Cấp biển số màu vàng có ngăn được xe dù, bến cóc?

Bộ Công an đang lấy ý kiến cho dự thảo thông tư về đăng ký xe, trong đó đề xuất đổi biển số hiện nay của các loại xe vận tải hàng hóa, hành khách sang loại biển số mới có màu nền vàng cam, chữ số màu đỏ.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Tình trạng xe dù, bến cóc vẫn rất khó quản lý từ trước đến nay (Ảnh: VOV Du lịch)

Bộ Công an đang lấy ý kiến cho dự thảo thông tư về đăng ký xe, trong đó đề xuất đổi biển số hiện nay của các loại xe vận tải hàng hóa, hành khách sang loại biển số mới có màu nền vàng cam, chữ số màu đỏ. Nếu được thông qua, việc cấp biển số màu mới sẽ bắt đầu từ tháng 1 cho đến hết tháng 12/2020.

Giải thích về quy định mới trong dự thảo thông tư về cấp biển số màu vàng cam cho xe kinh doanh vận tải, trung tá Phạm Việt Công, Trưởng phòng Đăng ký xe, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho biết, thực hiện nghị quyết 12 của Chính phủ, trong đó quy định đăng ký biển số màu vàng cho các phương tiện kinh doanh vận tải, Bộ Công an đã xây dựng dự thảo theo hướng phân biệt xe cá nhân và xe kinh doanh vận tải. Việc phân biệt màu biển số xe sẽ phục vụ tốt hơn trong công tác quản lý và điều hành giao thông, thống kê phương tiện, hoạch định chính sách phù hợp.

Đặc biệt, khi phân định rõ màu biển số, cơ quan chức năng cũng dễ dàng phát hiện và ngăn các trường hợp xe kinh doanh trá hình, nhất là tình trạng xe dù, bến cóc nổi cộm thời gian qua:

 

"Màu biển số cũng là một cái để lực lượng chức năng dễ phát hiện, nhìn bằng mắt thường cũng có thể biết xe có kinh doanh vận tải hay không, trên cơ sở đó đối chiếu các quy định hiện hành thì chúng ta có thể hướng dẫn họ hoặc xử phạt khi các đối tượng vi phạm thì nó cũng thuận lợi hơn."

Đề xuất cấp biển số màu vàng cho xe kinh doanh vận tải cũng nhận được sự đồng tình của nhiều doanh nghiệp vận tải. Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng, việc cấp biển số màu vàng chỉ đơn thuần là thay đổi màu sơn của biển số phương tiện. Với phương tiện đăng ký mới sẽ thực hiện như với phương tiện cá nhân, chủ phương tiện chỉ cần xuất trình thêm đăng ký kinh doanh khi làm thủ tục cấp biển số mới. Với phương tiện đang lưu hành, Hiệp hội cũng kiến nghị cơ quan chức năng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp chuyển đổi:

 

"Nếu như chúng ta đã có cái đăng ký kinh doanh như vậy rồi, có biển số màu vàng rồi thì giải quyết được hết, từ việc nhà nước không phải thêm bộ phận chuyên in ấn việc này và cơ quan kiểm soát CSGT, Thanh tra giao thông, thuế có thể trích xuất dữ liệu từ CSGT là có thể biết có bao nhiêu xe đang hoạt động tại Hà Nội."

 Trước lo ngại việc đổi biển số có thể gây tốn kém cho doanh nghiệp vận tải, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, khi quy định này được thực thi, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ kiến nghị Bộ Công an, Cục CSGT và các đơn vị cấp, đổi biển số tạo điều kiện để các cá nhân, doanh nghiệp thực hiện việc cấp, đổi biển số màu một cách nhanh chóng và thuận lợi:

 

"Quan điểm của Tổng cục là ủng hộ và đề nghị tất cả các xe kinh doanh vận tải, đã kinh doanh thì đổi biển số sang màu vàng để phân biệt với xe cá nhân, như thế lực lượng thực thi công vụ sẽ phát hiện, xử lý tốt hơn và chắc chắn đó là giải pháp hạn chế xe hợp đồng trá hình."

Một số ý kiến cũng lưu ý, không phải cả vòng đời của phương tiện đều được sử dụng để kinh doanh vận tải. Do vậy, cơ quan quản lý phải đặt ra vấn đề quản lý khi họ không dùng để kinh doanh vận tải nữa. Bên cạnh đó, cũng cần có phương án khuyến khích chuyển đổi biển số để tránh gây tốn kém cho doanh nghiệp.

Bởi khi thực hiện, doanh nghiệp sẽ mất chi phí lớn do mất nhiều thời gian đăng ký lại biển số, các thủ tục tại ngân hàng và xe phải dừng kinh doanh trong thời gian chờ thay đổi biển số. Đây cũng là giải pháp được một số quốc gia, vùng lãnh thổ áp dụng nhằm phân biệt xe cá nhân và xe kinh doanh vận tải, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả quản lý.

Tin tức giao thông;

# Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An đã đưa 6 ngư dân cùng tàu cá gặp nạn trên biển vào bờ an toàn. Trước đó, lúc 15 giờ ngày 17/11, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Nghệ An nhận được thông tin tàu cá NA 95055TS cùng 6 ngư dân, do ông Hoàng Đình Thành (trú xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu) làm thuyền trưởng gặp nạn trên biển nên đã điều động lực lượng cùng phương tiện xuất kích cứu nạn.

# Cục Hàng hải Việt Nam đã tiến hành rà soát các biện pháp bảo vệ và đề xuất thiết lập vùng biển đặc biệt nhạy cảm tại khu vực Hạ Long - Cát Bà. Ông Nguyễn Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, từ năm 2015, đơn vị này được Bộ GTVT giao nghiên cứu đề xuất thiết lập vùng biển đặc biệt nhạy cảm (PSSA) tại Việt Nam. Đến nay, nhiệm vụ nghiên cứu đã cơ bản hoàn thành.

# Sớm nhất, 25/11 sẽ thông luồng Sài Gòn - Vũng Tàu. Theo khẳng định của đơn vị trục vớt, ngày 25/11 hoặc chậm nhất là 12/12 sẽ di dời tàu Vietsun Integrity bị nạn ra biên luồng... Trong trường hợp tàu quá nặng sẽ cẩu bớt các container trong hầm tàu (còn khoảng 180 cont), sau đó sẽ di dời tàu sang biên luồng.

Công tác trục vớt tàu Vietsun Integrity vẫn đang được tiến hành

Trước đó, vào lúc 1h50 ngày 19/10, tàu Vietsun Integrity có trọng tải 8.000 tấn chở 285 container hành trình từ TP.HCM đi Hải Phòng bị chìm trên sông Lòng Tàu.

Nghe toàn bộ chương trình tại đây: