Chuyển động thị trường: Tận dụng thương mại điện tử làm sức bật phục hồi kinh tế

Thương mại điện tử đang ngày càng chiếm vị thế quan trọng hơn đối với các doanh nghiệp. Điều này được minh chứng rõ nét trong giai đoạn khủng hoảng do đại dịch COVID-19 vừa qua.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

 

Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN+3 chiều 4/6 - Ảnh Tạp Chí Công thương

# Chiều 4/6, Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN+3 với 3 nước đối tác gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã thông qua Tuyên bố chung về giảm thiểu tác động kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Tuyên bố chung đưa ra các biện pháp nhằm kiềm chế áp dụng các biện pháp không cần thiết có thể ảnh hưởng tới dòng lưu chuyển của hàng hóa thiết yếu, thuốc và vật tư y tế trong khu vực.

Cùng với đó, tiếp tục dỡ bỏ các hàng rào phi thuế quan cho dòng lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ trong chuỗi cung ứng nhưng vẫn đảm bảo các biện pháp hạn chế nhằm mục đích phòng chống dịch COVID-19. Đặc biệt, các Bộ trưởng cũng khuyến khích việc xây dựng các hướng dẫn cho phép di chuyển của thương nhân qua biên giới mà không làm ảnh hưởng đến các nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2. 

# Ảnh hưởng từ thị trường quốc tế, sáng nay (4-6), giá vàng trong nước giảm mạnh xuống mức thấp nhất 3 tuần qua. Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji giao dịch ở mức 48,35 triệu đồng/lượng (mua vào) - 48,55 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm hơn 100.000 đồng/lượng ở cả hai chiều.

# Quy mô xuất khẩu của Việt Nam đứng thứ 22 trên thế giới, theo “Báo cáo thường niên Kinh tế và Thương mại Việt Nam 2019 - Từ chiến tranh thương mại đến cuộc chiến tiền tệ” do Trường Đại học Thương mại vừa công bố. 

# UBND TP HCM sẽ trình 8 công trình trọng điểm để kéo giảm ùn tắc với tổng mức đầu tư hơn 33.000 tỷ đồng tại kỳ họp hội đồng nhân dân vào tháng 7 tới đây. 

# Giá dầu châu Á giảm trong phiên giao dịch chiều 4/6, đảo ngược đà tăng trong phiên trước. Giá dầu Brent Biển Bắc giảm 1,18%, xuống 39,32 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ giảm 1,80%, xuống còn 36,62 USD/thùng. 

Ảnh nh họa - AFP

# Tỷ lệ thất nghiệp ở Đức vào tháng 5 ở mức cao kỷ lục trong 4 năm qua. Số người thất nghiệp tăng từ 238 nghìn lên tới 2,8 triệu người. 

# Các công ty tư nhân tại Mỹ đã cắt giảm 2,76 triệu việc làm trong tháng 5/2020 song những dấu hiệu tích cực đã xuất hiện khi nhiều bang bắt đầu tái mở cửa nền kinh tế theo từng giai đoạn.

Diễn biến thị trường chứng khoán đáng chú ý 

# Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương trừ Nhật Bản đã tăng 0,4% trong phiên chiều 4/6 lên cao nhất kể từ ngày 9/3. Hầu hết chỉ số lớn trong khu vực đều tăng điểm. 

(MSCI là chỉ số uy tín tham chiếu cho các nhà đầu tư trên thị trường cổ phiếu, trái phiếu để đo lường hiệu quả hoạt động đầu tư của công ty Morgan Stanley Capital International có trụ sở tại New York)

# Nikkei 225 của Nhật Bản và Kospi của Hàn Quốc lần lượt tăng 0,3% và 0,2%. Tại Trung Quốc, cổ phiếu diễn biến trái chiều với Shanghai Composite giảm 0,1% trong khi Shenzhen Composite tăng 0,3%. Hang Seng của Hong Kong tăng 0,2%. 

# Phiên giao dịch 4/6 diễn ra khá tích cực với đà tăng duy trì trên toàn thị trường. Theo đó, chỉ số VN-Index đóng cửa tăng 0,31% lên 883,9 điểm; HNX-Index tăng 0,8% lên 117,42 điểm và UPCom-Index dừng tại tham chiếu 56,33 điểm. 

# Phiên chiều là sự chống đỡ của các mã trụ để nhóm Midcap và Smallcap vươn lên. Các mã vốn hóa trung bình như HAG, AAA, QCG, DBC, CTD đóng phiên tăng trần tương tự là các đại diện của nhóm Small cap như CTS, TDH, PGC, HVH.

# Thanh khoản toàn thị trường đạt hơn 8.500 tỷ đồng, trong đó, giao dịch khớp lệnh khoảng 6.900 tỷ đồng, tăng 26% so với phiên trước. Khối lượng giao dịch đạt 578 triệu cổ phiếu.

# Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 168 tỷ đồng trên HoSE và HNX, mua ròng khoảng 16 tỷ đồng tại UPCoM. Các cổ phiếu bị bán ròng là HPG, E1VFVN30, MSN,… và mua ròng ở các mã như CTG, VNM, VRE, GAS…

Thương mại điện tử đang ngày càng chiếm vị thế quan trọng hơn đối với các doanh nghiệp

Thương mại điện tử đang ngày càng chiếm vị thế quan trọng hơn đối với các doanh nghiệp. Điều này được nh chứng rõ nét trong giai đoạn khủng hoảng do đại dịch Covid 19 vừa qua. Nhiều mô hình doanh nghiệp đã có sự chuyển đổi nhờ đó duy trì hoạt động kinh doanh, thậm chí có sự bứt phá ngoạn mục. Tuy nhiên, hiện tỷ lệ các doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử vẫn còn thấp, tập trung ở các doanh nghiệp có quy mô lớn và một số ngành nghề. Còn đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ - nhóm chiếm đến trên 90% lại đang gặp nhiều khó khăn, hạn chế. 

Chúng tôi thấy đây cũng là một cái thử thách khó khăn, nhưng cũng là một cơ hội để chúng tôi bắt buộc là phải thay đổi mình, mở ra một cái cái gọi là gì những ngách kinh doanh mới. Đấy là tập trung vào việc làm thương mại điện tử. Đây là cơ hội để có thể là tiếp cận hoặc đáp ứng được nhu cầu của nhiều khách hàng hơn. Hướng đi này cũng đã nằm trong chiến lược của công ty trong năm 2020 này, và thực hiện được, có những tín hiệu thành công thì đây cũng là một cái nền tảng để mình có thể là đột phá trong năm 2020. 

Chị Hải Yến, Tổng giám đốc của thương hiệu thời trang trẻ em K-closet cũng như rất nhiều đại diện doanh nghiệp khác đã từng bế tắc, khi đại dịch Covid 19 diễn ra. Nhưng cái khó cũng tạo ra những cú huých mạnh mẽ thúc đẩy doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng tham gia sâu rộng hơn vào các hoạt động thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, các doanh nghiệp ít nhiều thành công thời gian qua cũng đã thể hiện rất rõ bản lĩnh trong gian khó. Một mặt, doanh nghiệp thực hiện cắt giảm chi phí đến mức có thể chấp nhận, một mặt tận dụng tốt các hỗ trợ của chính phủ và nỗ lực thay đổi. Đây cũng là điều mà doanh nghiệp cần phát huy ngay cả khi giai đoạn giãn cách xã hội đã lùi lại phía sau: "Cần tiếp tục cố gắng nỗ lực thay đổi, đó là mô hình kinh doanh. Một là ứng dụng rất là mạnh công nghệ số, ví dụ như là bán hàng qua mạng, ví dụ như là thay đổi cung cách quản trị, tương tác nội bộ. 1 khía cạnh là phải bám rất sâu thông tin chuỗi cung ứng, đối với cầu thị trường rất khác nhau".

Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Sang nhận định, Việt Nam có tiềm năng là khá lớn, do chúng ta có tiền lệ dân số trẻ khá cao. Để phát triển doanh nghiệp thương mại điện tử trong thời gian tới, cần đẩy mạnh công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về thương mại điện tử đảm bảo đồng bộ, thống nhất khi áp dụng vào thực tiễn: "Với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, hiệu quả của việc phát triển thương mại điện tử nói chung và nâng cao sức cạnh tranh doanh nghiệp thông qua phát triển thương mại điện tử nói riêng, phụ thuộc nhiều vào hiệu quả và hiệu lực của khung pháp lý và chính sách của Nhà nước và sự năng động chủ động cũng như trình độ quản trị của chính các doanh nghiệp Việt Nam".

Được biết, trong năm 2020, Cục thương mại và kinh tế số, Bộ Công thương sẽ thúc đẩy gian hàng quốc gia đảm bảo trên các sàn thương mại điện tử để tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất trong nước.