Đảm bảo an toàn PCCC cần có sự chung tay của toàn dân

Để đảm bảo an toàn hạn chế thấp nhất các vụ hỏa hoạn gây ra, thì công tác đảm bảo an toàn PCCC và thoát nạn rất cần có sự chung tay vào cuộc của tất cả người dân chứ không chỉ có riêng ngành chức năng.

Lực lượng chức năng kiểm tra, tuyên truyền nâng cao ý thức PCCC&CNCH cho người dân.

TP.HCM là trung tâm về kinh tế, xã hội hàng đầu của cả nước, vì vậy Thành phố có số lượng người lao động và học sinh, sinh viên tập trung về làm việc, học tập cao, dẫn tới nhu cầu thuê trọ tại các khu nhà cho thuê, chung cư ni từ đó cũng sẽ tăng cao. Để đảm bảo an toàn hạn chế thấp nhất các vụ hỏa hoạn gây ra, thì công tác đảm bảo an toàn PCCC và thoát nạn rất cần có sự chung tay vào cuộc của tất cả người dân chứ không chỉ có riêng ngành chức năng.

Trung tá Nguyễn Thị Hồng Thủy – Phó đội trưởng đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận 10, TP.HCM khuyến cáo: “Mỗi người dân phải nâng cao hơn nữa ý thức và trách nhiệm của mình trong việc chấp hành tốt các quy định pháp luật của nhà nước về PCCC, trang bị cho mình kiến thức về PCCC&CNCH, kỹ năng xử lý khi có cháy xảy ra, kỹ năng thoát nạn khi có sự cố, đồng thời chủ động trang bị và sử dụng thành thạo các phương tiện chữa cháy, chủ động mở lối thoát nạn thứ hai.

Các thành viên sống trong gia đình hoặc các thành viên sống và làm việc tại các khu nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê thì phải được hướng dẫn, thực hành các tình huống giả định khi các tình huống cháy nổ xảy ra và biết cách thoát nạn an toàn; đặc biệt khi đi ra ngoài không khoá trái cửa khi vẫn còn người trong nhà”.

Lực lượng chức năng kiểm tra, tuyên truyền nâng cao ý thức PCCC&CNCH cho người dân.

Mới đây, UBND TP.HCM cũng đã có văn bản yêu cầu các địa phương thường xuyên kiểm tra, rà soát các cơ sở có nguy cơ cháy cao trên địa bàn, nhất là các chung cư ni và cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở đông, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật.

Theo đó, Chủ tịch UBND các địa phương phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP.HCM và bị xử lý theo quy định pháp luật nếu để các công trình chưa được nghiệm thu về PCCC nhưng đã hoạt động và xảy ra cháy, nổ.

Tổ chức diễn tập chữa cháy giúp nâng cao kỷ năng thoát nạn cho người dân.

Theo số liệu từ Phòng (PC07) Công an TP.HCM 9 tháng đầu năm 2023 , trên địa bàn TP.HCM xảy ra 69 vụ việc liên quan đến cháy nổ, tai nạn, sự cố cần cứu nạn cứu hộ, làm 3 người chết. Trong số các vụ việc liên quan đến cháy nổ, thống kê cho thấy có đến 53% số vụ cháy xảy ra tại nhà ở riêng lẻ. Nguyên nhân chủ yếu do sự cố hệ thống thiết bị điện (chiếm 46,9%) và do sử dụng nguồn nhiệt, nguồn lửa trong sản xuất, sinh hoạt (chiếm 26,5%).

Thời gian tới, đơn vị này sẽ tiếp tục phối hợp với Công an các quận huyện và TP. Thủ Đức tổng kiểm tra, rà soát 100% chung cư ni, nhà cho thuê.