Cục Đường bộ Việt Nam có dự định gì, thay đổi gì, có nên bỏ phần thi này?
Đã hoàn thành phần học lý thuyết, thực hành để chuẩn bị cho kỳ thi sát hạch, cấp giấy phép lái xe dự kiến tổ chức vào cuối tháng 2/2024, anh Đặng Thanh Tùng, một học viên học lái xe cho biết, với phần mềm mô phỏng, dù giúp học viên nắm bắt các tình huống có thể phát sinh trong quá trình lái xe, song việc sử dụng phần mềm này để thi sát hạch không thực sự phù hợp.
"Cái đấy nó hơi bất cập, tại vì có khi mình nhìn thấy mối nguy hiểm sớm, mà mình xử lý sớm có khi không được điểm, mà với quy trình lái xe theo em biết càng xử lý sớm bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu, chứ chờ đến thời điểm mới xử lý thì chết", anh Tùng cho biết.
Anh Nguyễn Văn Mạnh, giáo viên dạy lái xe thuộc Trung tâm đào tạo Lạc Hồng (Hà Nội) cũng cho rằng, nên bỏ việc sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông cả trong quá trình đào tạo, và phần thi sát hạch, bởi không thực sự giúp ích cho học viên:
"Vấn đề ở đây là không có tác dụng cho người học, mất bao nhiêu tiền của, thời gian, cũng như những áp lực khác. Đã đưa vào giáo trình thì phải có giáo viên giảng dạy nữa chứ, chưa nói đến thi cử, mà cuối cùng hiệu quả của nó thì không có. Thời gian đó ông chuyển sang học thực hành, cho lăn bánh trên đường, ông giám sát người ta cũng được", anh Mạnh cho biết.
Đại diện một số trung tâm đào tạo cũng cho hay, chỉ nên coi đây là một trong những môn học trong quá trình đào tạo, còn nên xem xét việc bắt buộc học viên phải thi sát hạch bằng phần mềm mô phỏng.
Về điều này, ông Nguyễn Đức Hải, Giám đốc Trung tâm đào tạo và Sát hạch lái xe ô tô Đức Thịnh (Hà Nội) cho rằng nên xem xét, viết lại phần mềm mô phỏng cho sát với thực tế: "Nó cũng có những cái không hợp lý, có khả năng phải soạn thảo lại cho phù hợp hơn. Bởi nhiều người cũng chưa phục về nội dung đấy, người ta cũng thấy rằng còn những bất cập, bởi vì trên thực tế mỗi người có cách xử lý khác nhau, xử lý phanh thì cũng phải từ từ chứ không thể đột ngột luôn được, nhưng trong này ví dụ bấm sớm một tí có thể không có điểm luôn".
Ông Trần Văn Toản, Chủ tịch HĐQT Trung tâm Dạy nghề và sát hạch lái xe Đông Đô (Bắc Ninh) lại đề xuất bỏ việc sát hạch lái xe trên phần mềm mô phỏng. Theo ông Toản, chỉ nên đưa phần mềm mô phỏng vào quá trình đào tạo, để giúp học viên nhận biết các tình huống có thể phát sinh, cũng như hướng dẫn cách ứng xử với những tình huống đó một cách an toàn:
"Nên đưa vào chương trình đào tạo để giúp học viên nhận dạng các tình huống, để tham khảo, để cho học viên học phong phú thêm, trong quá trình dạy thì phù hợp hơn. Hai nữa là phanh bằng chân, phanh bằng tay nó khác. Cái đấy không phải yếu tố để nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe", ông Toản nói.
Đồng tình quan điểm này, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cũng cho rằng, không phải đến bay giờ, mà ngay khi soạn thảo Thông tư 04/2022, Hiệp hội đã có văn bản đề xuất Cục Đường bộ Việt Nam không nên đưa phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông vào đào tạo và sát hạch, cấp giấy phép lái xe, bởi thực chất, phần mềm này không phù hợp và không sát với thực tiễn:
"Trong thực tế thì người có kinh nghiệm rồi người ta chạy nó tương đối nhanh hơn chút, như vậy thời gian để người ta phản ứng, để xử lý phanh hay đánh lái nó sẽ dài ra. Nhưng người viết phần mềm lại đặt ra yêu cầu anh phải xử lý đúng thời điểm theo phương án người ta lập thì mới được điểm. Đúng ra thì tháng điểm nó từ thấp lên đến cao, rồi giảm dần xuống. Cái đó mới đúng với thực tiễn", ông Quyền nêu ý kiến.
Trao đổi với VOV Giao thông, đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cho biết đơn vị đang nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi Thông tư 04 về đào tạo, sát hạch, cấp phép lái xe đường bộ, trong đó có việc phối hợp với đơn vị xây dựng phần mềm điều chỉnh phần mềm mô phỏng.
Đại diện lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam cũng cho biết sẽ điều chỉnh cách chấm điểm theo hướng kéo dài thời gian nhận biết tình huống nguy hiểm. Đặc biệt, sẽ bỏ nội dung sát hạch này đối với người đã có bằng lái xe nhưng phải thi lại do bằng lái quá hạn
Trước đó, góp ý về sửa đổi quy định đào tạo, sát hạch lái xe, Sở GTVT một số địa phương như TP.HCM, Bình Dương, Đà Nẵng… cho rằng phần mềm mô phỏng chưa phù hợp với thực tế. Đại diện lãnh đạo Sở GTVT Bình Dương đề xuất, các đơn vị cần đánh giá lại tính thực tế và hiệu quả phần thi mô phỏng mang lại, từ đó kết luận có cần thiết duy trì hay không.
Dù cơ quan quản lý khẳng định việc duy trì phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe. Tuy vậy, từ ý kiến của một số địa phương, từ thực tế việc áp dụng này vào đào tạo, sát hạch cho thấy, cơ quan quản lý cần mạnh dạn bỏ yêu cầu sát hạch trên phần mềm này, chỉ nên duy trì trong quá trình đào tạo, giúp học viên nhận biết các tình huống có thể phát sinh trong thực tế.
Góc nhìn này của VOVGT qua bài bình luận: "Mạnh dạn loại bỏ nếu không hiệu quả".
Không thể phủ nhận nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấp phép lái xe. Trong nỗ lực đó, việc yêu cầu môn thi mô phỏng trong kỳ thi giấy phép lái ô tô được áp dụng trong phạm vi cả nước đối với các hạng bằng B1, B2, C, D, E và FC chính thức được áp dụng từ tháng 6/2022.
Tuy vậy, chỉ sau hơn một năm, nếu chỉ có học viên, giáo viên dạy lái hoặc các trung tâm đào tạo lái xe lên tiếng về những bất cập của phần mềm mô phỏng thì đi một lẽ, nhưng việc một số địa phương, chuyên gia cũng phải lên tiếng yêu cầu xem xét lại việc bắt buộc học, thi phần mềm mô phỏng, thì đó thực sự cần xét đến.
Theo các ý kiến này, việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào đào tạo là cần thiết. Trong cách dạy lái xe, phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để học viên làm quen trước khi cầm vô lăng là cần thiết, song thực tế, trong quá trình đào tạo lái xe, học viên cũng đã phải học trên cabin tập lái. Phần mềm mô phỏng lái xe có thể áp dụng vào chương trình giảng dạy, đào tạo cho học viên làm quen trước khi bước vào môi trường thật để sát hạch lấy bằng.
Bởi vậy, việc ứng dụng công nghệ như dùng phần mềm mô phỏng lái xe giúp việc đào tạo hiệu quả hơn, chứ không thể dùng nó làm thước đo để cấp bằng cho người lái, bởi trong thực tế, người lái xe muốn lái xe an toàn thường xử lý sớm, xử lý trước khi phát hiện tình huống nguy hiểm, tức là càng sớm thì tốt, càng an toàn. Thế nhưng ngược đời là khi thi sát hạch, thí sinh chỉ cần xử lý trước 0,01% giây là bị 0 điểm. Như vậy, mục đích đo phản xạ của người học khó đạt được trong chương trình học và thi mô phỏng.
Bởi vậy, Cục Đường bộ Việt Nam cần sớm xem xét lại phần thi mô phỏng này, nên xem xét dùng phần mềm mô phỏng trong quá trình đào tạo. Với việc quá trình đào tạo, học viên đã phải học trên cabin tập lái, bởi vậy, thay vì học trên phần mềm mô phỏng riêng biệt, có thể tích hợp trên cabin tập lái, giúp học viên nhận biết các tình huống nguy hiểm khi tham gia giao thông.
Đặc biệt, cần xem xét bỏ việc bắt buộc phải thi trên phần mềm này, chứ không chỉ là việc bỏ nội dung sát hạch này đối với người đã có bằng lái xe nhưng phải thi lại do bằng lái quá hạn. Bởi thực tế, khi đi trên đường, gặp tình huống nguy hiểm, mỗi người sẽ có cách phản ứng và xử lý tình huống khác nhau, nên không thể lập trình bắt buộc xử lý máy móc như chơi game.
Thay vào đó, nên tăng thêm thời gian thực hành hoặc cho học viên xem các video tình huống rồi phân tích, đưa ra cách xử lý cho an toàn, đúng luật sẽ sát thực và hiệu quả hơn.
Mạnh dạn loại bỏ nếu không hiệu quả là cần thiết. Bỏ việc thi sát hạch trên phần mềm mô phỏng không phải là sự thừa nhận thất bại, mà việc cố giữ những nội dung không phù hợp, thậm chí lạc hậu, lỗi thời ngay từ khi mới áp dụng mới thực sự là thất bại.