Đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân vùng hạn: Cần những giải pháp lâu dài

Hạn mặn là vấn đề được dự báo trước, thế nhưng các địa phương vẫn loay hoay trong công tác ứng phó, chủ động nguồn nước ngọt phục vụ cho dân sinh. Điều này đòi hỏi các địa phương cần phải có một kế hoạch lớn, dài hạn để thích ứng với tình trạng hạn hán hàng năm, không để người dân thiếu nước.

Gò Công Đông cùng với Chợ Gạo, Gò Công Tây và TX. Gò Công là 04 địa phương thuộc vùng “ngọt hóa Gò Công” – dự án thủy lợi đồ sộ, được đánh giá là hiệu quả trong việc ngăn mặn, giữ ngọt để ứng phó với biến đổi khí hậu. Thế nhưng, vùng dự án này cũng “lực bất đồng tâm” khi mà hàng loạt kênh, mương đều trơ đáy.

Chị Trần Thị Quế Anh, ở xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang cho biết: “Xã của tôi đang sống nằm ở cuối nguồn nước ngọt, đã nhiều ngày nước ngọt không chảy về đây, nước tích trữ trong kênh, mương thì cạn kiệt hết nên thiếu nước trầm trọng. Địa phương có vòi nước công cộng như chảy rất yếu”.

Không riêng người dân vùng “ngọt hoá Gò Công” phải chịu ảnh hưởng từ đợt hạn mặn này mà nhiều địa phương khác cũng rơi vào tình trạng thiếu nước cục bộ tương tự. Theo thống kê, trong mùa khô này, Cà Mau có trên 4.000 hộ dân đang thiếu nước ngọt sinh hoạt, vùng hạ tỉnh Long An hơn 5.000 hộ dân ở thiếu nước cục bộ, toàn tỉnh Tiền Giang cũng có ít nhất 3000 hộ rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Trong khi nhiều tổ chức, cá nhân chở nước ngọt từ nơi khác về cung ứng cho các hộ dân ở “tâm điểm” hạn mặn thì một số địa phương vẫn còn loay hoay tìm cách cách ứng phó mặc dù tình trạng thiếu nước đã được cảnh báo sớm.

Bên cạnh đó, đối diện với hạn mặn, một vài dự án ứng phó ở ĐBSCL cũng chưa phát huy hết hiệu quả như mong đợi, hoặc còn nằm trên giấy. Đơn cử như dự án “ngọt hóa Gò Công” địa phương đã chi 60 tỉ đồng để nạo vét 21 tuyến kênh chính nhằm tăng khả năng trữ nước ngọt, nhưng mùa khô 2024, người dân ven biển vùng dự án “ngọt hoá Gò Công” vẫn bị thiếu nước ngọt.

Một dòng kênh trơ đáy trên địa bàn tỉnh Cà Mau khi vào mùa khô, điều này đã được cảnh báo sớm, nhưng biện pháp cung ứng nước vẫn còn cập rập, dẫn đến nhiều hộ dân ở đây thiếu nước sinh hoạt. (Ảnh: VOV)

Theo dự báo, lượng mưa khu vực ĐBSCL trong tháng 4 và tháng 5 sẽ sụt giảm 20 - 25% so với trung bình các năm. Lưu vực sông Mekong từ Trung Quốc cho tới Campuchia từ tháng 11 năm ngoái đến nay cũng rất ít mưa, khiến hệ thống sông Mekong không được bổ sung nguồn nước.

Cả hai yếu tố bổ sung nước cho ĐBSCL đều thấp hơn so với trung bình các năm, cộng với dự báo tháng 5 tới sẽ có 3 đợt xâm nhập mặn tăng cao vào hệ thống sông, nên hạn mặn sẽ còn tiếp tục khốc liệt. Ngoài ra, mặn xâm nhập không chỉ ở trên bề mặt của các dòng sông mà mặn còn xâm nhập cả dưới lòng đất và ở các địa tầng càng lúc càng nghiêm trọng hơn.

Ông Đặng Văn Ngọ - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Sóc Trăng góp ý: Theo thông tin tôi biết thì khoảng giữa năm nay sẽ có các cầu nối từ Tiền Giang, Bến Tre và Trà Vinh để làm vành đai ven biển, tương lai sẽ đi đến Cà Mau qua Kiên Giang. Bây giờ thay vì làm cầu thì chúng ta làm cống kết hợp cầu. Nếu triển khai được, sẽ điều tiết nước, giữ nước trong mùa mưa, dùng trong mùa khô, đỡ lo việc nước từ thượng nguồn về. Nếu hôm nay mặn tấn công Sóc Trăng, Hậu Giang, lâu dài tấn công tới Cần Thơ, An Giang thì sẽ rất khó”.

Hồ nước ngọt vùng đất rừng U Minh hạ, Cà Mau có giá trị đầu tư 248 tỷ đồng sẽ hoàn thành trong tháng 5 tới để cung cấp nước cho khoảng 11.000 hộ dân. Đây được kỳ vọng là công trình "giải khát" cho vùng U Minh Hạ mỗi khi vào đợt hạn hằng năm.

Với tính chất và mức độ càng ngày phức tạp của hạn mặn, người dân trong vùng ĐBSCL đã chủ động trữ nước bằng lu, khạp, ao, mương… và cách này đang được khuyến khích nhân rộng. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, hạn mặn vẫn sẽ còn quay lại hàng năm và gây ra tình trạng thiếu nước trên diện rộng. Vì vậy, cần thiết xây dựng các nhà máy để đảm bảo cung cấp đủ nước cho người dân. Theo quy hoạch cấp nước, ĐBSCL chia 3 vùng gồm: Bắc sông Tiền, vùng giữa và vùng Tây Nam sông Hậu, ý tưởng xây dựng 5 nhà máy nước được cho là phù hợp trong bối cảnh này.

Ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho rằng: Chúng ta cần nghĩ đến chuyện cấp nguồn nước thô cho các nhà máy. Hiện các nhà máy chỉ thiếu nguồn nước thôi. Các nhà máy vẫn hoạt động bình thường. Giờ tính để cấp nguồn không bị mặn Do nước mặt nhiễm mặn nên cần đầu tư đường ống nước từ thượng nguồn sông Tiền, sông Hậu đưa về để các nhà máy hiện có xử lý cung cấp cho người dân”.

Diễn biến hạn mặn ở ĐBSCL diễn ra trong thời gian qua cho thấy, ngoài một số yếu tố tự nhiên thì yếu tố con người cũng góp phần không nhỏ gây ra. Việc quản lý và khai thác nguồn tài nguyên nước dưới đất chưa phù hợp, dẫn đến tình trạng sụt lún đồng bằng cũng như tình trạng khai thác cát lòng sông dẫn đến tình trạng hạ thấp đáy sông đã tạo điều kiện thuận lợi cho mặn xâm nhập sâu trong nội đồng.

Do vậy, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống công trình giữ nước ngọt ở đồng bằng cũng như các dự án cấp nước liên vùng chính là vấn đề an sinh xã hội phải được đầu tư và quan tâm hơn nữa trong thời gian tới. 

Ngoài các giải pháp từ Nhà nước, người dân cũng cần chủ động tích trữ nước để ứng phó với hạn mặn ngày càng diễn biến khốc liệt.

Kết luận được đưa ra từ báo cáo của các tổ chức nghiên cứu, dự báo BĐKH tại Việt Nam, tần suất lặp lại hặn mặn ở ĐBSCL đang diễn ra 4 năm một lần. Đây cũng là cảnh báo trong tương lai mà ĐBSCL phải đối mặt. Cho nên, ĐBSCL phải chủ động ngay cả khi hạn hán khốc liệt mà không cần phải cứu trợ từng sà lan nước. 

“ĐBSCL 9 cửa 2 dòng”, hàng trăm năm qua, nơi đây là túi nước ngọt dồi dào bậc nhất cả nước nhưng cũng có ngày phải đối mặt với tình cảnh thiếu nước ngọt. Thực tế này đòi hỏi chính bản thân người dân ĐBSCL cần phải thay đổi suy nghĩ về nguồn nước vô tận như trước kia và sử dụng tiết kiệm nước ngọt.

Từ đợt hạn mặn lịch sử 2016, những vùng “tới hẹn mặn lại đến” đã có riêng phương pháp trữ ngọt hiệu quả trong ao, mương và lu, khạp. Đó là ở góc độ hộ gia đình, còn nếu tính đến sự “sống còn” của đồng bằng thì phải tính đến kế hoạch công trình, phi công trình có tầm nhìn lên đến vài chục năm, thậm chí cả trăm năm.

Nhiều chuyên gia đã chỉ rõ giải pháp thích ứng cho ĐBSCL trước vấn đề hạn mặn là “hồ chứa” và “mô hình canh tác”. Đây là những giải pháp ít tốn kém mà hiệu quả, phù hợp với đặc điểm của vùng. Trong đó, xây dựng và hoàn thiện hệ thống công trình giữ nước ngọt trong đồng bằng, bao gồm: thiết lập hệ thống cống đầu kênh, nạo vét các sông, kênh và rạch, xây dựng hồ chứa nước và tận dụng nguồn nước mưa. Ngoài việc tích nước tại chỗ cũng rất cần dự án đường cấp nước liên vùng, có thể đưa từ “túi nước” Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười về hạ lưu.

Nếu chuyển nước từ nơi khác về thì nên dùng hệ thống đường ống kín để vận chuyển nước thô về các hồ chứa ở các tỉnh để xử lý, không nên vận chuyển hệ thống hở vì rất dễ bị ô nhiễm nguồn nước và thất thoát do bốc hơi. Việc này chi phí đắt nhưng với tư duy và tầm nhìn của 100 năm thì xứng đáng để đầu tư, mỗi khi có El Nino chúng ta không còn phải huy động nguồn lực ứng phó, không phải chở từng sà lan cứu trợ cho người dân.

Và trên hết thế chủ động vẫn là địa phương, dự báo sớm và triển khai biện pháp ứng phó mặn sớm chứ không phải đợi hết nước mới loay hoay bàn chuyện nối dài đường ống cấp nước.