Cảnh giác tình trạng thu mua sổ bảo hiểm xã hội nhằm chiếm đoạt tiền

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, khiến doanh nghiệp và người lao động (NLĐ) gặp khó khăn. Tuy nhiên, những ngày gần đây xuất hiện tình trạng thu gom mua sổ Bảo hiểm xã hội (BHXH) nhằm chiếm đoạt tiền BHXH một lần của người lao động.

Ảnh nh họa

Liên quan đến vấn đề này, PV VOVGT đã có cuộc trao đổi với bà Đinh Thị Thu Hiền- Phó trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam)

PV: Trước hiện tượng một số tổ chức thu gom mua sổ BHXH nhằm chiếm đoạt tiền BHXH một lần của người lao động, vậy việc này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến quyền lợi an sinh của người lao động?

Bà Đinh Thị Thu Hiền: Do tình hình dịch bệnh COIVD-19 diễn ra đã gây nhiều xáo trộn, khó khăn trong cuộc sống của nhiều người lao động, khiến họ có nguy cơ mất việc làm, giảm thu nhập, chúng tôi rất chia sẻ với người lao động.

Tuy nhiên, trong xã hội không phải ai cũng may mắn có cuốn sổ BHXH làm vốn để giành cho mình. Tôi nghĩ giai đoạn khó khăn này rồi sẽ qua đi, sổ BHXH nếu còn giữ được sẽ được sử dụng trong thời khắc khó khăn hơn sau này (chẳng hạn khi tuổi già). 

PV: Vậy BHXH Việt Nam có khuyến cáo gì đối với người lao động không, thưa bà?

Bà Đinh Thị Thu Hiền: Cơ quan BHXH rất mong người lao động cân nhắc thận trọng để giữ lại tài sản này, vì nếu chuyển sổ BHXH cho người khác trước tiên sẽ ảnh hưởng không tốt đến quyền hưởng an sinh xã hội của chính bản thân người lao động (phải nhận số tiền ít hơn số tiền BHXH họ đáng được hưởng. 

Trong trường hợp chưa đủ 12 tháng nghỉ việc mà họ có việc làm tiếp tục đóng BHXH thì sổ BHXH cũ sẽ không là căn cứ để giải quyết hưởng BHXH 1 lần, khi đó tranh chấp giữa người lao động và người giữ sổ BHXH sẽ rất phức tạp.

Việc người lao động chuyển sổ BHXH cho người khác có thể tiếp tay cho hành vi phạm pháp luật và gây bất ổn trong xã hội đặc biệt trong thời điểm toàn hệ thống chính trị đang tập trung cho phòng chống dịch.

PV: Theo bà, việc thu gom sổ BHXH  có được coi là hành vi vi phạm pháp luật không và BHXH Việt Nam sẽ có những biện pháp gì để xử lý tình trạng này?

Bà Đinh Thị Thu Hiền: Pháp luật về BHXH hiện hành có quy định hành vi bị nghiêm cấm khi chiếm dụng tiền hưởng BHXH hoặc khi làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Do đó, hậu quả của việc thu gom sổ BHXH mà ảnh hưởng làm giảm quyền hưởng BHXH của người lao động thì cũng sẽ vi phạm pháp luật.

Đối với cơ quan BHXH, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền để người lao động hiểu rõ tầm quan trọng của cuốn sổ BHXH và rất mong người lao động thận trọng trong việc chuyển giao sổ BHXH cho cá nhân, tổ chức khác vì có thể dẫn đến những thiệt hại về vật chất thậm chí cả tinh thần của người lao động trong trường hợp sau này họ muốn khôi phục lại thời gian đã đóng BHXH trên sổ BHXH cũ cũng không thể được. 

Về biện pháp: Trong từng trường hợp cụ thể, cơ quan BHXH sẽ cung cấp hồ sơ, cung cấp thông tin và đề nghị cơ quan có thẩm quyền vào cuộc để xử lý những hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân liên quan.

PV: Xin cảm ơn bà!