Bác sĩ bỏ bệnh viện công, cơ hội mới của nền y tế

Gần 900 bác sĩ tại các cơ sở y tế công của Hà Nội bỏ việc trong 2 tháng qua, câu chuyện tương tự cũng diễn ra ở nhiều tỉnh thành khác… khiến nhiều người lo lắng về sự đổ vỡ của hệ thống y tế công do thiếu nguồn nhân lực.

Thực ra, không phải bây giờ tình trạng bác sĩ rời bỏ các cơ sở y tế công mới xảy ra. Trước đó hiện tượng này cũng đã xuất hiện rải rác ở nhiều nơi, khi các bệnh viện tư được mở ra ngày càng nhiều và tìm cách thu hút bác sĩ giỏi.

Sau dịch COVID-19, động lực để bỏ việc của nhân viên y tế tại các cơ sở công trở nên rõ ràng hơn, khi mà áp lực công việc cao, thu nhập thấp, và khả năng liên đới các vụ án…

Hiện tượng này, chắc chắn sẽ tạo nên khủng hoảng cho hệ thống y tế trong tương lai gần, khi mà các bệnh viện công, với cơ sở vật chất được đầu tư tốt nhưng lại thiếu nhân lực.

Tuy nhiên, về lâu dài, đây lại là điều tốt để thúc đẩy sự phát triển của y tế tư nhân, khiến chủ trương xã hội hóa y tế trở nên thực chất hơn.

Nhân lực y khoa là đội ngũ nhân lực chất lượng cao, thời gian đào tạo dài, công việc nặng nhọc nhưng cơ chế về lương và thu nhập hiện nay chưa phù hợp (ảnh chụp tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai) - Ảnh: L.ANH/Tuổi trẻ

Y tế là một loại hình dịch vụ thiết yếu, vì thế mà có khả năng hấp dẫn cao đối với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, trước đây, vấn đề lớn nhất của các bệnh viện tư là thiếu nhân lực, đặc biệt là các bác sĩ giỏi. Khi một lượng lớn bác sĩ từ bỏ bệnh viện công, điều đó không có nghĩa là họ sẽ bỏ nghề.

Bác sĩ bỏ bệnh viện công thì vẫn làm bác sĩ, vẫn chữa bệnh cứu người. Họ không làm ở bệnh viện công thì sẽ làm cho bệnh viện tư, hoặc mở phòng khám của riêng mình.

Điều đó có nghĩa là nhu cầu khám chữa bệnh của người dân vẫn được đáp ứng, thậm chí tốt hơn, khi mà các bác sĩ có nhiều động lực, có lợi ích rõ ràng hơn khi làm tốt công việc của mình.

Khi các bác sĩ từ bỏ hệ thống công, đồng nghĩa với dịch vụ y tế tư nhân sẽ phát triển hơn, đa dạng hình thức hơn. Bởi có bác sĩ chọn các bệnh viên tư nhân chất lượng cao để phục vụ, có bác sĩ sẽ tự doanh bằng việc mở phòng khám tại gia, có bác sĩ sẽ chọn việc làm bác sĩ gia đình, bác sĩ riêng…

Hệ thống y tế công đang quá tải sẽ được giảm tải, trong khi hệ thống y tế tư nhân sẽ có nhiều sự cạnh tranh, và người dân sẽ được hưởng lợi.

Một câu hỏi đặt ra là khi hệ thống công suy yếu vì mất nhân lực thì người nghèo sẽ khổ vì không đủ điều kiện kinh tế để được khám chữa bệnh tại bệnh viện tư, trong khi bệnh viện công thiếu bác sĩ giỏi?

Điều đó không đúng. Bởi khi bệnh viện tư có sức cạnh tranh cao, thì các bệnh viện công bớt quá tải, người nghèo sử dụng dịch vụ y tế công sẽ bớt phải cạnh tranh cơ hội với người giàu. Các bệnh viện công, tồn tại dưới hình thức bệnh viện phúc lợi bằng nguồn tài chính ngân sách sẽ được thu hẹp về quy mô, và phù hợp hơn với nguồn ngân sách nhà nước.

Thực tế sẽ tạo nên những sự thay đổi chính sách phù hợp, các bác sĩ sau khi ra trường sẽ cần được quy định thời gian tối thiểu phải phục vụ tại các cơ sở y tế công, và khi phục vụ trong hệ thống công thì không được làm cộng tác viên, làm thuê cho các cơ sở y tế tư nhân, không được tham gia mở phòng khám tư.

Họ chỉ được cấp phép hành nghề y dược tư nhân khi đã đủ thời gian phục vụ hệ thống công. Khi công tư phân nh, cả người dân, và nhân viên y tế đều được hưởng lợi bởi sự nh bạch, rõ ràng.

Và đó, chính là một cơ hội mới để ngành y tế Việt Nam có thể được cải tổ một cách toàn diện.