Biến biệt thự 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài thành Trung tâm giao lưu văn hóa phố Pháp của Hà Nội

Những người yêu di sản khi đến biệt thự 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài sẽ được tìm hiểu về quá trình hình thành khu phố Pháp, những ảnh hưởng và giao thoa văn hóa Pháp - Việt không chỉ về mặt kiến trúc, đô thị mà trong cả lối sống trong suốt giai đoạn nửa đầu thế kỷ 20.

Sáng nay (27/4), UBND Q. Hoàn Kiếm đã tổ chức Lễ khởi công dự án bảo tồn, sửa chữa, chống xuông cấp biệt thự 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài. Căn biệt thự có kiến trúc theo kiểu Pháp đã bị bỏ hoang nhiều năm nay và đang xuống cấp nghiêm trọng
Chính quyền hiện đang phải dựng cột sắt và mái tôn để tạm thời che chắn chờ trùng tu, sửa chữa
Tuy vậy, đây mới chỉ là một trong những biệt thự hiếm hoi được đưa vào diện bảo tồn. Trong khi đó, hàng loạt biệt thự đã và đang dần bị biến dạng nhưng vẫn “bất động” nhiều năm
Thời gian qua, thực hiện nhiệm vụ do TP. Hà Nội giao, Q. Hoàn Kiếm đã tập trung GPMB, di dời các hộ dân trong khuôn viên biệt thự 49 Trần Hưng Đạo – 46 Hàng Bài. Nơi đây, diện tích đất khoảng gần 1.000m, còn diện tích xây dựng của tòa biệt thự là 400m, đủ cơ sở để tạo ra một tiết chế văn hóa sau khi bảo tồn, trùng tu
Được biết, nội đô lịch sử Thủ đô Hà Nội với trên 1.200 công trình biệt thự và gần 50 công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954, rất đặc sắc và phong phú của Thủ đô. Đây là những di sản đô thị hết sức quý giá cần phải được giữ gìn và phát huy.
Tại buổi lễ khởi công Bảo tồn, sửa chữa, chống xuống cấp nhà Biệt thự 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài (Q. Hoàn Kiếm), ông Dương Đức Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết: "Sau khi bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị thành công căn biệt thự 49 Trần Hưng Đạo thì nơi đây sẽ trở thành trung tâm văn hóa của khu phố cũ của Thủ đô Hà Nội. UBND TP. Hà Nội nghiên cứu, thiết lập đề án để phát huy giá trị của biệt thự 49 Trần Hưng Đạo – 46 Hàng Bài thành trung tâm giao lưu văn hóa của khu phố cũ, kết hợp với các trung tâm giao lưu văn hóa khu vực phố cổ, hồ Gươm… tạo ra một hệ thống trong khu vực nội đô lịch sử"
Gửi lời chúc mừng tại lễ khởi công, ông Nicolas Warnary - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Pháp tại Việt Nam nhấn mạnh: “Nước Pháp luôn luôn ủng hộ một cách hết mình đối với những nỗ lực về bảo tồn và phát huy giá trị di sản đô thị tại Việt Nam. Những yếu tố di sản này thực sự là nguồn tài sản vô giá không chỉ của TP. Hà Nội mà cả của đất nước Việt Nam”
Nhằm tiếp nối thành công này, lãnh đạo TP. Hà Nội đã đề nghị chính quyền vùng Ile-de-France (Cộng Hòa Pháp) giúp đỡ thực hiện một dự án trùng tu một biệt thự cổ thời Pháp theo đúng nguyên tắc và phương pháp đang được áp dụng tại Pháp để làm dự án trùng tu kiểu mẫu cho các dự án khac tương tự đối với các công trình thời Pháp trên địa bàn Thủ đô. Chủ trương này đã được lãnh đạo hai địa phương thống nhất đưa vào nội dung các Thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2010-2015 và 2022-2025.
Dự kiến sau khi hoàn thành công việc bảo tồn, sửa chữa và chống xuống cấp, biệt thự này sẽ được đưa vào khai thác với chức năng là Trung tâm giao lưu văn hóa phố Pháp của Hà Nội.
Định hướng khai thác công trình như một thiết chế văn hóa phục vụ cộng đồng là nh chứng rõ nét cho một chiến lược đồng bộ bao gồm cả hai khía cạnh bảo tồn và phát huy giá trị đối với một yếu tổ di sản đô thị.
Đánh giá về công trình kiến trúc biệt thự 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài, ông Dương Trung Quốc – Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết: "Thật ra ngôi nhà này không phải xuất sắc lắm về mặt kiến trúc, nhưng có lẽ có một phần rất quan trọng là những vật liệu ở đây sử dụng gần như tận dụng những vật liệu tại chỗ. Thậm chí có người nói rằng là gỡ của những công trình cũ của Hà Nội xưa, nó cho thấy một cái lớp lan về thời gian. Điều quan trọng hơn nữa là với một cái vị trí rất trung tâm như này, nó sẽ là nơi thu hút mọi người đến và dự kiến của Q. Hoàn Kiếm cũng như của Thành phố là biến nơi đây thành nơi quảng bá, nơi tổ chức nghiên cứu, giá trị về kiến thức của thời thuộc đại"
Những người yêu di sản khi đến đây sẽ được tìm hiểu về quá trình hình thành khu phố Pháp, những ảnh hưởng và giao thoa văn hóa Pháp - Việt không chỉ về mặt kiến trúc, đô thị mà trong cả lối sống trong suốt giai đoạn nửa đầu thế kỷ 20
Bên cạnh đó, đây cũng sẽ là nơi giới thiệu các nguyên tắc cơ bản cần lưu ý khi tiến hành một dự án trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị đối với một công trình kiến trúc Pháp cổ.
Thông qua dự án này, TP mong muốn chia sẻ về phương thức thực hiện trùng tu biệt thự, từ hình dáng, vật liệu đến cảnh quan nhưng phù hợp chức năng sử dụng mới, với cuộc sống hiện đại; bảo tồn, trùng tu di sản không chỉ dưới góc độ kỹ thuật mà còn được nhìn nhận dưới góc độ văn hóa, kinh tế. Đồng thời, cộng đồng cũng sẽ nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng, lợi ích của việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc của những ngôi biệt thự Pháp.