Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Theo Thượng úy Phùng Quang Định – Cán bộ Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Hà Đông, ở các cơ sở tín ngưỡng, tâm linh đều dễ dàng bắt gặp những hình ảnh thắp hương, đốt vàng mã với số lượng lớn.
Bên cạnh đó, nhiều cơ sở thờ tự vẫn còn tồn tại bất cập về công tác phòng chống cháy nổ như: không có lối thoát nạn hoặc có nhưng lối thoát nạn không bảo đảm, nguồn điện câu mắc không an toàn; bố trí nơi đốt vàng mã gần không gian thờ tự, gần các điểm bán đồ lễ.
Đặc biệt là sự chủ quan, tùy tiện của một bộ phận du khách khi thắp hương, nến, đốt vàng mã không đúng nơi quy định… nên nguy cơ dẫn đến cháy nổ rất cao.
Cùng đoàn công tác của Công an TP. Hà Nội khảo sát tại Chùa Bia Bà, nằm trong quần thể di tích văn hóa La Khê, quận Hà Đông. Cụm di tích này gồm đình La Khê, chùa Diên Khánh và đền Đức Thánh Bà (còn gọi là Bia Bà). Hàng tháng, vào những ngày rằm, mùng một, do lượng người đến hành hương, cúng viếng, cầu may đông, nên chỉ một người bất cẩn là có thể gây hỏa hoạn.
Nhận thức được điều này, ông Nguyễn Bao Hòa – Phó BQL Di tích Đình chùa Bia Bà cho biết, Ban Quản lý di tích cũng như chính quyền cơ sở đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, trang bị và kiểm tra các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy. Tại những nơi dễ nhận thấy như cổng đền, chùa, trước điện thờ đều dán cảnh báo về phòng cháy, chữa cháy và hướng dẫn các bước cứu hỏa sơ đẳng.
Tuy nhiên, tại các ki-ốt bán đồ lễ và vàng mã trong khuôn viên Chùa Bia Bà, không khó để bắt gặp hình ảnh các chủ sạp hàng tự ý câu nối, lắp đặt dây điện chưa đúng kỹ thuật, dễ dẫn đến quá tải, chạm chập điện.
Sau khi được lực lượng chức năng góp ý, chị Trần Thị Hằng – chủ một kiốt kinh doanh tại đây chia sẻ: “Đúng là hệ thống điện ở khu vực bán hàng không đảm bảo an toàn, sau khi được các cán bộ bên PCCC nhắc nhở, chúng tôi sẽ bảo nhau khắc phục, sửa chữa kịp thời. Vì cháy nổ không chừa một ai, nếu dây điện còn câu mắc lộn xộn thế này thì cháy lúc nào cũng không biết được!”.
Lo ngại về ý thức và sự chủ quan của người dân, năm nào cũng vậy, ngoài nhiệm vụ phòng ngừa cháy, nổ thường xuyên, theo định kỳ lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Hà Đông luôn có chuyên đề riêng cho công tác này, đặc biệt trong những tháng đầu năm.
Cụ thể, theo Thiếu tá Vũ Hồng Linh – Phó trưởng Công an quận Hà Đông, đơn vị đã tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban quản lý các khu di tích, các đền, chùa trên địa bàn toàn quận đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người dân và du khách thập phương về đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy;
Đồng thời tăng cường phối hợp với Công an các phường, các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, nhắc nhở, khắc phục các sơ hở thiếu sót về điều kiện an toàn PCCC như: lắp đặt các nội quy, quy định, tiêu lệnh; việc câu móc các thiết bị điện, thiết bị bảo vệ; chú ý các nơi thắp hương, đốt vàng mã.
Bên cạnh đó, công tác đảm bảo an toàn PCCC theo phương châm “4 tại chỗ”, tăng cường trách nhiệm của lực lượng PCCC cơ sở, dân phòng cũng được Công an quận Hà Đông đặc biệt quan tâm.
Theo ông Nguyễn Đức Phúc – Trưởng ban Bảo vệ dân phố phường La Khê (Hà Đông), đội PCCC cơ sở tại đây thường xuyên được tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng PCCC cơ bản, được hướng dẫn trang bị, kiểm tra và sử dụng các phương tiện phòng cháy chữa cháy tại chỗ; đồng thời bố trí lực lượng phương tiện, có các phương án xử lý khi có cháy nổ xảy ra.
Để chủ động làm tốt công tác phòng cháy chữa cháy, Thiếu tá Vũ Hồng Linh, Phó trưởng Công an quận Hà Đông nhấn mạnh: “Mặc dù trên địa bàn quận Hà Đông chưa xảy ra vụ cháy đền, chùa, khu di tích lịch sử văn hóa nào, nhưng trên địa bàn Thủ đô và cả nước đã từng có những vụ việc đáng tiếc liên quan đến loại hình này. Do đó việc tuyên truyền phổ biến kiến thức về PCCC, nâng cao tinh thần cảnh giác cho người dân, người đứng đầu cơ sở, lực lượng làm công tác bảo vệ đền, chùa, khu di tích là hết sức cần thiết”.
Tuy nhiên, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH, thì người đứng đầu các cơ sở đình, chùa và Ban quản lý khu di tích lịch sử, văn hóa cũng cần thực hiện đúng theo các quy định về PCCC và chủ động trong công tác phòng ngừa hỏa hoạn.
Đặc biệt là ý thức của người dân cần phải được nâng cao, góp phần bảo vệ an toàn các di tích cũng như đảm bảo tài sản, tính mạng của mỗi người./.