Chưa có bằng chứng biến thể JN.1 của COVID-19 làm tăng độ nặng hay thay đổi miễn dịch

Kết quả giải trình tự gene các bệnh nhân nhiễm COVID-19 biến thể JN.1 tại TP.HCM cho thấy chưa có bằng chứng cho rằng làm tăng mức độ bệnh cảnh cho bệnh nhân nhiễm Covid.

Khẳng định trên được Tiến sĩ Nguyễn Vũ Thượng, Phó viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM trao đổi với Phóng viên Kênh Giao thông chiều 26/1.

Ông Thượng cho biết, một nghiên cứu gần đây ở trong phòng thí nghiệm cho thấy rằng biến thể JN.1 có khả năng xâm nhập vào tế bào ở phổi. Tuy nhiên, dữ liệu trên thực tế các bệnh cảnh về lâm sàng, các vấn đề diễn biến ễn dịch, độ nặng... thì không có thay đổi so với trước đây. 

Tiến sĩ Nguyễn Vũ Thượng, Phó viện trưởng Viện Pasteur đánh giá về biến chủng mới JN.1 COVID-19

Biến thể JN.1 xuất hiện vào tháng 8/2023 và ghi nhận trong vòng khoảng 4 tuần, từ tuần thứ 48 - 52 của năm 2023 trên thế giới có sự thay đổi từ chiếm 25% đã tăng lên 65 % và được Tổ chức Y tế thế giới xếp vào “biến thể được quan tâm”.

Kết quả giải trình tự gene mẫu bệnh phẩm của những ca COVID-19 điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM trong tháng 12/2023 ghi nhận 12/16 ca bệnh nhân nhiễm JN.1 chiếm 75 %.

Ngoài ra, TS Thượng lý giải rằng số ca tăng cao về đường hô hấp có thể còn tác nhân khác nữa, không phải chỉ có covid -19, ví dụ như cúm hoặc tác nhân khác. Cho đến nay, dữ liệu vẫn chưa đủ chứng cứ để nói biến thể này làm tăng độ nặng, làm tăng và thay đổi ễn dịch hay làm thay đổi ảnh hưởng đến việc chẩn đoán.

Song, gần đây cũng có báo cáo cho thấy rằng phần lớn ở trường hợp nhập viện là do tiêm vắc-xin chưa đủ, bệnh nặng, bệnh nền. Vì vậy, tình hình dịch vẫn đang trong tầm kiểm soát. 

Đặc biệt, đối với tình hình dịch bệnh vào dịp Tết, 20 tỉnh, thành phía Nam đã thành lập các đội đáp ứng nhanh để ứng phó dịch bệnh. Điều này được Bộ Y tế lên kế hoạch phòng chống dịch Covid-19 bền vững từ cuối năm 2023.

Mới đây, Bộ Y tế cũng có các văn bản, chỉ thị phòng chống dịch bệnh dịp Tết Nguyên đán (trong đó có COVID-19) về vấn đề tăng cường giám sát, phát hiện sớm, đáp ứng kịp thời. 

Tiến sĩ Nguyễn Vũ Thượng, Phó viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM

TS Nguyễn Vũ Thượng khẳng định Viện Pasteur TP.HCM sẽ luôn sát cánh cùng các bệnh viện, viện tại thành phố để chỉ đạo sát sao với các tỉnh phía Nam. Đơn vị đã thành lập các đội phản ứng để trực chiến xuyên Tết khi có tình hình diễn biến phức tạp xảy ra. 

Lãnh đạo Viện Pasteur TP.HCM khuyến cáo rằng, những ai chưa tiêm vắc xin đầy đủ thì nên cố gắng tiêm đủ số mũi, đặc biệt người lớn tuổi, bệnh nền, phụ nữ mang thai.

Đến hiện tại, Việt Nam đã bao phủ 266 triệu liều vắc xin COVID-19 ở các độ tuổi khác nhau, riêng mũi 1 và 2 với người trên 18 tuổi là 100%. Và, việc tiêm vắc xin Covid-19 được triển khai đến hầu hết các cơ sở y tế. Ngoài tiêm vắc-xin những biện pháp như đeo khẩu trang, rửa tay, khử khuẩn là cách bảo vệ những người bên cạnh. Cần tổng hợp các biện pháp kết hợp thì dù có biển thế mới thì cũng giảm mức độ lây lan, giảm gánh nặng đối với các cơ sở y tế.