Bỏ thuốc lá để dành tiền chi cho thực phẩm
Sáng 27/5 tại Hà Nội, Bộ Y tế đã phối hợp với các Cơ quan Trung ương và các đơn vị có liên quan tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá (31/5/2023) và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá (25-31/5/2023).
Với thông điệp “Chúng ta cần thực phẩm, không cần thuốc lá”, Tổ chức Y tế thế giới kêu gọi các quốc gia thúc đẩy các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá tới sức khỏe, kinh tế, môi trường, an ninh lương thực và dinh dưỡng, khuyến khích người nông dân chuyển đổi, thay thế cây thuốc lá bằng cây trồng phù hợp, kêu gọi người hút bỏ thuốc lá để dành tiền chi cho thực phẩm.
Cũng trong dịp này, Bộ Y tế, phối hợp với các cơ quan trung ương và các đơn vị có liên quan triển khai nhiều hoạt động. Trong đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã ký công văn gửi UBND các tỉnh/thành phố và Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Công Thương; Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an về tăng cường truyền thông các tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha; kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng,...
Nói không với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để bảo vệ thế hệ trẻ
Tại lễ mít tinh, Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Y tế Cộng đồng toàn cầu Vital Strategies, tổ chức phát động Chiến dịch truyền thông “Nói Không với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để bảo vệ thế hệ trẻ”.
Từ ngày 27/5/2023 đến 16/7/2023 các đoạn video mang thông điệp “Nói không với thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng để bảo vệ thế hệ trẻ” được phát sóng toàn quốc trên các kênh truyền hình trung ương và địa phương, các hệ thống rạp chiếu phim tại các thành phố lớn, các chung cư, nhà cao tầng và các kênh mạng xã hội.
PGS. TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá cho biết: “Trong các chương trình truyền thông năm 2023 của Quỹ sẽ đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đẩy mạnh truyền thông trên các trang mạng xã hội (Tik Tok, Youtube, facebook) để cung cấp thông tin kịp thời và huy động sự tham gia của đông đảo thanh niên, sinh viên”.
Chia sẻ một số thông điệp được sử dụng trong Chiến dịch truyền thông, Tiến sĩ Tom Carroll, Cố vấn cấp cao về Truyền thông và Vận động chính sách của Vital Strategies cho biết: Thứ nhất, sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng có thể gây tổn thương phổi, tim và não, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi;
Thứ hai, giống như hút thuốc lá thường, thuốc lá nung nóng và thuốc lá điện tử cũng tỏa ra các hóa chất độc hại như nitrosanes và hydrocacbon có trong khói xe ô tô và thuốc trừ sâu gây ung thư; Thứ ba, sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng nhanh chóng gây nghiện nicotine và khó cai nghiện.
Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Tổ chức Vital Strategies và các đơn vị đồng hành hy vọng thông qua Chiến dịch, những hiểu biết về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng sẽ tiếp cận trên diện rộng với toàn thể người dân Việt Nam, tác động đến nhận thức của thanh thiếu niên và các bậc phụ huynh góp phần ngăn ngừa việc lưu hành, sử dụng các sản phẩm này tại Việt Nam./.