Để giải quyết tình trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng này, việc xanh hoá giao thông là bài toán sống còn của các thành phố lớn như TPHCM lúc này.
Hiện Việt Nam hiện có hơn 70 triệu xe máy đang lưu hành. Tính riêng tại TP.HCM hiện có gần 9 triệu phương tiện cá nhân, trong đó xe máy chiếm hơn 8 triệu chiếc. Hầu hết các dòng xe này đều sử dụng động cơ cũ, tiêu chuẩn khí thải thấp, thậm chí nhiều xe đã xuống cấp, bơm một lượng lớn khí độc hại như CO, NOx, HC, bụi mịn... vào môi trường, gây ra các bệnh về đường hô hấp, tim mạch, thậm chí ung thư.
Để bảo vệ sức khỏe nhiều người đã chọn cách bịt kín mặt mũi bằng khẩu trang mỗi khi ra đường:
"Hiện nay khói bụi rất là nhiều nên hầu như lúc nào ra đường mình cũng phải đeo để chống khói bụi của thành phố".
"Dạo gần đây sương mù kết hợp với không khí ô nhiễm của thành phố gây tác động không nhỏ đối với hô hấp của người dân thành phố".
"Nếu mình không đeo khẩu trang ra đường thì sẽ rất khó chịu bởi vì rất nhiều bụi bẩn, ảnh hưởng đến sức khỏe".
Trước thực trạng trên, nhằm kiểm soát được lượng khí thải do hàng triệu xe máy phát ra môi trường, theo quy định mới nhất trong Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ vừa được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 thì mô tô, xe gắn máy (gọi chung là xe máy) phải kiểm định khí thải tại các trung tâm đăng kiểm.
Theo ông Lê Văn Đạt – Trưởng phòng an toàn giao thông và phân tích cơ sở dữ liệu GTVT, Viện chiến lược và phát triển GTVT cho rằng nên mở rộng việc kiểm định tại các cơ sở sữa chữa hoặc các gara nhằm tạo sự thuận lợi cho người dân trong quá trình triển khai thực hiện quy định mới này:
“Có thể triển khai kiểm định tại các cơ sở sửa chữa hoặc tại các gara… Chúng ta có thể mở rộng các phạm vi đó ra để người dân có thể đến và kiểm định. Tương tự như vậy thì vấn đề chi phí cũng phải cân nhắc để hợp lý đối với người dân”.
Theo PGS.TS Vũ Anh Tuấn – Giám đốc trung tâm nghiên cứu giao thông Việt – Đức (Trường Đại học Việt Đức) cho rằng ở thời điểm ban đầu nên tập trung kiểm soát khí thải ở những phương tiện có gây ô nhiễm cao, đặc biệt là những phương tiện có tuổi đời sử dụng quá lâu:
"Chúng ta phải tập trung cho nhiều phương tiện có nhiều khí bụi bẩn đặc biệt bụi mịn… trong đó phương tiện xe mô tô xe gắn máy đóng góp một lượng rất lớn và tỉ lệ xe cũ có niên hạn trên 15 năm chiếm tỉ lệ rất cao. Đâu đó rơi vào khoảng 20 đến 25%".
Bên cạnh những nổ lực của chính phủ trong việc kiểm soát khí thải xe máy trong thời gian tới thì TpHCM cũng đã và đang triển khai nhiều biện pháp khác nhằm hướng đến mục tiêu giao thông xanh như thí điểm các khu vực cấm xe máy, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng, xe đạp hoặc đi bộ.
Phát triển giao thông công cộng bằng việc đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống xe buýt, metro, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân di chuyển, giảm thiểu lượng xe máy cá nhân trên đường.
Có thể thấy việc kiểm soát khí thải phương tiện giao thông, đặc biệt là xe gắn máy đã được bàn và được nhắc rất nhiều và đây cũng là một ‘bài toán khó’ đối với các cơ quan, việc triển khai thực hiện cần sự chung tay góp sức của cả cộng đồng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh ô nhiễm không khí đang ngày càng nghiêm trọng, đây là giải pháp cấp thiết không thể trì hoãn thêm được.