Có nên chỉ “mở cửa” cho thuốc lá làm nóng?

Bộ Công Thương sẽ đưa ra và trình các phương án quản lý thuốc lá thế hệ mới cho Chính phủ trong thời gian tới. Trong đó, với phương án chỉ mở cửa cho thuốc lá làm nóng, các chuyên gia cho rằng sẽ dẫn đến tình trạng “lợi bất cập hại”.

Cụ thể, Bộ Công Thương đang chuẩn bị trình Chính phủ đề xuất sửa đổi khung pháp lý để mở đường cho thuốc lá thế hệ mới được phép kinh doanh tại Việt Nam. Bộ đang xem xét các phương án để quản lý đối với thuốc lá thế hệ mới, bao gồm hai loại phổ biến nhất trên thị trường hiện nay là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng.

Các phương án có thể thấy được bao gồm “cấm” hoặc mở cùng lúc cho cả hai loại thuốc lá thế hệ mới, hoặc “cấm” loại này và “mở” loại kia, hoặc chỉ “mở” đối với một số sản phẩm của hai loại này và còn lại là “cấm”.

Trong số những phương án này, nếu chọn phương án quản lý thuốc lá làm nóng trước, còn thuốc lá điện tử vẫn còn bỏ ngỏ, đồng nghĩa với “cấm” sẽ gây ra những bất cập gây khó khăn cho các cơ quan quản lý và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Xét các khía cạnh để rõ bản chất vấn đề

Xét về Luật, theo khoản 1, Điều 2, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012, thuốc lá được định nghĩa như sau: “Thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác”.

“Nguyên liệu thuốc lá” theo Điều 2.3 của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá được định nghĩa như sau: “Nguyên liệu thuốc lá là lá thuốc lá dưới dạng rời, tấm đã sơ chế tách cọng, sợi thuốc lá, cọng thuốc lá và nguyên liệu thay thế khác dùng để sản xuất thuốc lá”.

Như vậy, chiếu theo hai quy định này, thuốc lá thế hệ mới dù là thuốc lá làm nóng hay thuốc lá điện tử có chứa nicotin đều là sản phẩm thuốc lá thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và nên được đưa vào phạm vi điều chỉnh của Nghị định thay thế Nghị định 67/2013/NĐ-CP về kinh doanh thuốc lá.

Vì vậy, chưa đủ cơ sở thuyết phục để chỉ mở cửa cho thuốc lá làm nóng được kinh doanh trước theo Nghị định thay thế trong khi lại để thuốc lá điện tử trong tình trạng điều chỉnh sau, đồng nghĩa với “cấm”.

Theo các chuyên gia, việc cấm thuốc lá điện tử là đi ngược lại với tinh thần của các quy định pháp luật hiện hữu của Việt Nam hiện nay vì thuốc lá điện tử không nằm trong danh mục hàng hóa bị cấm kinh doanh theo Luật Đầu tư.

Xét về thị trường, do thiếu vắng khung pháp lý đối với thuốc lá thế hệ mới, các loại mặt hàng thuốc lá thế hệ mới vẫn tràn ngập thị trường nhưng Nhà nước không thu được thuế, không quản lý được dẫn đến mất ổn định xã hội.

Thuốc lá thế hệ mới, đặc biệt là thuốc lá điện tử tràn ngập trên thị trường.

Bên cạnh đó, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hiện đang lưu thông trên thị trường đều là sản phẩm bất hợp pháp, khiến sức khỏe người tiêu dùng gặp nhiều rủi ro vì những mặt hàng này không hề tuân theo bất kỳ tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm nào một cách chính thức.

Hiện nay, thuốc lá điện tử đang chiếm 90% thuốc lá thế hệ mới nhập lậu vì nhu cầu của người tiêu dùng, trong khi thuốc lá làm nóng chỉ chiếm khoảng 10%. Khảo sát của Báo Lao động vào tháng 10/2022 ghi nhận số người tham gia khảo sát biết hoặc đã từng tiếp cận sản phẩm thuốc lá làm nóng là 50% và thuốc lá điện tử là 97%.

Thuốc lá điện tử có hai loại: hệ thống đóng và hệ thống mở. Thuốc lá điện tử hệ thống đóng có chứa nicotin được sản xuất theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của nhà sản xuất phù hợp với quy chuẩn hoặc tiêu chuẩn quốc gia với đầu chứa dung dịch được đóng kín, nhà bán lẻ, hay người dùng không thể thêm bớt, hay điều chỉnh được dung dịch. Điều này khác với thuốc lá điện tử có thiết kế mở (thường được gọi là thuốc lá điện tử hệ thống mở) mà trong đó, các chất khác có thể được thêm vào bởi chính người tiêu dùng, các nhà phân phối tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe người tiêu dùng.

Quản lý đồng bộ để “phòng ngừa” hệ lụy

Tại buổi tọa đàm “Khung khổ pháp lý để quản lý thuốc lá thế hệ mới” do VCCI tổ chức vào tháng 8/2023, ông Kiều Dương, Vụ trưởng Vụ Chính sách - Pháp chế, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương cho biết:

“Không có quy định, khung khổ pháp lý đối với các loại thuốc lá thế hệ mới, nên lực lượng chức năng chỉ xử lý vi phạm là kinh doanh hàng nhập lậu và mua bán vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc với chế tài xử lý hành chính tối đa là 50 triệu đồng, không đủ sức răn đe. Đây là khoảng trống pháp lý cần được hoàn thiện”.

Hiện nay tại Việt Nam, một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng đã, đang và sẽ tiếp tục tìm đến thuốc lá điện tử như một giải pháp thay thế cho thuốc lá truyền thống bởi đây đang là xu hướng phổ biến ở rất nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Nếu Việt Nam chỉ mở cửa với thuốc lá làm nóng và “cấm” đối với thuốc lá điện tử, người tiêu dùng sẽ không được tiếp cận với các sản phẩm thuốc lá điện tử hợp pháp, đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kĩ thuật, từ đó đẩy người tiêu dùng đến với các sản phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kém chất lượng và gây rủi ro cho sức khỏe người dùng trong khi nhu cầu thì càng ngày tăng cao.

Ông Kiều Dương, Vụ trưởng Vụ Chính sách - Pháp chế, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương nhấn mạnh thuốc lá điện tử nhập lậu tràn lan nhưng chỉ vì thiếu cơ sở pháp lý nên chỉ có thể xử lý hành chính, không đủ sức răn đe người vi phạm khiến cho tình hình ngày càng diễn biến phức tạp.

Vì vậy, việc chỉ cho phép lưu thông trước thuốc lá làm nóng - một sản phẩm với tỷ lệ sử dụng ít hơn nhiều, nếu có, sẽ làm khung chính sách thiếu toàn diện, gây bất bình đẳng trong chính sách quản lý, không giải quyết được vấn đề thực trạng thị trường thuốc lá thế hệ mới hiện nay, làm cho mặt trận chống thuốc lá lậu diễn biến phức tạp do thiếu vắng thuốc lá điện tử hợp pháp, trong khi đây mới là nhu cầu chính của người tiêu dùng tại Việt Nam.

Song song đó, các chuyên gia cũng cho rằng, thuốc lá điện tử hệ thống đóng có chứa nicotin và thuốc lá làm nóng đều có đặc tính kỹ thuật tương đồng nhau, đều nằm trong cùng phân nhóm sản phẩm thuốc lá không có quá trình đốt cháy, cả hai đều có sử dụng hương liệu, đều phù hợp với định nghĩa của sản phẩm thuốc lá theo Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá 2012, nên cần được cho phép lưu hành cùng lúc, tạo sự đồng bộ trong quản lý, giúp Chính phủ đánh giá được tác động kinh tế - xã hội để xây dựng các chính sách phù hợp nhất và áp dụng lâu dài, tạo dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng trong cộng đồng doanh nghiệp.