Chăm sóc tâm lý F0 và người nhà quan trọng không kém chăm sóc y tế

Việc F0 có tải lượng virus thấp, hay nói cách khách là chỉ bị nhẹ, có thể tự chăm sóc bản thân, cùng gia đình, người thân vượt qua đại dịch là điều vô cùng cần thiết, giảm tải phần nào cho hệ thống y tế. Để làm được điều này, không chỉ cần sức khỏe, kiến

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Không chỉ là vấn đề về sức khỏe, các ca F0 cách ly tại nhà cùng người thân cũng cần được quan tâm, chăm sóc cả về mặt tâm lý (Ảnh: HCDC)

Gia đình chị Chi gồm 8 người, trú tại phường 10, quận 4, TP.HCM đã phải trải qua một khoảng thời gian vô cùng khó khăn. Chị cho biết, thời gian trước gia đình chị có người không tuân thủ việc cách ly, tự ý ra ngoài, nên dù ở nhà 2 tháng, nhà chị vẫn có tới 5 người dương tính với virus SARS-CoV-2, khiến mọi người không khỏi hoang mang, lo sợ.

Chị Chi chia sẻ:

 

“Mẹ và Dì của mình thì đều rất bình thường. Dù có tiếp xúc vẫn đảm bảo cách 2m, nhưng khi nghe chú dương tính, thì mấy tiếng sau hai người phát sốt luôn. Mình nghĩ là yếu tố tinh thần, lúc đó nghĩ rằng, nguy cơ của mình nhiễm cao quá, và lúc đó tự huyễn bản thân mình là có triệu chứng đó”.

Là người khỏe mạnh còn lại trong nhà, chị Chi xác định phải vững tâm để cùng gia đình vượt qua cảnh hiểm nghèo. Sau 3 ngày ở tại bệnh viện để chăm sóc người nhà, chị trở về cách ly tại nhà và cùng gia đình tiếp tục “trận chiến” với COVID-19. Nhưng khoảng thời gian ở trong bệnh viện là những ký ức mà chị sẽ chẳng bao giờ quên được: 

 

“Nhớ lại những cảnh trong đó, mình đã không ngủ được. Các bác sĩ phải kiêm luôn nhiệm vụ hộ lý đi chăm người trong đó. Nếu như gia đình của bạn trong tình huống này, việc thấy những âm thanh tít tít xung quanh, hình ảnh những người khác nữa, cảm xúc của bạn cũng ảnh hưởng…”

Từ 16/8, TP.HCM đã bắt đầu thí điểm điều trị có kiểm soát F0 tại nhà. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), thành phố đã tổ chức các trạm y tế lưu động kết hợp với đội phản ứng nhanh của địa phương để chăm sóc, theo dõi sức khỏe F0 khi điều trị tại nhà. Thành phố đã chuẩn bị 100.000 túi thuốc cung cấp cho F0 điều trị tại nhà và chuẩn bị sử dụng thuốc Molnupiravir cho F0 điều trị tại nhà.

Ngoài ra, bắt đầu từ 23/8, người dân tại Tp.HCM được hướng dẫn tự lấy mẫu, làm xét nghiệm nhanh tại nhà. Đây là chiến lược mới của thành phố nhằm hiện thực hóa nhiệm vụ Thủ tướng chính phủ giao về việc thần tốc xét nghiệm Covid-19 toàn dân. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chia sẻ về lợi ích của chiến lược này:

 

"Điều này thứ nhất sẽ giảm được nguồn lực y tế. Chúng ta chỉ cần những nhân lực giám sát, tình nguyện viên hỗ trợ người dân. Bên cạnh đó, trong thời gian trước ở một số nơi đã lây lan F0 trong lúc lấy mẫu do chưa đảm bảo điều kiện sát khuẩn khi nhân viên y tế tổ chức lấy mẫu. Việc người dân tự lấy mẫu sẽ đảm bảo an toàn cho chính người dân trong quá trình thực hiện test diện rộng".

---

Tuy nhiên, không chỉ là vấn đề về sức khỏe, các ca F0 cách ly tại nhà cùng người thân cũng cần được quan tâm, chăm sóc cả về mặt tâm lý. Ông Trần Trọng Hùng – Trưởng ban hỗ trợ, phòng chống COVID-19 của người Việt tại Ba Lan cho rằng, đây là yếu tố cực kỳ quan trọng:

 

“Việc biến mỗi gia đình một bệnh nhân trở thành một phòng bệnh, cách ly người bệnh tại nhà sẽ giảm tải cho bệnh viện. Tại Việt Nam thì tôi nghĩ rằng, chắc chắn cần phải làm cấp thiết đó là các nhóm hỗ trợ đến từng gia đình thì mới trở nên hoàn thiện, thành 1 vòng khép kín. Phải hiểu được rằng, những người F0, F1 họ đang ở trong tình trạng rối bời và họ cần sự giúp đỡ quan tâm”.

Đồng tình với quan điểm này, GS.TS.BS Đinh Xuân Anh Tuấn, hiện đang công tác tại Bệnh viện Trung ương Cochin, ĐH Y Nha Dược Paris, Pháp chia sẻ, chính ảnh hưởng về tâm lý đã khiến nhiều trường hợp có biểu hiện giống như mắc COVID-19 hoặc bệnh đang trở nặng, nhưng thực tế có thể không phải như vậy:

 

“Một khi chúng ta đã trở thành F0 thì ai cũng quan ngại không biết mình sẽ khỏi hay trở bệnh nặng hơn. Có vài điều phải lưu ý như vấn đề ho, khó thở thì đó là triệu chứng bệnh đang trở nặng. Tuy nhiên có rất nhiều trường hợp do vấn đề tâm lý nên cảm thấy khó thở, nhưng thực sự ra là không có cơ sở lâm sàng nào. Điều quan trọng nhất lúc đó là phải đo được SPO2, độ bão hòa của oxy trong máu. Đó là bằng chứng cụ thể cho thấy hệ hô hấp của chúng ta có đang bình thường hay không”.

Còn theo ông Trần Trọng Hùng, nên có một trung tâm hoặc đường dây nóng tập trung vào việc thu thập thông tin, chăm sóc và tư vấn cho các trường hợp cách ly tại nhà để họ có thể an tâm chữa bệnh:

 

“Chúng ta có thể xây dựng thêm một trung tâm hỗ trợ có chức năng là chăm sóc người bệnh, người bị cách ly qua phương pháp trực tuyến, sử dụng một số biện pháp đơn giản để thu thập thông tin người bệnh, đồng thời hỗ trợ về mặt tâm lý, bởi khi đó người bệnh, gia đình có thể đang rất cuống, bất ổn về tâm lý do lo lắng. 

Có thể tận dụng một số các tổng đài y tế, bảo hiểm có sẵn. Bằng phương pháp đó, chúng ta có thể theo dõi quá trình phát triển của dịch bệnh, theo dõi, hướng dẫn người bệnh hàng ngày, giúp họ có cảm giác an toàn, có được sự hỗ trợ".

Ai cũng bình đẳng trước virus SARS-Cov-2. Ai cũng có thể bị nhiễm nếu lơ là các nguyên tắc phòng dịch. Nhưng việc bị nhiễm không có nghĩa là người đó ít giá trị hơn người khác

Đối với các bệnh nhân COVID-19, cũng như những người trong gia đình của họ, không chỉ phải đối mặt với những nguy cơ về sức khỏe, tính mạng, mà họ còn phải đối mặt với sự kỳ thị, bới móc đời tư từ những bình luận ác ý trên mạng, hay từ những người xung quanh.

Vì vậy, việc ngăn chặn sự kỳ thị là rất quan trọng để giúp không chỉ bệnh nhân, người nhà bệnh nhân mà cả cộng đồng vượt qua đại dịch.

Đó cũng là góc nhìn của VOVGT qua bài bình luận: Chăm sóc tâm lý F0 và người nhà quan trọng không kém chăm sóc y tế

 

Việc điều trị những ca F0 có triệu chứng nhẹ tại nhà vừa giảm tải cho hệ thống y tế, vừa tạo điều kiện cho người bệnh được sự thoải mái, yên tâm điều trị trong vòng tay chăm sóc của gia đình; góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị.

Dù vậy, ngoài những biện pháp y tế đã được hướng dẫn cặn kẽ; người bệnh và người nhà chắc chắn không tránh khỏi tâm lý lo lắng hoang mang rằng liệu mình có trở nặng hơn không, liệu các phản ứng y tế có kịp thời không... Tâm lý lo lắng này cũng là bình thường với bất cứ loại bệnh nào. 

Nhưng, khi F0 được điều trị tại nhà, về mặt tâm lý cũng đã thoải mái hơn rất nhiều rồi. Giờ, họ cần hỗ trợ để ổn định tâm lý từ các chuyên gia,  từ người thân và từ những người đang chăm sóc họ. Với F0, tâm lý ổn định và thoải lại là yếu tố quan trọng để thắng được virus Sars-Cov-2.

Với người nhà, áp lực tâm lý cũng không kém; khi vừa chăm sóc F0, vừa phấp phỏng, không biết mình có thể trở thành F0 hay không. Rồi cuộc sống sinh hoạt sẽ thế nào, liệu có gặp phải thái độ kỳ thị của những người xung quanh không. Tâm lý người nhà có ổn định, mới chăm sóc tốt cho F0 được.

Họ - F0 và người nhà cần được tư vấn từ các chuyên gia, cần sự sẻ chia và thông cảm của cộng đồng.

Sự kỳ thị, phân biệt đối xử với bệnh nhân COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất, cảm xúc và tinh thần của người bị kỳ thị, các nhóm người bị kỳ thị và cộng đồng nơi họ sinh sống. 

Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), sự kỳ thị đối với bệnh nhân COVID-19 dẫn đến việc con người ít chủ động hơn khi tìm kiếm chăm sóc y tế hoặc đi xét nghiệm khi có triệu chứng; ít người tuân thủ các biện pháp can thiện hơn. Điều này có thể dẫn tới việc bỏ sót người mắc bệnh, gia tăng số người tiếp xúc với người mắc bệnh, khiến cho việc xử lý dịch càng trở nên khó khăn.

Ai cũng bình đẳng trước virus SARS-Cov-2. Ai cũng có thể bị nhiễm nếu lơ là các nguyên tắc phòng dịch. Nhưng việc bị nhiễm không có nghĩa là người đó ít giá trị hơn người khác. 

Do đó, thay vì kì thị và phân biệt đối xử hãy ủng hộ và giúp đỡ họ nếu có thể. Bởi nhiều khi, sự hỗ trợ về mặt tinh thần, lại đáng giá hơn vật chất.

---

Nghe thêm Sự việc & Góc nhìn trên Appler Podcast: