Cảnh giác “bẫy lừa” xuất khẩu lao động cuối năm

Làn sóng cắt giảm lao động hơn một năm qua tại các xí nghiệp đã dẫn đến một số lượng lớn người lao động “rời phố về quê” loay hoay tìm việc. Cũng chính vì lý do này, có người ôm “giấc mộng” đổi đời nhờ vào xuất khẩu lao động.

Nhưng vì không nắm được các thông tin cần thiết nên rất dễ bị sập bẫy lừa. Dịp cuối năm này, các đối tượng siêu lừa càng manh động, phao tin doanh nghiệp nước ngoài đang cần lượng công nhân lớn để sản xuất các đơn hàng cho kịp lễ, Tết nhằm chiêu dụ người lao động. 

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Cần Thơ mới đây đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Trần Thị Ngọc Nương (24 tuổi, ngụ huyện Vĩnh Thạnh) để tiếp tục làm rõ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới mác “nhận làm hồ sơ xuất khẩu lao động”.

Biết được tin này, bà Đỗ Thị Hồng Anh, sống tại quận Ô Môn liền đến cơ quan công an của TP. Cần Thơ để trình báo vụ việc vì đã trót đưa cho bị can Nương 28 triệu đồng mà chưa thu hồi về được. Cũng vì thất nghiệp, nên tin Nương sẽ giúp mình tìm được việc làm nơi đất khách, nhưng thật không ngờ, bao nhiêu tiền bạc vay mượn đóng cho Nương vậy mà tới khi Nương bị bắt, bà mới “tá hỏa” đã bị lừa.

Cũng theo bà Hồng Anh, tổng chi phí để được XKLĐ mà Nương đưa ra là tận 48 triệu, nhưng bà chỉ mới tạm ứng 28 triệu thì Nương đã bị bắt: “Tiền hồ sơ là 30 triệu, rồi tiền hợp đồng tạm ứng là 45 triệu, rồi tiền vé máy bay là 5 triệu. Vậy là tổng cộng 80 triệu. Em đòi lấy tiền lại thì nó bảo là ráng chờ đi, sắp đi được rồi”.

Bị can Trần Thị Ngọc Nương (24 tuổi) lừa hơn 100 người với tổng số tiền 3 tỷ dưới vỏ bọc "làm hồ sơ xuất khẩu lao động" nhanh.

Lần theo vụ án, Công an TP. Cần Thơ cho biết, năm 2023, Nương thuê nhà tại phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt và tự mở bảng hiệu kinh doanh với tên gọi Nương Nương, vận chuyển hàng hóa quốc tế Hàn Quốc, Ðài Loan, Malaysia, Singapore, Mỹ, Úc, Nhật Bản. Tiếp theo, Nương sử dụng mạng xã hội để đăng tải thông tin XKLÐ thời vụ, ai có nhu cầu liện hệ với Nương qua mạng xã hội và số điện thoại đã được đăng, rồi đến cơ sở của Nương ký hợp đồng lao động thời vụ ở Hàn Quốc.

Nương ra giá trọn gói 42-48 triệu đồng/hợp đồng, tiền cọc trước 50%, sau khi hoàn tất hồ sơ thì nhận đủ số tiền còn lại. Nương hứa từ 10-20 ngày sẽ có kết quả.

Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, Nương không thực hiện như cam kết mà chiếm đoạt. Tất cả các hợp đồng Nương ký với bị hại đều do Nương tự soạn rồi ký với từng người, không có công chứng, chứng thực. Từ đầu năm 2023 đến tháng 9/2024, Nương đã thực hiện hành vi lừa đảo 132 bị hại với số tiền gần 3 tỉ đồng.

Cũng trong tháng 9/2024, Tòa án Nhân dân TP Cần Thơ đưa vụ án ra xét xử, tuyên phạt Trần Thị Hồng Em 15 năm tù tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trần Thị Hồng Em (48 tuổi, ngụ huyện Phong Ðiền) không có nghề nghiệp ổn định. Khoảng tháng 2/2023, Hồng Em thuê phòng trọ ở huyện Cờ Ðỏ để ở.

Tại đây, thấy nhiều người có nhu cầu đi XKLÐ, Hồng Em “nổ” quen biết rộng, có khả năng làm hồ sơ cho người khác XKLÐ sang Hàn Quốc, với giá 70 triệu đồng/người, đưa tiền trước từ 5-10 triệu đồng/người. Thực tế, Hồng Em không phải là nhân viên của tổ chức có tư cách pháp nhân được cấp phép thực hiện việc môi giới XKLÐ, cũng không có năng lực làm hồ sơ cho người khác XKLÐ.

Ðể tạo lòng tin, Hồng Em yêu cầu người muốn làm hồ sơ XKLÐ phải nộp các giấy tờ như căn cước công dân, giấy chứng nhận kết hôn, sổ hộ khẩu, hộ chiếu và hình thẻ. Nhiều bị hại không trực tiếp đưa tiền nhưng vì nghe rủ rê nên tin tưởng đưa tiền cho người thân, người quen mang đến nộp để làm hồ sơ. Hồng Em đưa ra số ngày làm hồ sơ là gần 3 tháng, nhưng chưa đến thời hạn thì ôm tiền bỏ trốn.

Với thủ đoạn như trên, Hồng Em đã lừa đảo chiếm đoạt khoảng 840 triệu đồng của 116 bị hại. Bà Đỗ Thị Mai, nạn nhân bị can Hồng Em cho biết: “Thời gian để đi kéo dài trên 6 tháng, nên vay tiền nóng cái lãi nó lên cao quá, người ta đến xiết nhà, đuổi mình đi”.

Trần Thị Hồng Em lãnh án 15 năm tù tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" dưới mác "làm hồ sơ XKLĐ".

Thời gian qua, lợi dụng nhu cầu của người đi xuất khẩu lao động gia tăng, nhiều cá nhân, tổ chức đã tiếp cận đưa ra hứa hẹn về cách ra nước ngoài làm việc với chi phí rẻ, lương cao, đi dễ, làm visa bao đậu,... để lừa đảo. Nhiều người phải vay tiền để đi nhưng đợi mãi không được xuất cảnh, cũng có trường hợp được đi nhưng khi đến xứ người mới biết không như tư vấn.

Theo các luật sư, để lấy lòng tin của người dân, các đối tượng móc nối với nhiều công ty làm giả đơn đặt hàng tuyển dụng thậm chí tổ chức phỏng vấn để lừa tiền của người lao động. Do không nắm rõ quy định nên người lao động dễ bị sập bẫy lừa. Vì thiếu thông tin nên dù sang được nước ngoài, những người lao động này chỉ có thể làm công việc chân tay với mức lương thấp, không được bảo hiểm và không được bồi thường khi có tai nạn xảy ra. Để tránh rủi ro này, Luật Sư Nguyễn Thạch Thảo cho biết:

“Về phía người lao động thì chúng ta phải hết sức là tỉnh táo và cân nhắc, cũng như mình phải tìm hiểu từ các nguồn thông tin từ các cơ quan nhà nước để chúng ta nắm được là ở vùng này có cái trung tâm xuất khẩu lao động như vậy là có hay không, những thông tin đó đã được đăng ký hay chưa, hay như thế nào”.

Để không xảy ra tình trạng bị lừa, người lao động nên nhận diện các doanh nghiệp hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và phải được Bộ LĐTB&XH cấp giấy phép hoạt động. Do đó, người lao động cần chủ động tìm hiểu trước thông tin về đơn vị đang thực hiện quảng cáo và đối chiếu với danh sách doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước hoặc Sở LĐTB&XH các địa phương.

Theo ông Nguyễn Ngọc Phước, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Hậu Giang, người lao động cần rà soát kỹ nội dung trên hợp đồng dịch vụ giữa các bên trước khi ký kết, phải có đầy đủ thông tin về quyền và trách nhiệm của các bên, nội dung công việc, chi phí.

Hiện nay, các doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài có mức thu các khoản chi phí cho các hoạt động chuẩn bị cũng như đi làm việc ở nước ngoài như đào tạo ngoại ngữ, khám sức khỏe, làm visa, vé máy bay và một số chi phí khác, tuy nhiên mức phí dao động từ 78 triệu đồng đến 120 triệu đồng, tùy từng thị trường tiếp nhận lao động: “Hiện nay về kênh chính thống để đi làm việc ở nước ngoài thì người lao động nên thông qua kênh chính thống là Trung tâm dịch vụ việc làm sẽ ổn nhất. Còn các loại hình khác như: sang nước ngoài du lịch, thăm người thân, nghe theo lời một số đối tượng giới thiệu thì người lao động phải tìm hiểu thật kỹ thông tin. Nếu nghe theo những đối tượng không rõ lai lịch thì có khả năng bị lừa đảo rất cao.”

Ông Phước cho biết thêm, trong trường hợp không rõ thông tin, người lao động chủ động liên hệ với Sở LĐTB&XH hoặc Phòng LĐTB&XH quận, huyện để trao đổi và được cung cấp thông tin đầy đủ. Khi phát hiện các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có dấu hiệu lừa đảo, người lao động cần nhanh chóng trình báo cơ quan Công an địa phương để ngăn chặn, xử lý kịp thời.