Chuyện hậu tửu: Khi bố say rượu

VOVGT-Ở Việt Nam chuyện rượu bia là một phần không thể thiếu nhưng khi vượt qua mức giới hạn cho phép sẽ không kiểm soát được hành động hay lời nói của mình.

Việc quá chén rượu bia đến say xỉn là điều khó tránh đối với rất nhiều người

Uống rượu, bia không phải là một thói quen xấu, nhưng lạm dụng bia rượu thì tác hại thật khôn lường. Hàng ngày, có biết bao câu chuyện đau lòng từ bia rượu xảy ra, để lại hậu quả nặng nề cho gia đình và xã hội. Thế nhưng, không phải ai cũng rút ra được bài học kinh nghiệm cho bản thân sau mỗi cuộc “trà dư tửu hậu”. Với thông điệp “Nói không với bia rượu”“Đừng để rượu bia giết chết mình”, chuyên mục “Tiếng nói cộng đồng” thứ 7 hàng tuần sẽ đăng tải loạt bài viết về chủ đề “Chuyện hậu tửu”.

Nghe chi tiết tại đây:

 

Ở Việt Nam, “văn hóa bia rượu” trở thành một phần không thể thiếu trong mỗi buổi tiệc tùng, sinh nhật, cưới hỏi, đặc biệt là những ngày lễ Tết. Với nhiều người, uống rượu bia có thể là vì công việc, vì bạn bè, cũng có thể là vì sở thích cá nhân, vì áp lực cuộc sống... Và dù là người có tửu lượng cao đến mấy, thì khi vượt qua mức giới hạn cho phép sẽ khiến họ say và khó kiểm soát được lời nói, hành vi của mình.

Câu chuyện của em Hoàng Mỹ (17 tuổi, trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội) là một thí dụ điển hình. Mỹ kể, bố của cậu vốn hiền lành, điềm đạm, lịch sự với người khác khi giao tiếp. Nhưng mỗi khi bố đi nhậu về, thì tính cách hoàn toàn khác. Những lúc như thế, Mỹ hoàn toàn không nhận ra người bố mà mình luôn yêu thương.

“Lúc tỉnh thì bố kiểu hiền. muốn nói gì bố cũng chiều, kiểu không nóng tính khó tính. Lúc say thì lại khác nhau hoàn toàn ấy ạ. Bố say thì nói nhiều, hay cáu gắt, có đồ gì dùng bên cạnh thì bố đập. Lúc đấy thì em cũng chỉ khuyên nhưng mà lúc say thì chẳng thể nào khuyên được. Còn đâu nếu như mà say nhiều quá thì chỉ về nôn xong rồi ngủ”.

 

Từng trải qua cảm giác tương tự, Thành Đạt (16 tuổi, trú tại quận Hoàn Kiếm) chia sẻ: Trước đây, mỗi dịp bạn bè của bố mẹ tụ tập ăn uống, mọi người thì vui vẻ, hồ hởi, còn nhà em lại rất buồn. Bởi lẽ, bố em không phải là người uống rượu giỏi, nhưng vì thể hiện, nên bố uống đến… “mất mình”. Đạt bùi ngùi nhớ lại:

“Nhiều lần bố em uống say xong các kiểu mặt đỏ xong bắt đầu nhiều cái hành xử không đúng. Bố nói những lời nói chung là không tốt với mẹ em”.

 

Còn với Việt Hoàng (20 tuổi, sống tại quận Ba Đình), thì việc bố say xỉn là cơn ác mộng đối với cậu. Hoàng tâm sự, những lúc “ma men” chỉ đường, dẫn lối, từ một người vui tính, dễ chịu, bố em bỗng trở nên gắt gỏng, nóng tính. Không ít lần, Hoàng cảm thấy xấu hổ với bạn bè, người thân và hàng xóm làng giềng vì mỗi khi bố say, ai cũng trở thành mục tiêu để bố chửi.

“Có lần em thấy bố mẹ em cãi nhau to, khi đấy bố em lại còn đang say nữa. Thế là bố lại ra bố cầm bát đũa đập phá. Và thực sự cái hình ảnh đấy khiến cho em cảm thấy, càng ngày hình ảnh bố không còn được như trước đây nữa. Trước đây thì em cũng quý bố và cũng thường coi bố là một hình mẫu để mình học theo nhưng mà sau dần thì em thấy con người bố cũng khác và suy nghĩ về bố cũng khác dần. Em thấy buồn vì bố”.

 

Có một thực tế là khi say rượu, con người khó tự chủ trong những hành vi và lời nói của mình. Chính vì vậy, đã có không ít trường hợp, vì rượu bia mà những người bố trở thành hung thần trong chính gia đình mình.

Theo thống kê sơ bộ của Tổ chức HealthBridge Canada, tỉ lệ trẻ em tại Việt Nam bị tổn thương do người lớn lạm dụng bia rượu luôn ở mức đáng báo động. Hơn 11% trẻ em bị chính người thân xúc phạm, nhục mạ, mắng chửi khi say xỉn; hơn 6% số trẻ em từng phải chứng kiến bạo lực nghiêm trọng trong gia đình vì lý do rượu bia; gần 4% trẻ em từng bị đánh đập, gây đau đớn về thể xác.

Những con số này phần nào cho thấy ảnh hưởng tiêu cực mà rượu bia gây ra đối với trẻ em. Dẫu biết rằng, việc sử dụng rượu bia là điều khó có thể tránh khỏi. Tuy nhiên, hậu quả từ việc lạm dụng rượu bia đã, đang và tiếp tục gây ra cho nhiều gia đình và xã hội nhiều hệ lụy rất… khôn lường.

Đối với nhiều người, rượu bia là “thước đo” bản lĩnh - là công cụ để đánh giá con người. Thế nhưng, không phải ai cũng ngộ ra rằng: “Rượu tuy nhạt màu, nhưng làm đỏ mặt và đen đi nhân cách” như người xưa từng nói.