Đề xuất nhằm đạt mục tiêu thay đổi mức tiêu dùng với mặt hàng này. PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Hạnh Nguyên, cán bộ quản lý chương trình phòng chống thuốc lá và bệnh không lây nhiễm, Tổ chức nhịp cầu sức khỏe Canada (Health Bridge) tại Việt Nam.
PV: Bà đánh giá thế nào về đề xuất mới đây của Bộ Y tế, tăng theo lộ trình thuế tiêu thụ đặc biệt lên mức 15.000 đồng/bao vào năm 2030?
Bà Nguyễn Hạnh Nguyên: Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng như Bộ Y tế, thuế suất các sản phẩm thuốc lá cần cải cách mạnh mẽ hơn theo hướng bổ sung thuế tuyệt đối với mức tăng khởi điểm 5.000 đồng/bao từ 2026, và tăng 15.000 đồng/bao đến năm 2030.
Phương án này sẽ giúp Việt Nam có thể giảm tỉ lệ hút thuốc lá ở nam giới trưởng thành xuống dưới 36% vào 2030, qua đó đạt mục tiêu quốc gia về giảm tỉ lệ hút thuốc. Bên cạnh đó, hạn chế rất lớn của chính thuế và giá ở Việt Nam hiện nay là mức thuế rất thấp. Do đó, giá thuốc lá Việt Nam cũng thuộc diện thấp nhất thế giới và khu vực.
Tỉ trọng thuế trên giá bán lẻ ở Việt Nam theo báo cáo của WHO năm 2023 chỉ đạt 34,3% - thấp nhất trong khu vực ASEAN, thấp hơn cả các quốc gia trung bình (họ đã đạt tỉ trọng thuế 59% trên giá bán lẻ rồi). Theo khuyến cáo của WHO chính sách thuế hiệu quả, tỉ trọng này cần đạt 70-75%. Chúng ta còn khoảng trống lớn về chính sách thuế để theo kịp với xu hướng thế giới.
Do đó, Tổ chức Nhịp cầu sức khỏe Canada hoàn toàn ủng hộ đề xuất của Bộ Y tế và WHO trong việc cải cách thuế thuốc lá mạnh mẽ hơn.
PV: Nếu đề xuất này được thông qua trong Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), bà kỳ vọng gì vào tác động của đề xuất?
Bà Nguyễn Hạnh Nguyên: Tăng thuế là một trong những giải pháp quan trọng trong phòng chống tác hại thuốc lá được WHO khuyến cáo. Theo các báo cáo các quốc gia đã áp dụng, đây là giải pháp hiệu quả, tiết kiệm chi phí nhất giúp giảm tiêu thụ các sản phâm có hại cho sức khỏe. Nó đóng vai trò quan trọng nhất góp phần giảm từ 50-60% hiệu quả giảm sử dụng thuốc lá (50% còn lại là thực thi môi trường không khói thuốc, cấm quảng cáo, in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh…).
Tính toán từ WHO, nếu đề xuất tăng thuế mạnh mẽ của Bộ Y tế được thông qua, tăng theo lộ trình 5.000 đồng/bao từ 2026, đạt 15.000 đồng/bao vào năm 2030. Phương án này sẽ giảm đáng kể số người hút thuốc, ước tính giảm 696 nghìn người vào năm 2030 so với 2020. Thông qua đó, giảm gánh nặng bệnh tật, chi phí tổn thất do thuốc lá gây ra với người dân, cộng đồng. Ngoài ra, WHO đánh giá, phương án của Bộ Y tế cũng mang lại lợi ích lớn, giúp tăng doanh thu thuế hàng năm tương ứng 29 nghìn tỷ đồng/năm từ thu thuế thuốc lá so với năm 2020.
Như vậy, cải cách thuế thuốc lá mạnh mẽ mang lại lợi ích kép, vừa giảm tỉ lệ sử dụng thuốc lá, giảm bệnh tật, tử vong, đồng thời tăng nguồn thu cho nhà nước góp phần vào các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, phát triển bền vững cho tương lai.
PV: Xin cảm ơn bà.