Đất không có giấy tờ có thể được cấp sổ đỏ

Điều 138, cấp sổ cho các trường hợp không vi phạm pháp luật về đất đai, không giao đất trái thẩm quyền, tức là bản chất ở đây không có hành vi sai phạm, như là hành vi lấn chiếm đất. Điều luật này chủ yếu giải quyết cho các trường hợp đất do cha ông để lại, đã được sử dụng lâu đời.

Mới đây, Chính phủ đã có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số nội dung dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Theo đó, Chính phủ thống nhất với phương án tại dự thảo luật do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý. Cụ thể, cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất, không có giấy tờ về quyền sử dụng đất, không vi phạm pháp luật đất đai và không thuộc trường hợp giao đất trái thẩm quyền trước ngày 01-07-2014 sẽ được xem xét cấp sổ đỏ.

Như vậy, ở lần chỉnh sửa này, thời điểm công nhận quyền sử dụng đất với đất không giấy tờ, đang được cá nhân, hộ gia đình sử dụng ổn định sẽ kéo dài thêm 10 năm so với quy định cũ. Để có thể hiểu rõ hơn về nội dung này, PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Đỉnh, chuyên gia về pháp lý bất động sản.

PV: Thưa ông, ông có đánh giá như thế nào về quy định: Cấp sổ đỏ cho đất không có giấy tờ trước ngày 01/07/2014, được đề cập mới đây tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)?

Ông Nguyễn Văn Đỉnh: Chúng ta cần lưu ý là Điều 138 này là xử lý cho việc cấp sổ cho các trường hợp không vi phạm pháp luật về đất đai, không giao đất trái thẩm quyền, tức là bản chất ở đây không có hành vi sai phạm, như là hành vi lấn chiếm đất.

Điều luật này chủ yếu giải quyết cho các trường hợp đất do cha ông để lại, đã được sử dụng lâu đời.

Tuy nhiên có thể do người dân thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế, xã hội còn khó khăn, do hiểu biết pháp luật còn hạn chế hoặc do không có nhu cầu chuyển nhượng đất nên không đi đăng ký để cấp sổ đỏ. Tôi tán thành với việc mở rộng này để bảo đảm hài hòa quyền lợi cho người dân.

Điều quan trọng nhất ở đây là người dân không có vi phạm pháp luật đất đai, và không thuộc trường hợp giao đất trái thẩm quyền nên cần bảo vệ quyền lợi cho họ.

Ảnh nh họa: congthuong.vn

PV: Được biết, thực tế theo quy định Luật Đất đai hiện nay, thời hạn mốc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu với trường hợp này là đất được sử dụng ổn định trước ngày 1-7-2004. Vậy với lần chỉnh sửa này, việc mở rộng thêm 10 năm so với quy định cũ sẽ có ý nghĩa như thế nào, nhất là đối với người dân?

Ông Nguyễn Văn Đỉnh: Đã có một số ý kiến của các vị Đại biểu Quốc hội băn khoăn về việc, cứ mỗi lần sửa Luật Đất đai là lại nới thời hạn này. Việc này có thể dẫn đến việc người dân sẽ yên tâm rằng, đằng nào thì đến kỳ sửa luật tiếp theo cũng sẽ được nới thời hạn và không có ý thức đi làm thủ tục cấp sổ đỏ.

Tuy nhiên như tôi đã nêu trên, các trường hợp chưa đi đăng ký cấp giấy chứng nhận đa số đều thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế, xã hội còn khó khăn, hiểu biết pháp luật của người dân còn hạn chế.

Người dân thuộc nhóm chủ thể yếu thế cần được pháp luật bảo vệ. Tôi cũng tán thành với ý kiến của cơ quan thẩm tra luật là Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội khi cho rằng, để giải quyết căn cơ, triệt để vấn đề này thì sau khi luật mở rộng thời hạn cấp giấy chứng nhận, Chính phủ cũng cần tăng cường vận động người dân và có cơ chế, chính sách hỗ trợ hợp lý.

Ví dụ như hỗ trợ về tiền sử dụng đất, để người dân có ý thức tích cực đi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận, góp phần nâng cao hiệu quả của pháp luật. Tránh câu chuyện sau này chúng ta sửa Luật Đất đai, chúng ta lại phải nới thời hạn này.

PV: Quy định này liệu có dẫn tới những sự việc tiêu cực, nhằm hợp thức hóa cho các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai hay không?

Ông Nguyễn Văn Đỉnh: Như tôi đã nêu trên, quy định tại Điều 138 của dự thảo Luật Đất đai sửa đổi chỉ giải quyết cho các trường hợp không có vi phạm pháp luật đất đai, và không thuộc trường hợp giao đất trái thẩm quyền. Như vậy là không có sự hợp thức hóa cho các trường hợp có sai phạm, như là việc người dân cố tính lấn chiếm đất, sau đó thì được hợp thức hóa bằng sổ đỏ.

Tất nhiên chúng ta hiểu rằng khâu thi hành luật cũng rất quan trọng, bởi không thể loại trừ hoàn toàn trường hợp một số công chức nhà nước chẳng hạn, sẽ bắt tay, câu kết với các trường hợp vi phạm như là lấn chiếm đất, để làm đẹp hồ sơ theo hướng không có vi phạm, nhằm hợp thức hóa việc cấp giấy chứng nhận.

Nhưng đương nhiên đây là hành vi vi phạm pháp luật, và sẽ phải chịu chế tài rất nặng nề, gồm cả chế tài về hình sự. 

PV: Xin cảm ông.