Bánh trung thu “xẻ thịt” vỉa hè

Đã thành thông lệ, cứ vào dịp gần ngày rằm tháng 8 âm lịch là thị trường bánh Trung thu lại trở nên nhộn nhịp, sôi động. Cùng với đó, các điểm bán bánh Trung thu lại có cơ hội mọc lên tại các vỉa hè trên nhiều tuyến phố của thủ đô.

Tiện lợi cho người mua chưa thấy, mà chỉ thấy người đi tham gia giao thông phải khổ sở khi đi qua đoạn đường này, còn vỉa hè cũng bị các gian hàng chiếm dụng, người đi bộ cũng chẳng có đường để mà đi…

18h, khi dòng người trở về nhà sau 1 ngày làm việc, vì là trục đường chính nên phố Đào Tấn (Ba Đình, Hà Nội) luôn đông đúc xe cộ, nhất là vào các khung giờ cao điểm.

Những ngày gần đây, việc di chuyển trên tuyến phố này như khó khăn hơn gấp nhiều lần bởi chỉ cần đi 1 đoạn ngắn lại bắt gặp cảnh nhiều người dân đỗ xe dưới lòng đường. Hỏi ra mới biết, tuyến phố này được nhiều hãng bánh Trung thu “ưu ái” để đặt các điểm bán hàng trên vỉa hè.

Những quầy hàng bán bánh trung thu trên vỉa hè phần nào gây cản trở đến tham gia giao thông của người dân

Đi đến đây, người nào hiếu kỳ thì đi chầm chậm để ngoái đầu nhìn, nhòm nhòm, ngó ngó các loại bánh Trung thu. Còn người nào không vội, có nhu cầu mua bánh thì dừng lại khoảng mươi, mười năm phút để lựa chọn cho gia đình những hộp “bánh trung thu đầu mùa”.

Thế nhưng họ đâu biết rằng, chỉ cần 1 cái ngoái đầu nhìn lại hay chỉ bớt chút thời gian dừng xe để mua hàng cũng khiến tình hình giao thông của cả tuyến phố trở khó khăn hơn gấp nhiều lần.

Chị Phạm Thị Yến, trú tại quận Ba Đình chia sẻ: “Mình thấy có rất nhiều tuyến phố cứ đến dịp Trung thu là có quầy bán bánh được dựng tràn lan trên vỉa hè. Giờ bình thường thì không sao nhưng giờ cao điểm thì dễ xảy ra tắc đường. Rất mong các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý để tình trạng lấn chiếm vỉa hè chấm dứt để đảm bảo ATGT”.

Chẳng riêng tại phố Đào Tấn, trên nhiều tuyến đường phố tại thủ đô như: Nghi Tàm, Xuân La, Võ Chí Công (Tây Hồ), Nguyễn Lương Bằng (Đống Đa); Phan Đình Phùng (Ba Đình); đường Trần Phú, phố Cầu An (Hà Đông), hay quanh khu đô thị Linh Đàm… không khó để bắt gặp các điểm bán bánh trung thu trong những ngày này.

Trên các tuyến đường, nhiều gian hàng bán bánh Trung thu đã được dựng lên ở những vị trí đắc địa và án ngữ phần lớn vỉa hè dành cho người đi bộ. Còn tại 1 số khu chung cư, bằng cách nào đó các chủ gian hàng cũng nhanh tay chọn cho mình những khoảng sân, hè và đặt tủ để bày bán các loại bánh khiến cho nhiều cư dân bức xúc.

Anh Nguyễn Minh Đức, người dân KĐT Linh Đàm cho biết: “Tất nhiên ùn tắc giao thông rồi, buổi sáng đi làm gì còn chỗ, phải lách vào các ngõ để đi. Chắc là lúc dựng quầy để bán người ta cũng phải xin phép rồi nhưng chỉ cho thời hạn là bao nhiêu ngày thôi. Ở đoạn đầu phố Trương Định người ta còn bán hàng còn hạn nhưng giá rẻ lắm, còn chất lượng thì làm sao biết được”.

Nếu bỏ qua yếu tố tiện lợi vì bày bán các mặt hàng bánh Trung thu theo thời vụ gần mặt đường sẽ kích cầu tiêu dùng và giảm áp lực cho các cửa hàng lớn cũng như siêu thị. Thế nhưng, đây cũng là nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Vào những ngày này, không khó để bắt gặp những gian hàng bán bánh trung thu thế này trên các đường phố của thủ đô

Cụ thể, vào ngày 13/8 vừa qua, Cục QLTT TP. Hà Nội kiểm tra cửa hàng kinh doanh thực phẩm thuộc hộ kinh doanh cửa hàng bánh kẹo tại số nhà 161 (đường La Phù, thôn Chùa Tổng, xã La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội). Thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện tại cửa hàng đang kinh doanh hàng hóa mặt hàng bánh Trung thu do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật.

Hàng hóa có dấu hiệu vi phạm gồm: 240 bánh nướng, loại 500g/chiếc, nhãn bằng chữ nước ngoài; 72 gói bánh kem xốp, nhãn bằng chữ nước ngoài. Đoàn kiểm tra đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa có dấu hiệu vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, vào ngày 6 và 7/8, đoàn kiểm tra liên ngành Ban Chỉ đạo 389 quận Ba Đình đã kiểm tra liên tiếp 2 cơ sở kinh doanh trên địa bàn quận, phát hiện hàng trăm sản phẩm bánh, kẹo có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu. Trong đó phát hiện gần 600 bánh nướng do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ chứng nh nguồn gốc xuất xứ, không rõ chất lượng.

Trước những lo ngại về chất lượng bánh trung thu được bày bán tràn lan trên đường phố, ông Bùi Văn Trí và anh Đặng Văn Nam trú tại quận Hoàng Mai cho rằng:

“Nếu người ta làm ra mà bày bán như thế này chắc sẽ phải có bánh trà trộn chứ không thể không có được. Bởi vì nếu làm ở cửa hàng bánh, người ta làm ra đến đâu bán đến đầy thì mới là bánh thật. Chứ bày đầy đường thế này làm gì có chuẩn được hết. Kiểu gì cũng phải có trà trộn, làm sao lại không có được”.

“Theo tôi các cơ quan chức năng cần quản lý chặt hơn, quy hoạch các cửa hàng và các khu bày bán đồ trung thu vì dễ các loại hàng hóa, bánh kẹo không đảm bảo, trà trộn vào các cửa hàng đấy”.

Thực tế, không thể phủ nhận sức hút của các loại bánh Trung thu tại các điểm bán hàng trên vỉa hè được rất nhiều người dân quan tâm. Thế nhưng, cũng không ít người dân cùng có chung một thắc mắc khi đặt câu hỏi răng: Các gian hàng tạm bợ trên vỉa hè liệu có bán hàng đảm bảo chất lượng? Ai sẽ là người kiểm định nguồn gốc của những chiếc bánh trung thu này?

Hay việc dựng các gian hàng để bày bán bánh trung thu trên vỉa hè liệu có được cấp phép theo đúng quy định? Câu hỏi này xin được nhường lời lại cho các cơ quan chức năng có liên quan của TP. Hà Nội.