Các hãng hàng không giá rẻ đang ‘kiếm tiền’ như thế nào?

Đến nay, hàng không giá rẻ ngày càng phát triển. Một số tên tuổi như Ryanair, EasyJet hay Southwest trở thành những doanh nghiệp thành công nhất lịch sử hàng không, liên tục nằm trong top các hãng bay vận chuyển nhiều hành khách nhất thế giới.

Khi người tiêu dùng ngày càng quen thuộc với các hãng hàng không, họ dường như không còn biết chính xác, điều gì khiến các hãng bay đó được coi là hàng không giá rẻ.

Ông Scott Keyes, nhà sáng lập Công ty cung cấp dịch vụ bay giá rẻ Going cho biết: “Một trong những cách hiểu sai phổ biến nhất khi mọi người nghĩ đến hàng không giá rẻ đó là cho rằng giá vé của hãng bay đó thấp. Nhưng thực chất, hàng không giá rẻ ám chỉ các hãng hàng không cố gắng hết sức giảm thiểu mọi chi phí vận hành để đảm bảo có lợi nhuận tốt nhất”.

Hành khách xếp hàng khi lên máy bay của Ryanair (Ảnh: Shutterstock)

Theo các chuyên gia, xu hướng hàng không giá rẻ đang phát triển trên khắp thế giới, do tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, biến ước mơ ‘được đi máy bay’ trở thành hiện thực đối với nhiều cộng đồng dân cư.

Thống kê cho thấy, các hãng hàng không giá rẻ hiện chiếm gần 1/3 tổng công suất vận chuyển hành khách của hàng không toàn cầu. Ông Scott Keyes thông tin: “Trong vòng 25 năm qua, hầu như mỗi năm, các hãng hàng không giá rẻ như Southwest, Spirit hay Frontier đều giành được khoảng 1% thị phần hàng không”

Còn hãng hàng không giá rẻ châu Âu Ryanair mới đây cho biết, lợi nhuận có thể đạt kỷ lục trong năm nay, với doanh thu tăng gần 60% so với mức trước đó.

Bà Leslie Josephs, chuyên gia hàng không từ đài CNBC, Mỹ cho biết: “Đây là một mô hình đã và đang được nhân rộng trên toàn cầu, không chỉ ở Mỹ, châu Âu mà còn đang nổi lên ở châu Á. Họ đang thực sự thúc đẩy một thị trường cho những cộng đồng dân cư chưa từng được đi máy bay”

Theo tờ Airline Geeks, sự khác biệt lớn nhất giữa các hãng hàng không giá rẻ và truyền thống là mô hình hoạt động mà họ lựa chọn.

Các hãng hàng không truyền thống thường có xu hướng sử dụng mô hình ‘kết nối trung tâm’ cho các chuyến bay đến và đi. Tuy nhiên, nhược điểm của mô hình này là các chuyến bay đi phải chờ chuyến bay đến để có thời gian kết nối hợp lý. Từ đó, gây tốn kém vì máy bay nằm yên trong một khoảng thời gian và không tạo ra lợi nhuận.

Để khắc phục, các hãng hàng không giá rẻ sử dụng mô hình kết nối trực tiếp ‘điểm đến điểm’, để cố gắng duy trì đội bay của mình ở trên không càng nhiều càng tốt. Bà Leslie Josephs chia sẻ: “Hệ số vận chuyển cũng là một yếu tố quan trọng. Những chuyến bay giá rẻ luôn cố gắng lấp đầy càng nhiều người càng tốt. Đây là những chiếc máy bay không có khoang hạng nhất, mà thường là đồng hạng ghế trên toàn bộ cabin”.

Để tối ưu chi phí đầu tư, các hãng hàng không giá rẻ cũng thường mua máy bay với số lượng lớn, ở thời điểm khủng hoảng kinh tế, nhằm đạt thỏa thuận giảm giá tốt nhất với nhà sản xuất.

Ngoài ra, họ hầu như chỉ mua một loại máy bay để giảm chi phí đào đạo cho đội ngũ phi công, cũng như bảo trì máy bay. Ví dụ, Ryanair hay Southwest chỉ khai thác duy nhất dòng máy bay Boeing 737.

Xu hướng hàng không giá rẻ đang phát triển trên khắp thế giới - Ảnh Fortune.com

Ông Scott Keyes, nhà sáng lập Công ty cung cấp dịch vụ bay giá rẻ Going nhận định: “Chi phí lớn nhất của các hãng hàng không đến nay vẫn là nhiên liệu và nhân công. Khảo sát cho thấy, phi công của một số hãng hàng không giá rẻ như Spirit hay Frontier thường được trả lương thấp hơn khá nhiều so với các hãng hàng không đầy đủ dịch vụ”.

Theo các chuyên gia, dịch vụ trên chuyến bay cũng là cách các hãng hàng không có thể kiếm được một khoản lợi nhuận lớn. Trên các máy bay giá rẻ, không có gì là ễn phí, kể cả đồ ăn, điều này cho phép hãng hàng không kiếm tiền mà không cần tăng giá vé của hành khách.

Theo đó, cách các hãng hàng không giá rẻ giảm chi phí, là hạn chế tiện nghi của hành khách ở mức tối thiểu, như không có wifi hoặc thiết bị giải trí trên ghế ngồi. Họ có xu hướng lôi kéo khách du lịch bằng giá vé cơ bản thấp, sau đó tính phí cho các dịch vụ bổ sung như chọn chỗ ngồi, đồ ăn, và tính phí ký gửi hành lý với giá cao. Đây là phương pháp được giới kinh doanh gọi là ‘tách nhóm’ hành khách đi máy bay.

Ông Scott Keyes cho biết thêm: “Khi bạn mua vé máy bay với giá 100 USD, trong đó có thể đã bao gồm phí kiểm tra hành ký, lựa chọn chỗ ngồi và một số dịch vụ khác. Nhưng nếu giá vé là 50 USD bạn sẽ phải trả phí cho mọi thứ kể cả đồ uống. Theo tôi, hầu như mọi hãng hàng không mới thành lập đều theo mô hình hàng không giá rẻ, họ cố gắng nhắm tới đối tượng khách hàng là những người muốn tiết kiệm vì hiện nay đó là xu hướng chung trong ngành này”

Tại Việt Nam, thị trường hàng không đang chứng kiến cuộc đua giành thị phần giữa các hãng bay. Theo các chuyên gia, lợi thế cạnh tranh sẽ nghiêng về bên nào quản lý chi phí hiệu quả, để đưa ra mức giá vé hợp lý và dịch vụ tốt nhất.

Có thể thấy, sự phát triển của mô hình hàng không giá rẻ đóng một vai trò quan trọng trong quá trình mở rộng thị thường, khiến cho chi phí du lịch hàng không ngày càng hợp túi tiền hơn với người tiêu dùng. Điều này, giúp hàng không giá rẻ liên tục tăng trưởng nhanh hơn mức trung bình toàn ngành và thị phần theo đó được gia tăng tại cả thị trường đã phát triển và mới nổi.

Được biết, Theo Seasia Stats, hãng hàng không Vietjet Air của Việt Nam hiện đứng thứ 8 trong top 20 hãng hàng không giá rẻ an toàn nhất thế giới vào năm 2024.