Biển quảng cáo nhà cao tầng

Những tấm biển quảng cáo trên toà nhà đã trở thành hình ảnh quen thuộc đến mức chúng ta cảm thấy chúng như một phần không thể thiếu của không gian đô thị. Nhưng, vấn đề an toàn, thẩm mỹ, và sở hữu của những tấm biển này thế nào?

Hẳn có lúc nào đó, khi đi trên đường phố, bạn nhìn lên trên các tòa cao ốc và bạn có thể cũng nhận ra giống như tôi, ở trên đó đều có những tấm biển ghi tên tòa nhà hay biển quảng cáo rất lớn.

Có nhiều tòa nhà hàng chục tầng, có gắn những biển quảng cáo, hoặc những dòng chữ có thể cao tới cả chục mét.

Có một lần, tôi từng xem những biển quảng cáo như vậy, những dòng chữ như vậy được gắn lên đó theo tiêu chuẩn nào về mặt kỹ thuật? Tôi đã rất hoảng hốt khi phát hiện ra có hai điều rất đáng ngại.

Các bảng quảng cáo ở vòng xoay Nguyễn Văn Cừ, TP HCM. Ảnh nh họa: NLĐ

Thứ nhất, biển quảng cáo được gắn trên các tòa nhà chỉ được thực hiện sau khi đã xin phép cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo, văn hóa.

Thứ hai, các biển quảng cáo hầu hết đều không bao giờ nằm trong thiết kế ban đầu của tòa nhà. Tức là về mặt kỹ thuật, khi được phê duyệt thì không hề nằm trong kết cấu của tòa nhà, kể cả kết cấu chịu lực hay thiết kế về mặt mỹ thuật.

Vì vậy, có một số e ngại như sau. Thứ nhất, đương nhiên là chuyện an toàn. Chúng ta biết là ở độ cao hàng chục mét, các tòa nhà cao tầng sẽ phải chịu đựng điều kiện khắc nghiệt hơn, với gió lớn hơn và trong những điều kiện thiên tai như ở Việt Nam, như trong trận dông, bão thì đương nhiên tác động của thiên nhiên đến các biển quảng cáo sẽ lớn hơn rất nhiều so với những biển quảng cáo có kích thước tương tự, ở độ cao thấp hơn.

Và chúng ta cũng đã từng chứng kiến những biển quảng cáo tấm lớn đổ sập xuống sau những cơn dông sẽ nguy hiểm như thế nào

Thứ hai, những tấm biển quảng cáo đa phần đều được chiếu sáng bằng hệ thống đèn ở bên trong. Như vậy, nó cũng tiềm ẩn nguy cơ về cháy nổ, chập điện.

Hàng ngày, chúng ta đi trong thành phố của mình và chúng ta đang đi qua những mối nguy lơ lửng trên cao và hầu như không có ai kiểm soát nó cả.

Ảnh nh họa

Các biển quảng cáo lẽ ra là cần và trước hết phải được phê duyệt về mặt kết cấu, an toàn của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng. Những biển quảng cáo lớn đó, có trọng lượng lên đến hàng tấn. Và đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực của chính tòa nhà đó, chứ không chỉ của các biển quảng cáo.

Về mặt thẩm mỹ, tôi nghĩ sẽ có người đồng ý với tôi rằng, chúng ta đã có quá nhiều chữ trên các tòa nhà, có quá nhiều chữ ở không gian của các đô thị. Vì vậy, cũng cần phải được xem xét về mặt thẩm mỹ khi phê duyệt, hay khi cấp giấy phép để xây dựng những công trình như vậy.

Một câu chuyện khác, ví dụ một công ty phát triển BĐS họ xây một tòa nhà và họ bán nó cho các cư dân, nhưng họ vẫn tiếp tục giữ quyền gắn những biển quảng cáo, gắn tên của công, hay các nội dung có tính chất thương mại khác trên các tòa nhà như vậy, có còn hợp lý không?

Còn tòa nhà đó, đương nhiên đã thuộc về những chủ khác, đó là những cư dân.

Có rất nhiều thứ như vậy xung quanh một tòa nhà và tôi nghĩ, các cơ quan chức năng và chính quyền của chúng ta đã đến lúc nên tìm kiếm các giải pháp, để có thể quản lý một cách hiệu quả, cả về mặt mỹ thuật lẫn về mặt an toàn của những biển quảng cáo trên các tòa nhà cao tầng trong đô thị./.