Bên trong bệnh viện điều trị F0 thể nặng: Đa số bệnh nhân nguy kịch chưa được tiêm vaccine

Bên trong Bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 (Hoàng Mai, Hà Nội), các y bác sĩ đang ngày đêm hối hả để giành giật sự sống cho người bệnh....

 

Clip: Bên trong Bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 (Hoàng Mai, Hà Nội). 
Theo PGS, TS, bác sĩ Hoàng Bùi Hải - Phó Giám đốc Bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19: 'Chúng tôi đã có phương án, nếu nhiều bệnh nhân hơn sẽ phải chuyển sang giai đoạn 3 là 500 giường. Khi đó nguồn nhân lực y bác sĩ từ Đại học Y Hà Nội, các cán bộ y tế của Hà Nội và một số tỉnh ền Bắc sẽ đến hỗ trợ'.

Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (Hoàng Mai, Hà Nội), mỗi ngày tiếp nhận 20-30 F0 từ thể nặng đến nguy kịch. Hiện bệnh viện đang điều trị cho hơn 200 F0.
Theo PGS, TS, bác sĩ Hoàng Bùi Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19: "Đây là giai đoạn 2 của bệnh viện, công suất tối đa có thể lên 500-700 giường bệnh. Trong giai đoạn 2, chúng tôi chỉ để khoảng 200 giường bệnh để đảm bảo chất lượng nhân lực, trang thiết bị phù hợp".
Đa số bệnh nhân nguy kịch là người chưa được tiêm vaccine. Trong đó, có một số bệnh nhân mới tiêm được 1 mũi.
F0 nguy kịch chủ yếu là người cao tuổi, có trường hợp lên đến gần 100 tuổi, đối tượng có nhiều bệnh nền.
Nếu so sánh ở khu vực phía Nam thời điểm chưa có vaccine, lứa tuổi mắc Covid-19 rất đa dạng. Còn hiện nay chủ yếu người dân đã được tiêm vaccine Covid-19 nên các trường hợp F0 phải vào viện thường là người cao tuổi. Các ca F0 này nếu đến giai đoạn phải thở máy thì tỷ lệ tử vong có thể lên đến 40-50%.
“Chúng tôi đã có phương án, nếu nhiều bệnh nhân hơn sẽ phải chuyển sang giai đoạn 3 là 500 giường. Khi đó nguồn nhân lực y bác sĩ từ Đại học Y Hà Nội, các cán bộ y tế của Hà Nội và một số tỉnh ền Bắc sẽ đến hỗ trợ.”, bác sĩ Hoàng Bùi Hải chia sẻ.
Theo kế hoạch sẽ có 1500 nhân viên y tế. Gần Tết, nếu số người bệnh tăng lên, bệnh nhân thể nặng tăng nhiều hơn thì đòi hỏi số người phục vụ các bệnh nhân cũng phải nhiều hơn so với bệnh nhân nhẹ.
Các bác sĩ luôn phải theo dõi sát sao tình hình sức khỏe các bệnh nhân.
Các thiết bị cập nhật liên tục tình hình sức khỏe của các ca F0 thể nặng vì mạng sống của họ phụ thuộc vào hệ thống máy móc và các y bác sĩ.
Các y bác sĩ luôn phải mặc đồ bảo hộ, đảm bảo an toàn khi chăm sóc người bệnh.
Nhiều khi chỉ có thể ra hiệu cho đồng nghiệp bằng tay…
Liên lạc ra bên ngoài bằng chữ viết…
… hoặc bộ đàm.
Những dòng chữ viết vội được gửi tới đồng nghiệp.
Trong muôn vàn gian nan của đại dịch, nơi mà sự sống và cái chết đang hết sức mong manh, các bác sĩ luôn dành cho bệnh nhân những tình cảm đặc biệt nhất…