Bức tranh kinh tế 5 tháng đầu năm có nhiều điểm sáng

Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng qua của nước ta vẫn duy trì xu hướng tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo.

Những điểm sáng nào có thể tạo tiền đề cho tăng trưởng những tháng còn lại? 

Theo số liệu thống kê, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 5 ước đạt 66,62 tỉ USD, tăng 9,1% so với tháng trước và tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 305,53 tỉ USD, xuất siêu hơn 8 tỉ USD. Chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong phân tích:

"Một điểm tích cực là có sự khởi sắc trong các đơn hàng của các ngành công nghiệp như dệt may, da giầy và các ngành công nghiệp mà năm ngoái gặp nhiều khó khăn về thị trường thì năm nay đã có nhiều khởi sắc. Điểm tích cực nữa là đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực du lịch và thu hút đầu tư nước ngoài, tạo ra nguồn lực bổ sung rất tốt cho phát triển kinh tế".

Ảnh nh họa: VOV1

Trong bối cảnh nhiều khó khăn, điểm sáng rất đáng ghi nhận là khu vực nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh lương thực quốc gia. Trong kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, đại biểu Nguyễn Thị Lan, đoàn Thành phố Hà Nội nêu ý kiến: 

"Trong thời gian qua thực hiện cuộc cách mạng xanh toàn cầu, nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có nhiều nước là thị trường xuất khẩu nông sản của Việt nam đã xây dựng các hàng rào kỹ thuật giảm phát thải khí nhà kính và thuế carbon, đây là thách thức lớn đặc biệt với daonh nghiệp xuất khẩu Việt nam.

Nếu chúng ta không có kế hoạch và các hành động cụ thể sản xuất nông sản gắn với giảm phát thải khí nhà kính thì nông sản Việt Nam sẽ bị tăng thêm thuế của các nước, làm tăng giá xuất khẩu và giảm lợi thế cạnh tranh".

Số liệu đáng chú ý là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 0,05% so với tháng trước. So với tháng 12-2023, CPI tháng 5 tăng 1,24% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,44%. Bình quân 5 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 4,03% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,78%. 

Để đạt được mục tiêu kinh tế những tháng còn lại của năm, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy, đoàn Bình Định đề nghị Chính phủ tiếp tục có các gói hỗ trợ kích cầu, phát triển thị trường trong nước, tăng sức mua, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, đặc biệt kiểm soát giá vàng:

"Trong những tháng đầu năm, giá cả một số mặt hàng dịch vụ tăng cao, nhất là giá vàng, tỷ giá USD, giá dịch vụ hàng không dẫn đến những tác động tiêu cực. Vàng, USD trở thành ưu tiên lựa chọn dự trữ của nhiều hộ gia đình, cá nhân. Nếu chúng ta không có giải pháp tốt, không sớm kiềm chế sẽ dẫn đến hiện tượng vàng hóa, USD hóa trong các giao dịch mua, bán trong xã hội".

Ảnh nh họa: Báo Đầu tư

Cùng với xuất khẩu tích cực, tiêu dùng phục hồi thì phải kể đến một động lực tăng trưởng tích cực khác trong 5 tháng qua đó là thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã thu hút hơn 11 tỷ USD, trong đó vốn đăng ký mới tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Một điểm quan trọng nữa, đó là số vốn đầu tư thực hiện đạt mức cao nhất trong 5 năm qua.

Mặc dù lạm phát vẫn đang trong tầm kiểm soát, nhưng theo dự báo, áp lực lạm phát sẽ gia tăng trong những tháng còn lại của năm, nhất là khi lương mới được điều chỉnh từ tháng 7 sắp tới. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thường Lạng, Giảng viên Trường Đại học kinh tế quốc dân nhận định:

"Tôi cho rằng cần tiếp tục kích cầu để tăng tổng cầu, làm chỗ dựa cho các trụ cột kinh tế tăng trưởng lâu dài. Người dân đang đợi để tăng lương. Việc làm cũng cần tạo thêm nhiều hơn nữa. Điểm thứ hai là năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, thực chất xuất khẩu vẫn chủ yếu là từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài nên nhìn kỹ ra thì cần phải tăng sức cạnh tranh thực chất của hàng hóa Việt Nam".

Ảnh nh họa: VTV

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6-6,5% đã đề ra trong năm nay thì việc tạo điều kiện để các doanh nghiệp ổn định, đầu tư phát triển là yếu tố hết sức quan trọng, trong đó có việc tạo dựng niềm tin cho doanh nghiệp trong thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Đại biểu Quốc hội Hoàng Quốc Khánh, đoàn Lai Châu nhấn mạnh:

"Khẩn trương đưa chính sách mới ban hành vào cuộc sống, giúp doanh nghiệp vượt khó và phát triển, nhất là các dự án luật điều chỉnh, tác động trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh. Tôi đồng tình cao với việc Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp này xem xét quyết định cho phép Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực sớm hơn để tổ chức thực hiện, góp phần giải quyết căn bản nút thắt về thể chế".

Dù đã có nhiều chuyển biến tích cực song không thể phủ nhận vẫn có một số kết quả chưa được như kỳ vọng.

Và trước tình hình thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro gây ảnh hưởng đến hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của cả năm nay, trong các chỉ đạo gần đây, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu: Chủ động theo dõi sát tình hình, phân tích, dự báo, có phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp, hiệu quả, từ sớm, từ xa, ngay từ nơi xuất phát để tiếp tục điều hành hài hòa, đồng bộ, hiệu quả các chính sách kinh tế vĩ mô./.