Cẩn trọng với đề xuất đăng ký thường trú bằng hợp đồng mua bán nhà hình thành trong tương lai

Người dân có thể đăng ký thường trú bằng hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai – Đây là một trong những đề xuất đáng chú ý tại tờ trình của Bộ Công an về Dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Cư trú.

Xung quanh nội dung này, PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với chuyên gia chính sách, ông Ngô Dương.

Theo chuyên gia chính sách Ngô Dương, đề xuất của Bộ Công an cần gia công thêm và đánh giá thận trọng, đặc biệt vấn đề kiểm soát dân cư, quá tải DCV

PV: Thưa ông, theo đề xuất của Bộ Công an, ngoài điều kiện là có chỗ ở hợp pháp, nhập hộ khẩu về nhà người thân, đăng ký thường trú ở nhà thuê, mượn, ở nhờ…, người dân có thêm một lựa chọn nữa là đăng ký thường trú bằng hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai. Ông đánh giá thế nào về sự bổ sung này?

Ông Ngô Dương: Tôi cho rằng, việc mở cửa thông thoáng nhiều loại giấy tờ khác nhau để giúp người dân hưởng các dịch vụ công tại khu vực đăng ký thường trú thì cũng là điều tốt thôi. Nhưng ở đây, tôi nghĩ rằng có quá nhiều rủi ro.

Đặc biệt là trục lợi chính sách, và thứ hai là quản lý quy hoạch dân cư, có thể có sự dồn tụ về các khu vực được cho là có những dịch vụ tốt, dẫn đến tình trạng phát triển không đồng đều.

Tổng quan, tôi cho là không nên. Vì ông mua nhà đấy, có chắc chắn ông ở đấy không, hay là mua để đấy. Tôi vẫn lăn tăn, việc kiểm tra, xác nh phải có quy trình chuyên nghiệp, đặc biệt có sự hỗ trợ công nghệ thông tin để có thể tiến hành nhanh hơn.

Các dự án chưa hoàn thiện liệu sẽ trở nên hấp dẫn hơn với đề xuất quy định mới về đăng ký thường trú bằng hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai

PV: Vậy theo ông, nội dung này cần bổ sung gì để mang tính khả thi?

Ông Ngô Dương: Cái quy định này cần so sánh với các quy định khác. Nếu chỉ là một quy định được quyền dùng loại hồ sơ này, thì cần đặt ra là được dùng khi nào? Khi người ta không có nhà ở nào khác thì có thể chấp nhận được.

Nhưng khi ông có 4-5 căn nhà rồi ông mua thêm nhà nữa. Rồi ông đòi tôi về chỗ này để đăng ký cư trú, cho con ông ấy học ở đó. Nó không công bằng với cư dân đang sống ổn định tại khu vực mà ông này nhắm tới.

Tôi đang nói đến dịch vụ công lớn nhất là trường học và bệnh viện. Tại sao không dùng chính hợp đồng thuê nhà đang ở, tại sao phải dùng hợp đồng mua bán trong tương lai? Hợp đồng cho ở nhờ, rồi đơn giản nhất là hợp đồng thuê nhà hợp pháp để đăng ký. Thuê nhà nghỉ mà hợp pháp thì cũng được nhé.

Tại sao lại dùng một tài sản chưa hình thành, dùng một chỗ ở mà chưa ở? Ví dụ, tôi mua một căn ở khu trung tâm, Giảng Võ, bây giờ đang ở nhà ở Văn Phú, trong Hà Đông.

Vậy thì dùng hợp đồng ở nhà trong Hà Đông đưa ra, sao lại dùng việc tôi sẽ mua nhà ở Giảng Võ để đăng ký thường trú, cho con học ở cấp 2 Giảng Võ.

Như vậy là thiếu công bằng với các cháu đang ở đó, số lượng sẽ chật chội hơn, dẫn đến phải có thứ tự ưu tiên, dễ nảy sinh tiêu cực. Dẫn đến người dân bản địa lại không được học gần nhà mà phải đi tận đâu cơ.

Càng nói thì tôi càng nhận ra, quy định này cần phải gia công thêm bởi những quy định khác bổ sung cho nó. Chứ quy định này không thể đứng một mình được.

PV: Xin cảm ơn ông!

E ngại của chuyên gia chính sách Ngô Dương về việc quá tải hệ thống dịch vụ công nếu cho phép đăng ký thường trú bằng hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai là có cơ sở.

Đặc biệt khi nhiều dự án khu đô thị, chung cư thường bị chậm tiến độ, trong đó có cơ sở hạ tầng thiết yếu như bệnh viện, trường học.

Trong bối cảnh đó, việc cho phép hàng vạn cư dân trong một dự án chưa thành hình đăng ký thường trú tại một khu vực nhất định có thể gây mất kiểm soát quản lý dân cư cũng như quá tải các dịch vụ công, và phát triển mất cân bằng.

Như vậy, quy định này rất cần các ý kiến đóng góp, phản biện để khi được đưa ra, sẽ phù hợp với thực tiễn.