Cận cảnh bãi giữa sông Hồng, nơi dự kiến làm công viên văn hóa của Hà Nội

Sau khi TP. Hà Nội phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị hai bên sông Hồng, Quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đang tiếp tục nghiên cứu phát triển khu vực bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng thành công viên văn hóa du lịch của Thủ đô, mang vẻ đẹp hoang sơ.

Quy hoạch này nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế vẻ đẹp tự nhiên của sông Hồng làm điểm đến vui chơi, tham quan hấp dẫn khách du lịch.

Khu vực bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng với diện tích khoảng 23ha nằm trên địa bàn phường Chương Dương và Phúc Tân (Hoàn Kiếm) và một phần nhỏ thuộc địa phận quận Long Biên.
Một số diện tích của khu vực này hiện đang được người dân phường Phúc Tân và phường Chương Dương sử dụng để canh tác hoa màu, chăn nuôi gia súc.
Nhiều hộ gia đình sống trong các căn nhà nổi trên sông. Các hộ dân này chủ yếu sống bằng nghề chài lưới, buôn bán trên sông…
Khu vực này được người dân gọi là “Xóm Phao”. Tuy chỉ cách trung tâm Hà Nội chưa đến 2km với khoảng 100 nhân khẩu, thế nhưng nhiều người dân xóm Phao vẫn đang trong cuộc sống không nước sạch, không điện lưới, thâm chí nhiều đứa trẻ cũng không được đi học...
Sống ở bãi giữa sông Hồng đã 30 năm, bà Phạm Thị Thu không khỏi băn khoăn khi nghe tin Hà Nội nghiên cứu phát triển bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng thành công viên văn hóa du lịch. Bà cũng không biết tới đây, cuộc sống của gia đình mình sẽ “trôi dạt” về đâu? “Tôi ở trên thuyền được 30 năm rồi, ông bà già đã vậy nhưng còn những gia đình có trẻ con, người lớn, trẻ mới sinh cũng có, nhà 3 thế hệ cũng có. Bây giờ phải đi đâu trọ? Ở đâu? Ở trọ phải có tiền thì mới trọ được”, bà Thu nói.
Còn theo ông Nguyễn Đăng Được, người dân sống tại bãi giữa sông Hồng bày tỏ: Điều mà những người dân nơi đây lo lắng nhất đó là tương lai của những đứa trẻ. “Cuộc sống của mình cũng đã tồn tại ở đây mấy chục năm rồi, chỉ biết trông hoa màu để bán lấy tiền sống qua ngày. Bây giờ làm thành công viên, chúng tôi đang lo không biết rằng họ sẽ cho đi đâu, ở đâu, làm gì? Con cháu chúng tôi sẽ rất khổ. Nếu như nhà nước giúp đỡ cho cuộc sống của chúng tôi, thì giống như đời chúng tôi được sống lại”.
Để đến được bãi giữa, bãi bồi sông Hồng, người dân phải đi xuống bằng thang bộ của cầu Long Biên.
Nhưng con đường quanh co là đường giao thông đi lại hàng ngày của người dân.

 

Quận Hoàn Kiếm cho biết: Theo dự tính, có thể vẫn cho các hộ dân trồng cây ngắn ngày để phù hợp. Du khách có thể tham quan, chụp ảnh bên cạnh các giá trị cây nông nghiệp đặc sắc theo hướng nông nghiệp hiện đại.
Đồng thời tổ chức khu chức năng không gian sáng tạo, sân chơi, thảm cỏ xen kẽ với các cây lâu năm hiện có; khu chức năng không gian vui chơi, tập thể thao (như sân trượt cỏ) cơ bản theo địa hình tự nhiên; khu chức năng câu cá, bơi lặn, tham quan mặt nước sông Hồng…
Cảnh quan của khu công viên văn hóa sẽ theo các hướng tiếp cận từ trên cao (hướng nhìn từ cầu Long Biên, cầu Chương Dương), hướng tiếp cận đường sông, đường bộ sẽ được nghiên cứu tổ chức, đảm bảo tạo dựng khung cảnh thiên nhiên, vẻ đẹp văn hóa, lịch sử, sinh thái. Đồng thời, các thiết kế, cảnh quan phải bố trí mảng không gian cây xanh, thiết kế kiến trúc hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, tạo thuận lợi cho người dân.
Được biết, đã có khoảng 20 đề án, dự án quy hoạch liên quan đến sông Hồng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Sau 7 lần điều chỉnh quy hoạch Thủ đô từ năm 1954 đến nay, đề xuất cải tạo khu vực bãi giữa sông Hồng thành công viên văn hoá, du lịch được kỳ vọng là cơ hội tốt để đưa sông Hồng trở thành thương hiệu của Thủ đô, giúp khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế từ dòng sông có bề dầy lịch sử, văn hoá này./.