Cần hoàn thiện pháp luật để tránh trục lợi tiền từ thiện

Sự việc nghệ sĩ Hoài Linh thừa nhận đang giữ hơn 13 tỷ đồng quyên góp từ tháng 11/2020, chậm trễ hỗ trợ cho đồng bào miền Trung là chủ đề nhận nhiều ý kiến trái chiều từ công chúng trong mấy ngày qua.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Việc chậm trễ trao tiền từ thiện có vi phạm pháp luật hay không? Pháp luật quy định sử dụng tiền ủng hộ từ thiện như thế nào? PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với Luật sư Phạm Thanh Bình, Giám đốc Công ty Luật Bảo Ngọc thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội về vấn đề này:

PV: Điều 7 Nghị định 64/2008 quy định về thời gian phân phối tiền, hàng cứu trợ không quá 20 ngày, kể từ ngày kết thúc thời gian vận động đóng góp. Trong trường hợp chậm trễ tới hơn 6 tháng, hành vi của nghệ sĩ Hoài Linh có vi phạm pháp luật không?

Luật sư Phạm Thanh Bình: Nghệ sĩ hài Hoài Linh “om giữ” số tiền hơn 14 tỷ đồng hơn 6 tháng cả về tình và lý đều vi phạm.

Về mặt lý, theo quy định tại Nghị định 64/2008, sau khi kết thúc đợt quyên góp từ thiện thì không quá 20 ngày người thực hiện phải chuyển số tiền tới các đối tượng thụ hưởng.

Trong trường hợp này, Hoài Linh đưa lý do vướng 2 đợt dịch không thuyết phục vì 6-7 tháng trôi qua rồi và không phải lúc nào dịch cũng phức tạp như hiện nay.

Còn về mặt tình khó biện giải cho việc anh om giữ số tiền này.

Đúng là Nghị định 64/2008 chỉ quy định việc làm từ thiện của các tổ chức xã hội, các tổ chức được Nhà nước cho phép và đối tượng điều chỉnh không nhằm tới các cá nhân.

Hành vi này của anh Hoài Linh hiện pháp luật chưa có quy định cụ thể về việc đi quyên tiền từ thiện rồi om lại. Nhưng ở đây rõ ràng có dấu hiệu của hành vi lạm dụng tín nhiệm.

Mặc dù anh Hoài Linh chưa có biểu hiện chiếm đoạt số tiền này nhưng giữ số tiền lớn trong thời gian dài rõ ràng có động cơ không trong sáng.

Dù xử lý dưới hình thức nào cũng phải dựa trên quy định của pháp luật hiện hành. Việc anh ta bị mất hình ảnh trong mắt công chúng mất mát lớn hơn nhiều.

PV: Để đảm bảo tiền hỗ trợ được sử dụng nh bạch, đúng thời gian, mục đích, hệ thống pháp luật đã và đang được hoàn thiện ra sao phù hợp với thực tiễn?

Luật sư Phạm Thanh Bình: Hiện nay chúng ta mới có Nghị định 64 và 93 quy định về việc làm từ thiện nhưng cả hai Nghị định cũng chưa phù hợp với thực tiễn cũng như chưa đề cập cá nhân đứng ra làm từ thiện.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang nghiên cứu Dự thảo trình Chính phủ Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 64. Tới khi đó, khung pháp lý cho cá nhân đứng ra làm từ thiện sẽ hoàn chỉnh, đầy đủ hơn hiện nay.

PV: Xin cảm ơn luật sư.

---

Mời các bạn nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị tại đây: