Cuối năm lại lo cháy nổ các xưởng sản xuất đồ gỗ

Xưởng sản xuất, gia công đồ gỗ là nơi tiềm ẩn những nguy cơ dẫn đến cháy nổ cao, đặc biệt là vào cao điểm sản xuất cuối năm. Chỉ cần chủ quan, lơ là thì việc cháy, nổ hoàn toàn có thể xảy ra và dẫn đến những hậu quả khôn lường.

Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH tuyên truyền công tác đảm bảo an toàn PCCC tại các cơ sở sản xuất trong khu dân cư

Các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ thường tập trung một lượng lớn các chất dễ cháy như: nguyên vật liệu từ gỗ, dung môi sơn, hàng thành phẩm, bụi, mùn cưa... Trong quá trình hoạt động nếu không có các biện pháp bảo đảm an toàn PCCC rất dễ dẫn đến phát sinh cháy, nổ đe dọa đến tính mạng, tài sản của người dân, doanh nghiệp.

Hiện nay, bên cạnh các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến gỗ thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn PCCC thì vẫn còn nhiều nơi chưa tuân thủ. Nhất là các cơ sở gia công, chế biến gỗ nhỏ, lẻ; xưởng mộc và các cơ sở chế biến gỗ tại gia.

Qua kiểm tra của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an huyện Phúc Thọ tại cơ sở sản xuất đỗ gỗ rộng gần 400m2 của ông Nguyễn Công Độ, thôn 7, xã Hát Môn, cho thấy, trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho công tác PCCC cơ bản đã có, nhưng việc vệ sinh công nghiệp chưa được quan tâm thường xuyên. Đặc biệt, hệ thống điện của cơ sở này được câu mắc khá tùy tiện và không được đi trong ống gen, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.

Đáng chú ý, khi được các cán bộ tuyên truyền hỏi vì sao vẫn đặt ban thờ để thắp hương, thờ cúng ngay trong khu vực sản xuất, chủ cơ sở này trả lời rằng: “Tôi đặt ban thờ ở đây là để phục vụ công tác tâm linh, cầu may cho người lao động ở đây, việc thắp hương luôn đảm bảo an toàn cháy nổ. Còn khi đoàn công tác nhắc nhở thì chúng tôi sẽ thực hiện để đảm bảo PCCC chung cho tất cả mọi người”.

Một xưởng gỗ tại thôn 7, xã Hát Môn (Phúc Thọ) vẫn đặt ban thờ tại nơi sản xuất và để nhân viên hút thuốc ngay gần các vật liệu dễ cháy

Còn tại xưởng gỗ của ông Nguyễn Thế Tư ở thôn 1, xã Hát Môn, dù đã đi vào hoạt động được hơn 4 năm, nhưng ông vẫn luôn quan tâm đến việc thường xuyên vệ sinh công nghiệp cho từng khu vực sản xuất. Hàng ngày, chủ cơ sở này luôn có thói quen kiểm tra tình trạng hoạt động của các thiết bị điện. Đồng thời, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng cháy, chữa cháy trong xưởng (không hút thuốc lá, thuốc lào, không sử dụng lửa trần,…).

Về phía đại diện chính quyền địa phương, theo ông Kim Văn Quý – Phó Chủ tịch UBND xã Hát Môn (huyện Phúc Thọ), thời gian qua, các cơ quan chức năng đã phối hợp kiểm tra liên ngành về an toàn PCCC và thực hiện điều tra cơ bản, tuyên truyền PCCC đến toàn bộ 273 sơ sở nhà ở kết hợp sản xuất trên địa bàn xã.

“Chúng tôi đã phối hợp với lực lượng công an xã đến tuyên truyền PCCC tại các hội nghị trong khu dân cư. Đến nay, 80% các hộ dân trên địa bàn đã có ít nhất 1 bình chữa cháy trong nhà. Ngoài ra, trên địa bàn xã đã thành lập được 10 điểm chữa cháy công cộng, 10 tổ liên gia an toàn PCCC. Nhưng khó khăn hiện nay là việc trang cấp các thiết bị và trang phục PCCC với các đội dân phòng là chưa có, mà hầu như phải phụ thuộc vào nguồn xã hội hóa từ người dân”, ông Kim Văn Quý cho biết thêm.

Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an huyện Phúc Thọ hướng dẫn các cơ sở sản xuất các giải pháp đảm bảo an toàn PCCC

Còn theo Thiếu tá Lê Xuân Tình - Phó trưởng Công an xã Hát Môn, để đảm bảo an toàn PCCC tại các nhà xưởng, cơ sở sản xuất trong khu dân cư, thời gian qua, Công an xã đã tham mưu cho chính quyền địa phương ban hành các kế hoạch thanh tra, kiểm tra điều kiện an toàn PCCC với loại hình này. Đặc biệt, phối hợp với UBND cấp xã xây dựng các điểm chữa cháy công cộng và các tổ liên gia an toàn PCCC đúng theo Kế hoạch số 53/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội.

Trong thời gian tới, để đảm bảo an toàn PCCC&CNCH đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, Thượng tá Nguyễn Hữu Tùng – Phó trưởng công an huyện Phúc Thọ cho biết, sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền với tinh thần “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng cơ sở; Đồng thời, xử lý nghiêm người đứng đầu khi để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản; Yêu cầu các cá nhân, doanh nghiệp khắc phục ngay các lỗi vi phạm.

“Đặc biệt, trong thời điểm mùa hanh khô và cao điểm sản xuất cuối năm phục vụ Tết, để giảm thiểu nguy cơ cháy nổ, cơ quan chức năng đề nghị các chủ cơ sở cần nâng cao trách nhiệm trong công tác phòng chống cháy nổ; Bổ sung các trang thiết bị chữa cháy tại chỗ còn thiếu; Tổ chức tập huấn kỹ năng phòng chống cháy nổ, nhất là thoát hiểm cho lực lượng công nhân viên; phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức thực tập phương án chữa cháy với nhiều tình huống giả định khác nhau…”, Thượng tá Nguyễn Hữu Tùng khẳng định.

Một điểm chữa cháy công cộng tại xã Hát Môn (Phúc Thọ)

Bên cạnh đó, vào thời điểm mùa hanh khô và cao điểm sản xuất cuối năm như hiện nay, lực lượng chức năng cũng khuyến cáo, các cơ sở cần chú ý sắp xếp hàng hóa gọn gàng, thường xuyên vệ sinh công nghiệp, sắp xếp hệ thống điện, nhất là điện trần an toàn; Bổ sung nguồn nước phục vụ chữa cháy. Từ đó, sẽ góp phần quan trọng hạn chế được những nguyên nhân dẫn đến cháy, nổ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra./.