Cần cảnh giác với nguy cơ cháy nổ tại các trung tâm thương mại

Các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng là nơi tập trung nhiều hàng hóa phục vu nhu cầu mua sắm của người dân. Đồng thời, ý thức phòng cháy chữa cháy của người dân tại những khu vực này còn nhiều chủ quan. Do đó, nguy cơ cháy nổ cũng tiềm ẩn ở mức độ

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Ghi nhận một số trung tâm thương mại ở địa bàn quận Long Biên như: Aeon Mall, Mipec, BigC… người mua hàng và vui chơi, tham quan khá nhộn nhịp, nhất là vào dịp cuối tuần.

Bộ phận quản lí các Trung tâm thương mại (TTTM) cũng thường xuyên thông tin và yêu cầu khách hàng, nhân viên chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống cháy, nổ, như không hút thuốc lá, không mang những vật liệu dễ cháy nổ vào các gian hàng, khu vực kinh doanh.

Trao đổi với chương trình, một số người dân cho biết, đa phần khi vào những siêu thị trung tâm thương mại lớn, họ khá yên tâm với công tác PCCC:

"Có những lúc vào TTTM cũng lo lắng vì nguy cơ cháy nhưng đa phần các siêu thị bây giờ cũng trang bị rất nhiều bình chữa cháy, hàng hóa sắp xếp gọn gàng nên nhìn chung cũng an toàn".

"Theo tôi, những siêu thị lớn thì người ta phải đảm bảo an toàn cho khách hàng về mọi phương diện, còn với các siêu thị nhỏ, cơ sở hạ tầng kém thì cũng lo liệu PCCC có tốt không nên tốt nhất mình cứ tránh".

Thế nhưng, thực tế, nhiều người khi đi mua hàng tại siêu thị, trung tâm thương mại không thấy hết nguy cơ cháy, nổ. Theo Đại úy Nguyễn Trung Tùng, Đội PCCC&CNCH Công an Q. Long Biên, các siêu thị, TTTM là nơi tập trung đông người đa dạng về lứa tuổi, trình độ nhận thức.

Bên cạnh đó, với đặc điểm ưu tiên cho diện tích các gian hàng, nên thường có hành lang nhỏ, hẹp, lối ra thoát nạn khó nhận biết nên khi cháy xảy ra thiệt hại về người và tài sản là rất lớn.

Với quy mô, số lượng hàng hóa trong siêu thị, TTTM rất đa dạng và không ngừng tăng lên, thậm chí quá tải; khoảng cách an toàn PCCC giữa các gian hàng, lối ra thoát nạn, phương tiện chữa cháy tại chỗ không đảm bảo, không đáp ứng được yêu cầu khi xảy ra sự cố cháy nổ.

Sự cố cháy ở chợ, siêu thị, TTTM có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, theo Đại úy Nguyễn Trung Tùng, có thể chia theo một số nguyên nhân chính: "Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cháy các thiết bị điện trong quá trình sử dụng là do quá tải của dây dẫn và thiết bị điện dẫn đến phát sinh nguồn nhiệt, phát sinh tia lửa điện gây cháy. Nguồn lửa, nguồn nhiệt phát sinh trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt sai quy định như đun nấu, thắp hương, thờ cúng, hút thuốc… Ngoài ra, nguồn lửa có thể phát sinh do các mục đích khác nhau của con người như đốt phá hoại, tư thù cá nhân… tuy nhiên tỷ lệ rất ít".

Rút kinh nghiệm từ vụ cháy siêu thị, trung tâm thương mại đã từng xảy ra, Thiếu tá Nguyễn Đức Thiêm, Phó trưởng CAQ Long Biên nhấn mạnh, không có biện pháp nào hiệu quả hơn là sự chủ động tại chỗ, tuân thủ các quy định an toàn phòng cháy, chữa cháy.

Đa phần nguyên nhân cháy tại các siêu thị, trung tâm thương mại là do sự cố điện và xảy ra vào ban đêm nên hệ thống điện phải được kiểm tra trong mọi thời điểm, khi đóng cửa vào cuối ngày cần tắt các thiết bị điện không cần thiết.

Đối với máy móc, thiết bị điện tử được sử dụng, bày bán thì việc kiểm tra thường xuyên, bảo dưỡng đúng định kỳ, hệ thống báo cháy phải tuân thủ quy trình bảo trì, bảo dưỡng. Đây là yêu cầu quan trọng để kịp thời phát hiện sự cố có thể xảy ra:

"Chúng tôi mong tại các TTTM, người dân không tàng trữ, kinh doanh trái phép các mặt hàng nguy hiểm dễ cháy, nổ. Ngắt tất cả các thiết bị sử dụng điện ra khỏi nguồn. Không đun nấu, thắp hương, đèn cầy, đèn dầu, hút thuốc, đốt vàng mã… trong khu vực kinh doanh. Không tự ý câu mắc các thiết bị điện. Sắp xếp hàng hóa phải đảm bảo khoảng cách an toàn, phải tính đến trường hợp các chồng, đống hàng hóa khi đổ không đè lên các thiết bị điện hoặc đường dây điện".

Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội khuyến cáo, ngoài những biện pháp an toàn theo quy định, các siêu thị, trung tâm thương mại cần phải bố trí cầu thang thoát nạn riêng biệt, có lối ra ngoài trực tiếp và bố trí phòng lánh nạn tạm thời, lối thoát nạn dự phòng.

Các cơ sở này phải có sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn cho từng tầng, từng khu vực, từng ngành hàng, có hệ thống đèn chiếu sáng sự cố, chỉ dẫn thoát nạn trên đường và hướng thoát nạn; đồng thời duy trì tình trạng hoạt động tốt của hệ thống thông gió, hút khói và hệ thống báo cháy tự động.

Một số thông tin về công tác PCCC tuần qua

# Theo thống kê của Phòng CS PCCC&CNCH CA TP Hà Nội, trong tuần vừa qua, trên địa bàn thủ đô đã xảy ra 10 vụ cháy (trong đó có: 3 vụ cháy trung bình, 6 vụ cháy nhỏ, 1 vụ cháy rừng). Về tình hình CNCH, lực lượng chức năng tiếp nhận 5 tin báo và cứu được 3 người.

# Nhằm chủ động phòng ngừa các nguy cơ hoả hoạn, sáng 27/10, CAQ Hoàng Mai, Hà Nội đã ra mắt mô hình cụm liên kết "Phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong công tác phòng cháy, chữa cháy tại các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn". Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó giám đốc CATP Hà Nội đến dự và chỉ đạo buổi lễ ra mắt này.

# Ngày 28/10, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ - Công an huyện Hoài Đức, Hà Nội đã tổ chức diễn tập phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ với sự tham gia của nhiều lực lượng tại chợ Sấu, xã Dương Liễu. Buổi diễn tập  là biện pháp tuyên truyền trực quan, sinh động.