Đảm bảo an toàn PCCC tại các địa điểm tổ chức lễ hội

Sau Tết Nguyên đán, nhiều quận, huyện liên tục tổ chức các hoạt động lễ hội mừng xuân mới. Ngoài yếu tố tích cực giúp người dân có thêm không gian vui xuân, ở những nơi diễn ra lễ hội đều tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao...

Ngoài việc tạo thêm không gian giải trí, vui xuân cho mọi người, ở những nơi diễn ra lễ hội đều có nguy cơ tiềm ẩn xảy ra cháy nổ

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Theo thống kê, Hà Nội là địa phương có nhiều lễ hội nhất cả nước. Đặc biệt, ngay sau Tết Nguyên đán, nhiều quận huyện liên tục tổ chức các hoạt động lễ hội mừng xuân mới. Bên cạnh yếu tố tích cực, giúp người dân có thêm không gian giải trí, vui xuân ấm áp, ở những nơi diễn ra lễ hội, nguy cơ cháy nổ luôn tiềm ẩn.

Mới đây, UBND TP Hà Nội vừa ban hành Công văn về tăng cường công tác đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trong dịp tết Nguyên đán Kỷ Hợi và các hoạt động lễ hội đầu năm 2019 trên địa bàn thành phố. Ngay sau đó, lực lượng chức năng PCCC đã phối hợp với chính quyền, công an các địa phương, Ban quản lý các khu di tích tổ chức kiểm tra phương án, phương tiện và lực lượng chữa cháy tại chỗ ở các lễ hội lớn như: 

Lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức), Hội đền Cổ Loa (huyện Đông Anh), Hội Đền Sóc - Thánh Gióng (huyện Sóc Sơn)… và kịp thời phát hiện các điểm có nguy cơ cháy nổ trong và ngoài khu vực diễn ra lễ hội. Nói về công tác đảm bảo PCCC tại khu vực tổ chức Lễ hội chùa Hương, ông Nguyễn Thanh Bình – Quản lý Bến xe Hương Sơn (Mỹ Đức, Hà Nội) cho biết:

 

“Toàn bộ hệ thống PCCC là đã được chuẩn bị trước khi vào hội, đặc biệt về chuyên môn công an huyện đã tổ chức tập huấn riêng cho các đội thường trực ở đây”.

Còn ở địa bàn huyện Quốc Oai, mặc dù đến tháng 3 âm lịch, hội Chùa Thầy mới chính thức bắt đầu. Nhưng ngày từ lúc này, nhằm đảm bảo an toàn cháy nổ, lực lượng Cảnh sát PC&CC địa bàn đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn an toàn PCCC tại các khu di tích, đình, đền, chùa đảm bảo an ninh, an toàn cho nhân dân tham quan, trẩy hội. Ông Bùi Xuân Hương – chủ một cửa hàng kinh doanh gần khu vực Chùa Thầy (Quốc Oai, Hà Nội) cho biết:

 

“Chúng tôi kinh doanh ở khu vực lễ hội cũng như trong ngày thường thì chúng tôi luôn rất cần PCCC và gia đình đã tự đầu tư các thiết bị PCCC và được tập huấn để đủ điều kiện kinh doan an toàn PCCC”.

Từ những nguy cơ mất an toàn PCCC trong mùa lễ hội, Cảnh sát PCCC TP Hà Nội khuyến cáo, hơn lúc nào hết, ngay lúc này người dân cần nâng cao ý thức, cảnh giác đối với cháy nổ. Theo đó, cần nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về PCCC, thoát nạn trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, dù là những quy định đơn giản nhất. 

Cháy nổ không loại trừ một ai, chỉ mắc sơ sót nhỏ cũng có thể dẫn đến hậu quả lớn

Do đó, mọi người hãy thực hiện tốt nhất các điều kiện đảm bảo an toàn cháy nổ ở mọi lúc mọi nơi. Nói về vấn đề này, Đại tá Nguyễn Hải Triều – Phó trưởng Công an Huyện Mỹ Đức, Hà Nội cho biết:

 

“Trước lễ hội chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị, lực lượng tham gia lễ hội tập huấn nghiệp vụ để sử dụng thành thạo các phương tiện. Và tăng cường công tác tuyên truyền cho các hộ gia đình, chuẩn bị các lực lượng phương tiện kịp thời khi có cháy nổ xảy ra”.

Bên cạnh đó, hầu hết ở các lễ hội, đền chùa, và điểm du lịch tâm linh, chúng ta đều bắt gặp những những hình ảnh thắp hương, đốt vàng mã với số lượng lớn. Đặc biệt là sự chủ quan, tùy tiện của một bộ phận du khách khi thắp hương, nến, đốt vàng mã không đúng nơi quy định.… nên nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến cháy rất cao. Trước tình trạng này, Trung tá Đặng Trung Kiên – Phó trưởng Công an huyện Quốc Oai (Hà Nội) khuyến cáo:

 

“Người dân không nên đốt quá nhiều vàng mã, nhất là các loại vàng mã lớn, như nhà, xe ô tô… Người dân nên đốt vàng mã ở nơi ít người qua lại, cách xa các vật liệu dễ cháy. Khi đốt vàng mã, phải sử dụng thùng kim loại (sắt, inox) có nắp đậy kín để tránh tàn lửa bay ra xung quanh. Người dân tuyệt đối không đốt vàng mã ở những nơi cấm như: chợ, trung tâm thương mại, nơi có vật liệu dễ cháy… Đặc biệt, bàn thờ phải làm bằng vật liệu khó cháy hoặc không cháy và có vách ngăn chống cháy lan sang khu vực xung quanh”.

Để đảm bảo an toàn PCCC trong mùa lễ  hội, thiết nghĩ ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra nhắc nhở, xử lý của lực lượng chức năng thì người đứng đầu các cơ sở đình, chùa và Ban quản lý khu di tích lịch sử, văn hóa cần thực hiện đúng theo các quy định về PCCC và chủ động trong công tác PCCC; đặc biệt là ý thức của người dân trong công tác PCCC, góp phần bảo vệ an toàn các di tích, đảm bảo tài sản, tính mạng của người dân.

Nếu có bất kỳ câu hỏi, băn khoăn liên quan đến công tác đảm bảo an toàn PC&CC, quý thính giả có thể liên hệ với chương trình qua tổng đài 024.37.91.91.91, thư điện tử: hoso114vov@gmail.com.