Bộ luật Hàng hải có hiệu lực từ 1/7 có gì mới?

VOVGT – Bộ luật Hàng Hải Việt Nam mới sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2017 với đầy đủ các quy định điều chỉnh mọi hoạt động trong lĩnh vực hàng hải.

Bộ luật Hàng hải Việt Nam sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/7/2017

Bộ Luật Hàng hải Việt Nam 2015 gồm 20 Chương, 341 Điều, tăng 2 chương, 80 điều so với Bộ Luật Hàng hải Việt Nam 2005. Bộ luật được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung toàn diện để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thúc đẩy kinh tế hàng hải phát triển trong giai đoạn mới của kinh tế đất nước.

Cụ thể, các chính sách phát triển hàng hải đã được Bộ luật bổ sung, quy định đầy đủ, chi tiết hơn trong các lĩnh vực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cảng biển, phát triển đội tàu biển, đội ngũ thuyền viên đáp ứng yêu cầu trong nước và quốc tế; tăng cường hợp tác, hội nhập quốc tế, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại trong lĩnh vực hàng hải nhằm định hướng, làm căn cứ cho Chính phủ ban hành các chính sách cụ thể theo từng giai đoạn phù hợp với thực tế phát triển góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 mà Đảng, Nhà nước đã đề ra.

Điểm mới trong Bộ luật này là việc bổ sung một chương mới quy định về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và bảo vệ môi trường với các quy định chi tiết về an toàn, an ninh hàng hải; tìm kiếm cứu nạn trên biển; quy định về phạm vi bảo vệ và giải quyết sự cố trong bảo vệ công trình hàng hải; bảo vệ môi trường trong hoạt động hàng hải, phá dỡ tàu biển. Trong đó, tại khoản 2 Điều 105 quy định: Tàu quân sự khi hoạt động trong vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam phải tuân theo chỉ dẫn của các báo hiệu hàng hải và chấp hành quy tắc phòng ngừa đâm va theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Do tầm quan trọng của an ninh biển, Bộ luật cũng đã bổ sung chương mới về Bắt giữ tàu biển với các quy định chi tiết về thẩm quyền, trách nhiệm, điều kiện, thời hạn, các biện pháp bảo đảm tài chính, tài liệu liên quan trong việc bắt giữ tàu biển và thả tàu biển bị bắt giữ để bảo đảm giải quyết các khiếu nại hàng hải.

Đáng chú ý, các trường hợp tạm giữ tàu biển được rút gọn chỉ còn 3 trường hợp gồm: Đang trong quá trình điều tra tai nạn hàng hải mà việc tạm giữ là cần thiết để phục vụ công tác điều tra; Chưa nộp đủ tiền phạt vi phạm hành chính; Có hành vi vi phạm pháp luật (quy định cũ cho phép tạm giữ, tàu biểu trong trường hợp không có đủ các điều kiện về an toàn, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường; hoặc chưa thanh toán xong các khoản phí, lệ phí hàng hải).

Thời hạn bắt giữ tàu biển để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải tối đa là 30 ngày.

Cùng với đó, các quy định về đăng ký, mua bán tàu biển được quy định rõ ràng, chi tiết trong Bộ luật nhằm bảo đảm công khai, nh bạch, hạn chế thấp nhất tổn thất và tránh gây khó khăn cho chủ tàu. Ngoài ra, Bộ luật còn bãi bỏ thủ tục hành chính chấp thuận đặt tên tàu biển, đặt tên cảng biển, cảng dầu khí ngoài khơi, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước, khi đặt tên chỉ cần tuân theo nguyên tắc quy định tại Bộ luật.

Bộ luật cũng đã sửa đổi, bổ sung các quy định về lai dắt tàu biển, hoa tiêu hàng hải, phá dỡ tàu biển, trục vớt tài sản chìm đắm, xử lý tài sản chìm đắm gây nguy hiểm theo hướng rõ ràng, cụ thể, chi tiết và phù hợp với điều ước, thông lệ quốc tế.

Cùng với những quy định về tàu biển, các quy định về thuyền viên cũng được bổ sung, cập nhật theo đúng các quy định của Công ước quốc tế về lao động hàng hải của Tổ chức Lao động quốc tế, bao gồm các quy định về quyền, nghĩa vụ của thuyền viên, điều kiện lao động, tiêu chuẩn, chế độ của thuyền viên khi làm việc trên tàu, thời gian làm việc và thời gian nghỉ ngơi của thuyền viên; trách nhiệm của chủ tàu đối với thuyền viên khi có tai nạn, sự cố. Đặc biệt là trách nhiệm đối với việc hồi hương thuyền viên, bảo đảm khắc phục tối đa tình trạng chủ tàu bỏ mặc thuyền viên khi tàu hoạt động ở nước ngoài như đã từng xảy ra trước đây.

Trong đó, đáng chú ý là Bộ luật đã loại bỏ quy định thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến quốc tế phải có hộ chiếu thuyền viên để xuất cảnh hoặc nhập cảnh, thay vào đó, thuyền viên chỉ cần có hộ chiếu phổ thông nhằm giảm thiểu số lượng giấy tờ của thuyền viên khi hoạt động trên tuyến quốc tế.