“Cửa” vào trường công ngày càng “hẹp”, phân luồng giáo dục vẫn loay hoay

Kỳ thi vào THPT công lập ở Hà Nội vừa khép lại. Với nhiều bậc phụ huynh, đây lại là thời điểm họ phải nơm nớp nỗi lo trượt vào các trường công lập.

Nguyên nhân do trong số 102 nghìn học sinh dự thi vào THPT năm nay, chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường công lập chỉ khoảng 72.000 học sinh, chiếm 55,7%.

Cánh cửa vào trường công ngày càng “hẹp”, song câu chuyện phân luồng học sinh sau tốt nghiệp cấp 2 vẫn rất loay hoay và gần như giậm chân tại chỗ.

Thí sinh Hà Nội trong kì thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm 2023. Ảnh: Lao Động

Dù đã kết thúc kỳ thi vào lớp 10 công lập, song gia đình chị Nguyễn Mai Loan (ở Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) vẫn chưa thể yên tâm, bởi lực học của con không quá xuất sắc, nên ranh giới giữa đỗ và trượt rất mong manh, dù trước đó các con đã quyết liệt học thêm, luyện thi: "Chấp nhận thôi anh, bởi vì bây giờ quỹ đất dành cho trường học ở Hà Nội chỉ thế thôi. Như bản thân con em em thấy là rất kinh khủng, em cho học thêm rất dã man".

Chị Lê Phương Liên, phụ huynh ở quận Đống Đa, Hà Nội đứng ngồi không yên suốt mấy ngày qua bởi con thi kết quả không như mong muốn. Gia đình không khá giả để cho con theo học trường tư, nhưng cho con học trường nghề thì lại… không nỡ: "Sẽ có 2 lựa chọn mà nhà mà điều kiện kinh tế không có, mà sức học không vào được công lập là giáo dục thường xuyên và vừa học vừa làm. Tất nhiên giáo thường xuyên đóng tiền ít hơn, còn vừa học vừa làm cũng đóng tiền ít hơn các trường dân lập, nhưng vẫn phải đóng".

Có con đang học lớp 11 một trường công lập, chị Vũ Thị Minh, ở Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ, trước đó gia đình đã xác định phải cố gắng cho con học tiếp, kể cả vào trường dân lập: "Con thi thì không được như ý muốn, thế nhưng cũng may mắn là năm đấy trường lại hạ điểm nên con vào được trường công. Con mình nó không học được thì cũng phải cho vào trường dân lập, chứ không lẽ cho nó ở nhà".

Cô Bùi Thị Vân, giáo viên một trường Cấp 2 ở quận Hoàng Mai, Hà Nội thường xuyên chủ nhiệm lớp 9 cho hay, năm nào tỷ lệ tuyển sinh các trường trong khu vực cũng tăng nhưng tỷ lệ học sinh trượt  cấp 3 công lập vẫn khá lớn. Theo cô Vân, nhiều phụ huynh cũng phải xác định cho con học dân lập dù rất tốn kém, hoặc chấp nhận đi học xa nhà để theo nguyện vọng 2, nguyện vọng 3: "Không đỗ trường công thì vào trường tư học. Cho nên con nhà nghèo thì phải rất quyết tâm".

PGS.TS Phạm Mạnh Hà, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay, ở nhiều khu vực đô thị, do mức đô tăng dân số cơ học quá cao, nhu cầu vào trường công lập rất lớn, số trường không đáp ứng được, việc phân luồng học sinh đi học nghề lại chưa hiệu quả, dẫn đến cuộc đua vào trường công ngày càng khó khăn hơn: "Ở những khu vực đô thị mà họ có điều kiện để đầu tư cho con thì cơ hội để con vào cấp 3 lại khó khăn hơn rất nhiều, do tỷ lệ phân luồng khá cứng nhắc.

Đấy chính là một yếu tố dẫn đến bất bình đẳng trong cơ hội tiếp cận các cơ sở giáo dục công lập. Cho nên đây là một bài toán mà chúng ta phải tính, phải có một chiến lược mang tính tổng thể từ cơ quan quản lý nhà nước cao nhất, chứ không chỉ là công việc của từng địa phương".

Theo TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, căn nguyên của tình trạng phân luồng học sinh sau tốt nghiệp cấp 2 chưa hiệu quả là khi học sinh đi theo hệ vừa học vừa làm, bằng tốt nghiệp lại không có giá trị để học tiếp lên cao, nên cả phụ huynh và học sinh đều không muốn lựa chọn: "Các gia đình người học người ta thấy thứ nhất là với độ tuổi học sinh 14-15 tuổi mà lại học 1-2 năm thì cũng chưa đến độ tuổi đi lao động. Thứ 2, nếu học như thế, sau này muốn học lên, tương lai cũng không có. Cho nên người ta không vào.

Cho nên bây giờ người ta vẫn chạy đua vào THPT, kỳ thi vẫn vất vả, căng thẳng. Nếu phân luồng chỉ dưới 50% vào THPT thôi thì kỳ thi đâu có vất vả và các cháu chủ yếu vào các trường đi theo hướng hàn lâm thôi".

Thí sinh tham dự kì thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập tại Hà Nội năm 2023. Ảnh: Lao Động

PGS.TS Trần Thành Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cho rằng, dù việc xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh, hệ thống giao dục ngoài công lập đã được đầu tư, song thực tế, đa số phụ huynh và học sinh vẫn thích vào các trường công lập, bởi giáo viên khối công lập vẫn được tập huấn thường xuyên và bài bản, đặc biệt, chương trình cốt lõi của giáo viên công lập vẫn được ưa chuộng hơn khối ngoài công lập: "Xã hội hóa giáo dục đáng lẽ phải mở ra cơ hội học tập cho cộng đồng một cách hết mức, nhưng mà dường như quy hoạch liên quan đến mạng lưới giao dục công chưa tương xứng với tầm phát triển, dẫn đến thiếu hụt rất nhiều.

Miếng bánh giáo dục đấy ngoài công lập nhảy vào, nhưng chỉ phục vụ cho những người có tiền, thậm chí vừa giỏi vừa có tiền. Còn giáo dục công lập chủ yếu dành cho những người cực kỳ xuất sắc. Như vậy sẽ có một số những đối tượng khác, không đáp ứng được cả 2 tiêu chí trên, dường như sẽ bị bỏ lại trong hệ thống, mặc dù tiềm năng họ vẫn có thể được học".

Trong số 102 nghìn học sinh dự thi vào THPT công lập ở Hà Nội năm nay, chỉ tiêu tuyển sinh chỉ khoảng 72 nghìn, chiếm 55,7%, thấp nhất trong mấy năm trở lại đây. 30 nghìn thì sinh còn lại, sẽ có không ít em điều kiện gia đình không đảm bảo để theo học được trường dân lập.

Nhiều ý kiến lo ngại, với mức độ gia tăng dân số cơ học càng lớn, cánh cửa vào trường công ngày càng hẹp, nếu không quyết liệt phân luồng học sinh theo năng lực ngay từ kết thúc cấp 2, thì cuộc đua vào cấp 3 công lập sẽ còn tiếp tục căng thẳng và kéo theo nhiều hệ lụy./.