tuyến đường này một cách hiệu quả nhất an toàn nhất và thuận lợi nhất cho bà con”.

Đến cuối tháng 6 đầu tháng 7, TP.HCM tái bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 với hàng ngàn ca nhiễm mỗi ngày; TP siết chặt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 với phương châm “ai ở đâu thì ở đó”, tạm dừng thi công các công trình xây dựng.

Đến đầu tháng 10/2021, TP “nới lỏng giãn cách” cho phép các công trình thi công trở lại với yêu cầu phòng chống dịch nghiêm ngặt. Khi được phép thi công trở lại, nhiều công trình giao thông trên địa bàn đã nhanh chóng bắt nhịp với trạng thái “bình thường mới”, tăng tốc thi công vừa bảo đảm phòng chống dịch vừa kịp tiến độ, sớm đưa vào phục vụ người dân.

Nhánh cầu Bưng trên đường Lê Trọng Tấn sau khi thông xe đã góp phần giảm kẹt xe khu vực Tây Bắc thành phố (Ảnh: Lao động)

Công trình Cầu Bưng (nối quận Bình Tân - quận Tân Phú) khánh thành vào ngày 5/12 là công trình đầu tiên của TP hoàn thành sau đại dịch COVID-19.

Bên cạnh những công trình đã đưa vào sử dụng, TP.HCM vẫn còn nhiều công trình giao thông trọng điểm “chuẩn bị” về đích trong năm 2021. Trong đó, có thể kể đến dự án sửa chữa nâng cấp đường Đặng Thúc Vịnh, huyện Hóc Môn.

Có mặt tại đường Đặng Thúc Vịnh, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn những ngày cuối tháng 12, Kênh VOV Giao thông cảm nhận được sự khẩn trương, tất bật của hàng chục công nhân, kỹ sư trên công trường.

Trên vỉa hè, một nhóm công nhân cẩn thận lắp từng ếng gạch xây vỉa hè; phía dưới đường đội ngũ kỹ sư tỉ mỉ đo đạc giữa cái nắng quay quắt của Sài Gòn những ngày cuối năm; cách đó khoảng vài trăm mét một toán thợ điện đang di dời các trụ điện cũ và lắp các trụ điện mới; phía xa xa, các xe lu vẫn nhịp nhàng tới lui nén, làm phẳng mặt đường.

Tất cả đều cùng một quyết tâm rút ngắn thời gian thi công để đưa công trình vào phục vụ người dân trước tết Nguyên Đán 2022. Anh Nguyễn Thanh Tân, quê Tiền Giang – một công nhân làm việc tại công trường chia sẻ: “Anh em ai cũng cố gắng làm tăng ca, làm thêm giờ, cố gắng làm cho xong tuyến đường để cho dân bớt khó khăn, người ta buôn bán, đi lại thuận lợi hơn”.

Không chỉ đội ngũ công nhân, kỹ sư ệt mài làm việc mà những người dân sinh sống dọc hai bên tuyến đường cũng chung tay dọn dẹp rác, cây cỏ; lắp lại hệ thống nước… góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành con đường mới: hiện đại và khang trang.

Xúc động trước sự “thay da đổi thịt” của tuyến đường Đặng Thúc Vịnh, chị Lê Thị Mai – một người dân sinh sống tại đây chia sẻ:“Thật sự không chỉ chị mà bà con ở đây ai cũng vui mừng, phấn khởi khi nhìn thấy sự đổi thay của con đường này. Từ chỗ bùn lầy, hố ga, ổ gà, ổ voi, hố đọng…thường xuyên kẹt xe, tai nạn giao thông, nay con đường đã được sửa chữa rộng rãi, thông thoáng và khang trang hơn. Chị vui lắm”.

Hiện, tổng sản lượng toàn công trình đạt trên 85%, các đơn vị đang dồn lực đẩy nhanh tiến độ thi công, để sớm hoàn thành công trình, thông xe phần mặt đường chính trước Tết Nguyên đán năm 2022 và hoàn thành toàn bộ công trình trong quý I/2022.

Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông - chủ đầu tư dự án chia sẻ: “Đây là kết quả của sự chỉ đạo của UBND TP, sự hỗ trợ của các sở chuyên ngành, UBND các quận huyện đặc biệt là sự chia sẻ ủng hộ, đồng hành của bà con nhân dân trong suốt thời gian thực hiện dự án. Và có thể xem những công trình này như món quà của tập thể cán bộ, công nhân, kỹ sư vượt qua khó khăn gửi tặng người dân TP trong giai đoạn nhiều thách thức hiện nay”.

Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng với sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân TP, hạ tầng giao thông ở TPHCM đã có những chuyển biến tích cực.

Hàng loạt dự án, công trình giao thông trọng điểm đã và đang về đích góp phần góp phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại, vận tải hàng hóa của người dân, doanh nghiệp; tạo đột phá trong giải pháp về công trình, giúp thành phố từng bước khắc phục được thực trạng nhức nhối về kẹt xe hiện nay.

Đồng thời thúc đẩy các ngành nghề khác phát triển đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố HCM nói riêng và cả nước nói chung.