Áp thuế Tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường: Tác động kinh tế ra sao? (Phần 1)

Với việc bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, liệu tác động kinh tế của nó tới trực tiếp ngành nước giải khát ra sao? Liệu áp thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng này có giúp điều tiết hành vi và tăng thu ngân sách?

 

Ảnh nh hoạ: baokiemtoan.vn

Kết quả tính toán của Báo cáo nghiên cứu “Đánh giá tác động kinh tế của dự thảo thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với nước giải khát có đường” của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương CIEM cho thấy khi áp thuế TTĐB 10% đối với nước giải khát (NGK) có đường thì các tác động cụ thể tới ngành NGK như quy mô sản xuất của các doanh nghiệp nước giải khát bị co hẹp sau khi tăng thuế; giá trị tăng thêm (VA) và giá trị sản xuất (GO) của nhóm ngành NGK đều giảm. Trong đó, giá trị tăng thêm giảm 0,772%, tương đương giảm 5.650 tỷ đồng.

Đồng thời, tác động loan toả, liên ngành tới 24 ngành trong nền kinh tế, chính sách còn làm giảm giá trị sản xuất trên 55.500 tỷ đồng, tương tự làm giảm giá trị tăng thêm 51.000 tỷ đồng, GDP giảm 42.570 tỷ đồng và tác động tới hàng loạt doanh nghiệp trong chuỗi liên kết ngành.

Đánh giá tác động lên nguồn thu ngân sách, theo TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương CIEM cho biết thêm: "Khi đánh thuế thì bao giờ năm đầu tiên thuế TTĐB cũng tăng, nhưng tiếp đó chúng tôi tính toán rằng thuế gián thu từ chu kỳ sau bắt đầu giảm. Với chu kỳ ngắn của ngành nước giải khát thì chúng tôi tính toán là thuế gián thu từ chu kỳ năm 2027 bắt đầu giảm ở mức 0,495, tức là giảm đi đến 4.900 tỷ, tức là năm đầu tiên tăng nhưng chu kỳ tiếp theo giảm. Như vậy mục tiêu nguồn thu năm đầu tiên đạt được nhưng thuế thu nhập doanh nghiệp sụt giảm. Thuế gián thu ở các chu kỳ tiếp sau nữa tiếp tục giảm vì các doanh nghiệp cắt giảm sản xuất thì thuế gián thu giảm"

Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA), cho rằng ban soạn thảo cần đánh giá tác động kỹ hơn, căn cứ số liệu từ các cơ quan nghiên cứu dựa trên bối cảnh thực tế tại Việt Nam, thay vì căn cứ số liệu từ các cơ quan nghiên cứu.

Ảnh nh họa

Ngành đồ uống cũng còn nhiều trăn trở khi sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, đặc biệt lượng đồ uống hiện ngoài tầm kiểm soát, cơ quan chức năng không quản lý được lên tới 30% do người dân sản xuất: "Nếu tổng sản lượng về NGK hiện nay theo số liệu chúng tôi thống kê được khoảng 5,5 tỷ lít mà Việt Nam trên đầu người, tức 100 triệu dân là khoảng 55 lít.

So với những nước phát triển như Nhật Bản khoảng 140 lít/đầu người/năm. Tức là chúng ta cũng chỉ khoảng 1/3. Thứ hai là ngành NGK này tuy vậy nhưng những loại nước mà dân hay những DN nhỏ sản xuất không thống kê được. Tôi nghĩ nó cũng phải chiếm 30% nữa. Như vậy lượng không quản lý, không thống kê được còn rất nhiều"

Từ góc độ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách này, ông Bùi Thái Nguyên – đại diện Công ty Coca Cola Việt Nam vẫn còn băn khoăn về tính công bằng nếu như lập luận đường là thủ phạm của thừa cân béo phì. Bởi nếu như vậy cần phải gọi tên tất cả các sản phẩm có đường để đánh thuế TTĐB mới đúng lý lẽ khoa học.

Bên cạnh đó, những ảnh hưởng trong chuỗi cung ứng chắc chắn sẽ xảy ra nếu áp thuế: "Chúng tôi có khoảng 2000 ngàn lao động trực tiếp và 20 ngàn lao động gián tiếp cho chuỗi cung ứng về nguyên liệu và phân phối. Chúng tôi cũng có những đối tác liên quan đến kinh doanh trong mảng nhà hàng khách sạn du lịch, chúng tôi cũng cảm nhận được độ nóng và sự khó khăn và trì trệ trong lĩnh vực này trong thời gian vừa rồi.

Chúng ta biết với quốc gia như Việt Nam thì kinh tế du lịch rất quan trọng. Khi mà chúng ta hạn chế hoặc tác động trực tiếp vào các sản phẩm NGK như thế này thì có thể lường thấy trước những khó khăn trì trệ tiếp theo của chuỗi nhà hàng, khách sạn, du lịch".

Ảnh nh hoạ: Tạp chí Thuế

Nếu như cơ sở để đánh thuế TTĐB với NGK có đường là nhằm hạn chế tình trạng thừa cân béo phì ở Việt Nam. Vậy có nên nhìn rộng ra các bài học kinh nghiệm từ các nước trên thế giới?

Qua nghiên cứu của Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ Asean tại Việt Nam, bà Bùi Việt Lâm cho biết có 3 trường hợp xảy ra. Thứ nhất là một số quốc gia khi áp thuế TTĐB với NGK có đường không thấy hiệu quả, thậm chí có tác động ngược về hành vi tiêu dùng của người dân, đó là lựa chọn sản phẩm thay thế. Chẳng hạn Đan Mạch vào năm 2014 phải bỏ thuế TTĐB với đồ uống có đường vì sụt giảm 5.000 việc làm và người dân bỏ sang nước khác để mua NGK có đường với mức giá thấp hơn.

Thứ hai là một số quốc gia sau khi áp dụng thì tỷ lệ thừa cân béo phì vẫn tiếp tục tăng. Đó là Phần Lân, Chile, Ấn Độ, Thái Lan,… Ví dụ Ấn Độ áp dụng thuế TTĐB với đồ uống có đường từ năm 2017. Sau khi áp thuế thì tỷ lệ thừa cân béo phì vẫn tiếp tục tăng. Cụ thể trong giai đoạn 2015 – 2016 so với giai đoạn 2019 – 2021 thì tỷ lệ thừa cân béo phì ở nữ giới tăng từ 20,6% lên 24%, ở nam giới là từ 18,9% lên 22,9%, ở trẻ em là 2,1% lên 3,4%.

Thứ ba là các quốc gia không áp dụng thuế TTĐB với mặt hàng này và tỷ lệ tiêu thụ NGK rất cao nhưng họ kiểm soát thừa cân béo phì rất hiệu quả. Bà Bùi Việt Lâm – đại diện quốc gia của Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ Asean tại Việt Nam cho rằng Việt Nam có thể cân nhắc bài học kinh nghiệm của các quốc gia này: "Thứ nhất là Nhật Bản. Tỷ lệ tiêu thụ NGK của họ 1 năm là 143 lít/đầu người nhưng tỷ lệ thừa cân béo phì chỉ dưới mức 4%. Bài học kinh nghiệm thành công của họ là áp dụng 1 chế độ tuyên truyền về dinh dưỡng rất lành mạnh, áp dụng thực đơn rất lành mạnh ở trường học cũng như có hướng dẫn cho người dân chế độ ăn uống healthy và giúp cho người dân Nhật giữ được mức rất tốt về mặt sức khoẻ.

Đức thì nước giải khát bình quân đầu người thuộc top cao nhất thế giới và cao nhất Châu Âu là 335,3 lít/đầu người nhưng họ cũng không áp dụng thuế TTĐB với đồ uống có đường. Họ áp dụng các chính sách hướng dẫn chế độ ăn uống và hoạt động thể chất. Họ cũng áp dụng các quy định hạn chế trong quảng cáo và nhãn dinh dưỡng".

Ảnh nh hoạ: Báo Nông nghiệp

Có thể thấy, xét về tác động kinh tế, việc áp thuế TTĐB 10% đối với NGK có đường dẫn tới tác động tiêu cực tới nền kinh tế. Cũng như thực trạng chung của doanh nghiệp ngành đồ uống, ngành NGK là ngành dễ bị tổn thương trước các cú sốc, bao gồm cả những thay đổi về chính sách.

TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương CIEM nhận định thêm: "Vì thế nhìn cả tương quan về mặt kinh tế thấy rằng giá trị tăng thêm giảm, thu nhập của người lao động giảm, sản xuất của doanh nghiệp giảm, thuế trực thu giảm chỉ có thuế gián thu tăng. Nhưng thuế gián thu không tăng mãi mà tăng đến chu kì sau sẽ giảm. Và với một chu kỳ ngắn trong sản xuất với ngành NGK thì thang thuế gián thu chỉ có trong ngắn hạn còn về trung và dài hạn thì ảnh hưởng trực tiếp tác động tới kinh tế"

Với những tác động được Báo cáo nghiên cứu “Đánh giá tác động kinh tế của dự thảo thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với nước giải khát có đường” chỉ ra cũng như ý kiến các chuyên gia, liệu có nên đưa mặt hàng nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt? Ngày mai CĐTT sẽ có câu trả lời./.