Còn ý kiến khác nhau giữa Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam về giá dịch vụ y tế

VOVGT - Ngay sau khi Bộ Y tế ban hành thông tư số 15, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã cho rằng, Bộ Y tế chưa tiếp thu ý kiến đóng góp của cơ quan này.

>>> Bộ Y tế điều chỉnh giá dịch vụ y tế có lợi cho ai?

Còn ý kiến khác nhau giữa Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam về giá dịch vụ y tế. Ảnh: Dân trí

Sáng nay (5/7), tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức hội nghị triển khai Thông tư 15 của liên Bộ Y tế- Tài chính có hiệu lực từ ngày 15/7 tới, quy định thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám chữa bệnh trong một số trường hợp. Vấn đề được dư luận quan tâm là hiện nay, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam còn có những ý kiến khác nhau về giá dịch vụ y tế.

Ngay sau khi Bộ Y tế ban hành thông tư số 15 vào cuối tháng 5 vừa qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã cho rằng, Bộ Y tế chưa tiếp thu ý kiến đóng góp của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Đồng thời cho rằng, Thông tư này đưa ra định mức để tính giá dịch vụ y tế chưa sát thực tế, chủ yếu dựa trên kết quả khảo sát của bệnh viện tuyến trên, dẫn tới chi phí thanh toán bảo hiểm y tế cho một số kỹ thuật cao hơn so với chi phí thực tế. Chẳng hạn, mức giá cho 1 lần nội soi tai mũi lên tới hơn 200.000 đồng, trong khi chi phí thực tế chỉ gần 100.000 đồng...

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết: “Chúng tôi nhận thấy, Thông tư 15 cũng còn có một số vướng mắc và thời gian tới sẽ điều chỉnh cho phù hợp, trên cơ sở hợp nhất các thông tư về điều chỉnh giá dịch vụ y tế. Bộ Y tế luôn cầu thị, lắng nghe”.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Thông tư 15 giảm giá 70 dịch vụ y tế, trong đó có giá khám bệnh nhưng lại tăng định mức về số lượt khám. Cụ thể, tại mỗi bàn, bác sĩ khám đến 65 lượt bệnh nhân một ngày vẫn được bảo hiểm y tế thanh toán 100%, trong khi trước đây định mức chỉ là 35 lượt. Điều này sẽ dẫn đến thời gian để bác sĩ thăm khám cho từng bệnh nhân sẽ ít đi, ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh, trong khi đó, Quỹ bảo hiểm y tế lại phải chi trả nhiều hơn cho bệnh viện.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế lý giải: “Không thể yêu cầu người bệnh đến khám ra về chờ ngày mai quay lại, trong khi đó các bệnh viện không thể ngay lập tức mở thêm bàn khám, cử thêm bác sĩ khám nên Bộ đề xuất định mức lượt khám là 65. Đây là mức tối đa để thanh toán”.

Như vậy, tình trạng quá tải bệnh nhân vẫn là bất cập lớn nhất khi triển khai các chính sách y tế, trong đó có việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế.