Cần xử lý nghiêm clip cắt ghép xuyên tạc phụ nữ nhằm câu views

Gần đây có tình trạng một số tài khoản trên các mạng xã hội như Tiktok, Facebook, Youtube đăng tải những clip phỏng vấn nữ giới, hoặc người yếu thế nhưng nội dung chỉnh sửa, xuyên tạc nhằm định hướng dư luận, câu views; khiến nhân vật trong clip sau đó bị cộng đồng mạng chỉ trích, bôi nhọ.

Không ít nạn nhân bị gán ghép với nội dung không đúng sự thật, dẫn đến ảnh hưởng nặng nề về tâm lý. Về vấn đề này, phóng viên VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Tuấn Anh, giám đốc công ty luật Minh Bạch.

PV: Thưa luật sư, những nạn nhân của tình trạng này cần làm gì để bảo vệ quyền lợi của bản thân?

Luật sư Tuấn Anh: Đầu tiên, để bảo vệ quyền lợi của mình, chúng ta không nên tham gia những cuộc phỏng vấn không rõ ràng, không do các đơn vị truyền thông chính thống thực hiện. Chúng ta phải hiểu rõ nội dung, nói rõ quan điểm của mình nếu có tham gia.

Khi đã xảy ra sự việc như vậy, chúng ta có thể ngay lập tức liên hệ với những người phỏng vấn, đưa clip lên mạng xã hội cần dừng ngay, nói cho họ biết đấy là hành vi vi phạm pháp luật.

Nhẹ có thể bị xử phạt hành chính, nặng thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự nếu bôi nhọ danh dự, nhân phẩm gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Trong trường hợp họ không gỡ, chúng ta có quyền yêu cầu cơ quan công an nơi cư trú trình báo để phối hợp với các cơ quan chức năng xác nh, truy tìm người thực hiện hành vi đấy để xử lý các vi phạm theo quy định pháp luật.

Không ít clip đăng tải với nội dung bị cắt ghép, xuyên tạc khiến các nạn nhân bị cộng đồng mạng chỉ trích nặng nề

PV: Luật sư có quan điểm như thế nào trước tình trạng này?

Luật sư Tuấn Anh: Hiện nay đã có nghị định số 15/2020 quy định việc phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện 1 trong các hành vi như cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín nhân phẩm của tổ chức cá nhân.

Tuy nhiên, để phòng tránh, giảm thiểu tình trạng này, các cơ quan chức năng cần tăng cường các biện pháp thanh tra, kiểm tra, xử lý khi nhận được cảnh báo.

Hoặc chủ động hơn là có những bộ phận rà soát những thông tin, clip có nội dung không phù hợp, để kiến nghị các đơn vị cung cấp mạng, dịch vụ gỡ các thông tin xâm phạm đến người khác.

Một yếu tố quan trọng nữa là truyền thông để người dân hiểu, sử dụng mạng xã hội một cách thông nh và tự bảo vệ chính mình.

PV: Xin cảm ơn luật sư.