Bỏ quy định ghi âm, ghi hình CSGT: Không nên ngạc nhiên, miễn sao minh bạch và khách quan

Thông tư 46 của Bộ Công an sẽ có hiệu lực từ ngày 15/11 tới đây. Thông tư này bãi bỏ quy định cho phép người dân giám sát quá trình làm việc của lực lượng cảnh sát giao thông bằng hình thức ghi âm, ghi hình.

Để hiểu rõ hơn về những quy định của Thông tư này, PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với Luật sư Hà Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM.

Chuyên đề xử lý vi phạm nồng độ cồn của Đội CSGT Chợ Lớn thuộc Phòng CSGT Công an TP.HCM

PV: Thông tư 46 của Bộ Công an sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 15/11 tới đây. Luật sư có thể cho biết một số điều đã được sửa đổi, bổ sung mà người dân chúng ta cần lưu ý?

Luật sư Hà Hải: Thông tư 46 có hai nội dung sửa đổi mà người dân cần đặc biệt lưu ý, nhất là những người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Nội dung thứ nhất là việc ghi âm, ghi hình. Theo nội dung của Thông tư, nghiêm cấm việc người dân ghi âm, ghi hình quá trình làm việc của lực lượng cảnh sát giao thông.

Nội dung thứ hai là Thông tư cũng bãi bỏ các quy định yêu cầu lực lượng cảnh sát giao thông khi lập chốt kiểm tra phải có kế hoạch như trước đây theo Thông tư cũ.

Về hai nội dung này, chúng tôi nhận thấy rằng có một số vấn đề người dân cần hiểu rõ. Thứ nhất, trước đây khi lực lượng cảnh sát giao thông lập chốt kiểm tra, chúng ta thường yêu cầu họ cung cấp chuyên đề, tài liệu liên quan. Để giảm bớt các thủ tục hành chính phiền hà. 

Cơ quan Công an, cụ thể là cơ quan cảnh sát giao thông, có quyền bãi bỏ những thủ tục đó, và người dân không nên ngạc nhiên vì đây là quy định nội bộ trong ngành. Miễn sao lực lượng CSGT làm việc công khai, nh bạch, khách quan và đúng chức năng, nhiệm vụ thì chúng ta nên ủng hộ.

PV: Việc ghi âm, ghi hình giám sát quá trình làm việc của lực lượng CSGT người dân chúng ta cần phải hiểu như thế nào để thực hiện đúng quy định của pháp luật?

Luật sư Hà Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM.

Luật sư Hà Hải: Theo nội dung Thông tư mới, có quy định cấm việc ghi âm, ghi hình. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng vấn đề cấm ghi âm, ghi hình này cần được hiểu đúng theo quy định của pháp luật. Tức là người dân, theo luật, đương nhiên có quyền tự do, quyền nhân thân và quyền giám sát hoạt động của cơ quan chức năng, bao gồm cả việc giám sát hoạt động của lực lượng Cảnh sát giao thông khi họ thực thi nhiệm vụ.

Tuy nhiên, việc cấm ghi âm, ghi hình phải được hiểu là: nếu một người không có liên quan gì - ví dụ như một người xe ôm hoặc một YouTuber thấy cảnh sát giao thông đang chặn xe thực hiện nhiệm vụ, mà lại nhảy vào ghi âm, ghi hình rồi bình luận đưa lên mạng xã hội, Facebook, YouTube.

Trong khi họ không có quyền lợi, lợi ích hợp pháp liên quan và cũng không phải là nhà báo, phóng viên tác nghiệp theo luật báo chí - thì rõ ràng hành vi đó là không đúng, mà còn xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.

Còn nếu là một đương sự, một người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan - có nghĩa là họ trực tiếp bị chặn xe lại trong quá trình tham gia giao thông mà không có vi phạm gì - thì đương nhiên họ có quyền ghi âm, ghi hình, bởi vì việc này ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Tuy nhiên, việc ghi âm, ghi hình phải được thực hiện đúng trình tự; họ nên thông báo cho CSGT rằng mình đang ghi âm, ghi hình để giữ lại làm chứng cứ, có thể cung cấp cho luật sư để khiếu nại, khởi kiện nếu có cá nhân nào thực hiện sai nhiệm vụ chức năng. Hoặc họ có thể thực hiện hành vi khiếu nại gửi đến các cơ quan phụ trách lực lượng CSGT đó.

Đây là trường hợp họ có quyền, tức là ghi âm, ghi hình với điều kiện là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến vụ việc này.

Phóng viên các cơ quan báo chí tác nghiệp thông qua hình thức ghi âm, ghi hình hoạt động của lực lượng CSGT Trạm Đa Phước thực hiện chuyên đề xử lý người điều khiển phương tiện vi phạm

PV: Như vậy, sau khi thực hiện ghi âm, ghi hình giám sát quá trình làm việc của lực lượng CSGT, chúng ta phải sử dụng các bằng chứng ghi âm, ghi hình này như thế nào để không vi phạm quy định của pháp luật?

Luật sư Hà Hải: Việc anh sử dụng ghi âm, ghi hình như thế nào cho phù hợp với quy định của pháp luật có nghĩa là không phải anh sử dụng nó để phát tán lên không gian mạng khi chưa biết đâu là đúng, đâu là sai. Nhiều người lợi dụng băng ghi âm, ghi hình đó để bình luận, xuyên tạc, xúc phạm danh dự, uy tín của tổ chức, cá nhân, điều này là không được phép.

Nếu anh sử dụng băng ghi âm, ghi hình đó như một tư liệu, một chứng cứ để thực hiện quyền công dân của mình, như khiếu nại, thì anh phải gửi đúng nơi, đúng chỗ. Ví dụ, nếu anh khởi kiện thì cần cung cấp tài liệu, chứng cứ cho tòa án; nếu khiếu nại, thì phải gửi đến cơ quan có thẩm quyền phụ trách đội CSGT đó, chứ không phải phát tán trên không gian mạng.

Như vậy, để tránh việc ghi âm, ghi hình tràn lan và lợi dụng quyền tự do, dân chủ của mình gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động bình thường của tổ chức, cụ thể ở đây là lực lượng cảnh sát giao thông, thì quy định nghiêm cấm việc ghi âm, ghi hình theo chúng tôi là phải được hiểu như thế.

PV: Xin cảm ơn Luật sư đã dành thời gian cho VOV Giao thông cuộc trao đổi này.