Cảm hứng Chiềng Đi

Tối 29/10 tới đây, có một chương trình nghệ thuật đặc biệt ở bản Chiềng Đi, Sơn La khi nghệ sĩ Piano Phó An My và nghệ sĩ Saxophone Quyền Thiện Đắc tổ chức một buổi hòa nhạc cổ điển ngoài trời, trên sương núi.

Đó không chỉ là một buổi biểu diễn nghệ thuật, mà là một nỗ lực se duyên của âm nhạc cổ điển với không gian của núi rừng. 

Đi nghe nhạc cổ điển vẫn là việc xa xỉ và tương đối xa lạ với đại bộ phận công chúng. Một nhà báo đang thường trú tại Pháp từng phải than phiền, chị cực kỳ ít khi thấy sinh viên Việt Nam sang du học đi bảo tàng, xem triển lãm nghệ thuật và nghe hòa nhạc cổ điển.

Trong khi, những nơi ấy vốn luôn ưu đãi về giá vé cho du học sinh nước ngoài, và tất nhiên là nhiều thứ thú vị để khám phá.

Các buổi hòa nhạc cổ điển, giao hưởng thính phòng mời nghệ sĩ tên tuổi thế giới thi thoảng vẫn diễn ra. Gần như trăm phần trăm những buổi diễn dạng này có tài trợ bởi các doanh nghiệp, bởi chi phí rất cao, mà bán vé thì cực khó.

Ban tổ chức chọn giải pháp chỉ tặng giấy mời, vừa dễ truyền thông, mà lại không mang tiếng ế vé.

Nghệ sĩ piano Phó An My. (Ảnh: FBNV)

 

Tất nhiên, đó không phải là tất cả. Nhiều nghệ sĩ theo đuổi dòng nhạc cổ điển - thính phòng vẫn sống được với nghề, show diễn vẫn đều đặn, vé bán hết (dù không nhanh như các ngôi sao ca nhạc).

Người ta thống kê ra 3 lý do chủ yếu khiến nhạc giao hưởng, cổ điển kén khán giả:

- Đòi hỏi người nghe phải am hiểu và có kiến thức nhất định.

- Đòi hỏi sự tĩnh lặng khi thưởng thức.

- Chi phí cao (cả phía tổ chức lẫn khán giả).

Đúng vậy, vé bán rất khó. Nói thẳng luôn gần như không bao giờ diễn nhạc cổ điển mà Nhà hát lớn Hà Nội kín được khán phòng - nghệ sĩ piano Phó An My thừa nhận.

Thế nhưng, Phó An My lại khiến cho việc khó đấy có vẻ trở nên khó khăn hơn, bằng cách tổ chức một buổi diễn cổ điển cùng với nghệ sĩ Saxophone Quyền Thiện Đắc, ngay giữa bản Chiềng Đi, huyện Vân Hồ, Sơn La, giữa gió núi mây ngàn vào tối 29/10 tới đây.

Chương trình Cảm hứng Chiềng Đi của nghệ sĩ Phó An My

Đêm nhạc cổ điển mang tên Cảm hứng Chiềng Đi, cũng là tên tác phẩm mới nhất của nhạc sĩ Đặng Tuệ Nguyên. Chơi nhạc cổ điển ngoài trời, đã là liều lĩnh. Lại chơi trên đỉnh núi, thì ý tưởng ấy có phần điên rồ.

Câu hỏi là tại sao lại trên núi, tại sao vẫn cứ là nhạc cổ điển?

- Bởi vì chúng tôi muốn gọi tên tâm hồn Tây Bắc bằng âm nhạc, Phó An My trả lời: Nhạc cổ điển không cao sang, nó đẹp như cuộc sống. Tất nhiên, bán vé vẫn rất khó, tôi tự làm khó mình hơn khi bắt quan khách phải vượt hàng trăm kilomet lên tận Sơn La để nghe nhạc. Nhưng đó là niềm tin của tôi, là sự tự hào của tôi.

Tôi không hỏi nghệ sĩ rằng chị đã bán hết vé cho đêm diễn tối 29 này chưa. Bởi tôi biết câu trả lời dù thế nào cũng không quan trọng bằng chính cái ý tưởng của chị, đưa nhạc cổ điển ra khỏi tháp ngà, ra khỏi nhà hát, và ngược lại, mang đến cho núi rừng, cho thiên nhiên hùng vĩ một vẻ đẹp mới, vẻ đẹp của nghệ thuật kinh viện.

Vì sao tôi chắc chắn về ý tưởng này đến thế?

Hơn ba năm qua, Phó An My đã chuyển về bản nhỏ mù sương Chiềng Đi để dựng nhà, sống, và thực hành cuộc chơi nghệ thuật của mình. Chị biến cái bản nhỏ ấy thành một điểm nhấn văn hóa, nơi có những đêm hòa tấu ngẫu hứng của bạn bè nghệ sĩ… đi chơi, nơi có phiên chợ vùng cao cuối tuần mà chị đã thuyết phục người dân tham gia cùng du khách, và nơi mà những ngôi nhà của dân bản trở thành các tác phẩm nghệ thuật bằng cách nó phục vụ con người.

Nhạc cổ điển, có thể sẽ còn rất lâu nữa mới trở thành một nhu cầu thụ hưởng nghệ thuật quen thuộc của người Việt khi mà không gian thưởng thức nó vẫn là những nhà hát kiểu Tây, với những bộ âu phục, những quy tắc mà không phải luôn dễ chịu với thời tiết, và thói quen của công chúng Việt Nam.

Nhưng cái cách mà Phó An My đang làm, cách mà một nghệ sĩ đã luôn nỗ lực tìm cách se duyên âm nhạc truyền thống với các nhạc cụ cổ điển phương tây qua những buổi biểu diễn piano từng gây tiếng vang trong giới nghệ thuật như “bóng” “lửa” “chèo” “gió” “độc thoại” những năm trước, và bước đi đặc biệt lần này “Cảm hứng Chiềng Đi” chắc chắn là một hạt mầm để hy vọng về việc âm nhạc cổ điển và tâm hồn người Việt có thể chạm vào nhau.

Âm nhạc cổ điển tìm được đất sống trên bản nhỏ mù sương. Và phong cảnh núi rừng tây bắc tìm được những âm thanh đồng vọng với những nhạc cụ cổ điển. Tôi tin rằng đây không chỉ là một cuộc chơi, mà là một nỗ lực se duyên thực sự.