“Công chức không được tiếp công dân ngoài trụ sở” là một đề xuất tích cực

Trong dự thảo Bộ quy tắc đạo đức công vụ, cơ quan soạn thảo là Viện Khoa học tổ chức nhà nước (Bộ Nội vụ) đã đề xuất nội dung: Cán bộ, công chức chỉ được tiếp công dân, doanh nghiệp tại trụ sở nhằm nâng cao đạo đức công vụ, giữ kỷ luật, kỷ cương hành chính; hạn chế nhũng nhiễu, gây khó khăn.

Lý giải đề xuất này, thành viên ban soạn thảo cho biết, do thời gian qua có cán bộ, công chức, viên chức gây khó khăn cho công dân, doanh nghiệp trong quá trình tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục. Ví dụ như khi giải quyết công việc, nếu thiếu giấy tờ, thủ tục lại hẹn người dân ở nhà riêng hoặc đi ăn để bổ sung, dễ phát sinh nhũng nhiễu, hối lộ, tham nhũng.

Tuy nhiên, có một số ý kiến phản biện cho rằng, rất khó để giám sát hành vi này và liệu quy tắc mới có tính khả thi hay không. VOV Giao thông có cuộc trao đổi với chuyên gia chính sách Ngô Vĩnh Bạch Dương.

Dự thảo Bộ quy tắc đạo đức công vụ đề xuất cán bộ, công chức, viên chức chỉ được tiếp công dân tại trụ sở làm việc - Ảnh nh họa

PV: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về đề xuất công chức không được tiếp công dân bên ngoài trụ sở?

Chuyên gia chính sách Ngô Dương: Thực tế đặt ra câu chuyện này, nếu đặt góc nhìn phủ định trước thì người ta vẫn có thể mời người dân vào trong cơ quan với tư cách là khách, thì cũng có ai giám sát được đâu. Người ta chẳng cần gặp cũng có thể làm được nhiều việc lớn hơn, ví dụ như thông qua nền tảng OTT, các phần mềm chat vẫn làm việc được cơ mà. Có nhiều ý kiến đặt ra để phản đối quy định này vì nó rất hình thức.

Tuy nhiên, bước đầu, nó cũng thể hiện ý rất quan trọng về mặt quản trị, đó là trách nhiệm giải trình về mặt hành vi. Quan chức nhà nước tương tác với dân chúng ngoài phạm vi công vụ thì phải được giám sát. Và nó tạo ra nền tảng về nề nếp, tư duy, trách nhiệm hành vi về lời ăn tiếng nói, giao tiếp, vì anh là công bộc mà, phải có khoảng cách. Với suy nghĩ như vậy, tôi cho là một điểm tích cực.

PV: Vậy còn những phản biện về câu chuyện ai giám sát và có giám sát được không với quy tắc này?

Chuyên gia chính sách Ngô Dương: Bản thân ban soạn thảo nói là khó, không thể giám sát được thì nó không phải thảm họa đâu. Thay vì đặt thành quy định bắt buộc thì chúng ta để nó là một quy định có tính chất chủ đạo là khuyến nghị thì sẽ thuận lợi hơn trong thời điểm hiện nay.

Còn giám sát thì có giám sát bên trong và bên ngoài. Thiết kế như thế nào để giám sát bên ngoài vận hành được, đó là câu hỏi lớn của pháp luật tất cả các nước, không riêng gì nước ta. Thiết kế ở đây tôi cho rằng là giám sát bằng nêu ý kiến của người dân, đặt hòm thư tố giác, đặt cơ chế tiếp nhận và giải quyết đơn tố cáo. Nó trơn tru thì một mặt làm cho hành vi của cán bộ công chức tốt hơn, một mặt có thể loại bỏ những tố cáo không đúng.

PV: Xin cảm ơn ông.