Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Phóng viên VOV Giao thông ghi nhận tình hình buôn bán ở một số quán cafe, đồ ăn vặt lẫn quán nhậu bình dân đều có một không khí chung là thưa thớt. Theo các chủ quán, khách đến ngồi ăn cũng chỉ tầm 20-30% so với trước đó. Đa số là những khách “ruột”, còn lại vẫn bán mang đi là chủ yếu.
"Đa số khách quen, khách lạ thì cũng sợ sệt".
"Quán tôi sạch sẽ, thoáng mát, thường xuyên đeo khẩu trang".
"Cái quan trọng nhất vẫn là ý thức của mọi người thôi".
Quán phở Gà Nam Định trên đường Nguyễn Văn Thương (quận Bình Thạnh, TP.HCM) mới tờ mờ sáng đã nghi ngút khói từ nồi nước lèo. Chủ quán liên tục chặt gà, trụng phở, khách thì ngồi chờ phục vụ. Những chiếc bàn được “giãn cách” 2m hoặc được xếp so le nhau tận dụng đón được nhiều khách ăn cũng như đảm bảo 5K cho mọi người.
Bà Vũ Thị Thuỷ, 57 tuổi chủ quán phở gà tay chặt thị thoăn thoắt, thở than rằng khách đến ăn sau dịch chỉ tầm 40% thường ngày trước kia.
"Nói chung khách tâm lý chưa an tâm mấy. Bán cũng giảm so với đợt chưa dịch. Khách vào cũng xịt sát khuẩn trước khi vào ăn. Đa số khách quen, khách có con không dám cho vào ăn, khách lạ thì cũng sợ sệt…Như đợt trước bán được 20 chục con gà, nay tầm cỡ 10 con thôi".
Tương tự, vợ chồng anh Vũ Minh Đức, 40 tuổi, chủ tiệm cơm trên đường Chu Văn An, quận Bình Thạnh sau một tuần mở bán trở lại vẫn không thể nào hồi phục doanh thu như trước. Lượng khách ăn sụt giảm và lượng người tới ăn không đáng bao nhiêu.
Theo anh chị đánh giá mấu chốt vẫn là tâm lý, dịch vẫn còn đó và ai cũng ngại ngùng ăn uống dù ông bà chủ đã tiêm đủ 2 mũi vaccine.
"Mình nói mình chích được 2 mũi, vệ sinh quán xá. Khâu vệ sinh là trên hết…nói chung quán người nào cũng có con nhỏ hết. Quán sạch sẽ thoáng mát, thường xuyên đeo khẩu trang".
Dạo quanh dọc các hàng quán nhậu trên đại lộ “bia bọt” Phạm Văn Đồng, đoạn qua TP. Thủ Đức nơi cho thí điểm bán bia rượu không ghi nhận những hình ảnh cụng ly, huyên náo như thường ngày. Không khí vẫn lẻ tẻ, thưa vắng. Anh Đặng Đình Viên, chủ một quán nhậu bình dân cho biết:
"Một hai ngày đầu thì đông, mấy ngày sau thì “móm”, thưa dần. Một hai ngày đầu người ta cuồng chân muốn được ngồi ở quán rồi sau đó vắng. Đó là mặt bằng chung ở khu vực Thanh Đa này chứ không riêng quán mình… Người ta dịch ngại ra đường, tiền bạc chi tiêu tiết kiệm".
Một số chủ quán, hàng ăn đánh giá một phần thực khách đã về quê và đặc biệt lực lượng sinh viên, học sinh gần như chiếm 30-40% lượng khách trước dịch thì nay lại không có.
Vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Phú, 32 tuổi mở một quán bánh cuốn, bún nem nướng cạnh các trường Đại học Hutech, Ngoại Thương, Giao Thông Vận Tải TP.HCM. Một tuần mở lại quán cũng chỉ bán được 20% ăn tại chỗ, phần nhiều bán mang đi qua ứng dụng đặt đồ ăn như Go Food, Grab Food…
Vợ chồng anh than thở, có ngày bán cả 1000 cây nem nướng, 100 tô bún giờ bán có khi không quá 200 cây nem. Từ lúc cho mở bán tại chỗ thì được 3 ngày đông khách, 4 ngày thì vắng.
"Bây giờ chỉ chờ học sinh đi học lại thôi. Rồi chính sách để các công ty tồn tại phát triển hoạt động trở lại nhộn nhịp thôi. Còn buôn bán hàng ăn thì món nào truyền thống phát triển được, các thể loại còn lại tuỳ theo thương hiệu và khẩu phần, sở thích mỗi người.
Nếu học sinh đi học lại, sẽ khả quan hơn chiếm thêm được 30 % nữa. Còn lại vấn đề khách quan là bị tổn thương, không thể phục hồi 100% như cũ.."
Cơn bão COVID-19 càn quét suốt gần 5 tháng khiến bao quán ăn nhỏ, xe đẩy, tiệm cơm hầu như đứt vốn, âm vốn thậm chí nợ tiền mặt bằng. Sau một tuần mở bán tại chỗ đã dần có những tín hiệu khả quan, song dường như hiệu quả doanh thu vẫn còn khiêm tốn.
Hơn hết, các chủ hàng quán vẫn mong một lực lượng lớn khách hàng là học sinh, sinh viên, nhân viên công sở sớm trở lại để họ có thể mạnh dạn buôn bán, sửa sang lại quán cũng như đầu tư vào chiến lược kinh doanh mới.
Dưới góc độ chủ trương, chính sách của Thành phố, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM chia sẻ:
"Chúng ta không được chủ quan. Chính vì sự không chủ quan đó, mà chúng ta thực hiện từng bước một trong dịch vụ ăn uống này được mở cửa trở lại. Nếu như trong giai đoạn dịch, chúng ta cấm hết, bán mang về cũng không được, hàng quán phải đóng cửa hết, sau đó cho bán mang về, và bây giờ thì cho bán tại chỗ.
Nhưng vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ, đặc biệt là vẫn còn sử dụng rượu bia. Nó sẽ có nguy cơ chúng ta giao lưu, tình cảm lâu ngày gặp nhau… Gặp nhau cũng vui đó. Nhưng nó không đáng gì so với nỗi buồn khi tiễn người thân hay bản thân mình phải ra đi".
Ai cũng nhớ đến một Sài Gòn ồn ào, huyên náo, quán xá đông vui. Mùi vị Sài Gòn trong cơm tấm chan mỡ hành hay thanh âm tiếng mì gõ trộn lẫn đã là thứ thuộc về Sài Gòn mà lâu lắm mọi người không được cảm nhận, lắng nghe.
Thời gian đến Tết đếm ngược chỉ còn hơn 2 tháng, trong nỗi lo âu của bao người kinh doanh vẫn mong mỏi trở lại như trước để kiếm chút vốn tái đầu tư hoặc ít ra cũng trả bớt nợ nần vì dịch bệnh đã thâm hụt.
Một tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 tại cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thực phẩm là cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến khó lường, thế nhưng, điều cần nhất vẫn là ý thức của mỗi người dân. Bởi muốn Sài Gòn khỏe mạnh trở lại, thì không còn cách nào khác là chính mỗi chúng ta phải tự phòng ngừa.
Hãy đến với góc nhìn của VOVGT qua bài bình luận: "An toàn từ trong ý thức đến hành động” của Nhà báo Bùi Trọng Điển - Phó Giám đốc Kênh VOV Giao thông.
TP.HCM đã cho phép bán hàng tại chỗ đối với hoạt động kinh doanh ăn uống. Riêng địa bàn thành phố Thủ Đức và quận 7 được phép thí điểm bán thêm đồ uống có cồn. Trên cơ sở đó, sau ngày 15/11, thành phố sẽ đánh giá rút kinh nghiệm và đưa ra quyết định có duy trì cho phép các quận, huyện còn lại được bán rượu bia trong quán xá, nhà hàng hay không?
Đây là một việc làm cần thiết và thận trọng trước bối cảnh các ca nhiễm COVID của thành phố dù đã được kiểm soát nhưng vẫn ở mức cao.
Tại Hà Nội và các tỉnh, thành khu vực phía Nam những ngày qua, khi cho hàng quán cho mở ra, mua bán nhộn nhịp, lập tức các ca cộng đồng tăng vọt. Nhiều tỉnh ền Tây buộc phải đóng cửa một phần trở lại, và đổi từ cấp độ nguy cơ thấp sang nguy cơ cao.
Điều này cho thấy, khi mở cửa, làm ăn trở lại, nhất là dịch vụ ăn uống phục tại chỗ luôn tiềm ẩn nguy cơ để dịch tái bùng phát và khó kiểm soát. Vì đã ăn uống tại chỗ, nhất là khi đã có bia rượu sẽ có giao lưu, nói chuyện, dễ bỏ đi nguyên tắc 5 K.
Đó là chưa kể nhiều hệ lụy khác khiến dịch theo chân. Ở một số nơi hiện nay, việc ăn nhậu giao lưu giữa từng nhóm người cũng là nguyên nhân chính dẫn đến dịch COVID thừa cơ quay lại. Đây là mối nguy hại lớn khi mà số người trong nhóm có nguy cơ cao ở nhiều địa phương vẫn chưa được tiêm vắc xin.
Đối với TP.HCM, dù vắc xin đã phủ gần như hầu hết nhóm người trên 18 tuổi và đang phủ vắc xin cho học sinh. Nhưng nguy cơ dịch quay trở lại vẫn còn.
Bộ tiêu chí đánh giá về an toàn để hàng quán được mở cửa tương đối rõ nhưng những ngày qua đã có nhiều chủ nhà hàng, quán ăn vi phạm nguyên tắc phòng chống dịch như bỏ qua 5 k; tự ý cho khách sử dụng rượu bia; buộc cơ quan chức năng phải xử lý.
Tuy nhiên số bị phát hiện và xử lý không nhiều vì nhiều nơi tổ chức hoạt động âm thầm, lén lút hoặc chia nhóm nhỏ, tụa tập.
Cho phép kinh doanh ăn uống tại chỗ là hoạt động nên làm khi thành phố Hồ Chí Minh quyết tâm mở cửa để khôi phục lại kinh tế sau đại dịch.
Tuy nhiên, đến nay, hoạt này vẫn chưa thể sôi động vì vẫn còn làm thí điểm. Ngoài ra còn là các nguyên nhân khác như chi phí mặt bằng, tiền đầu vào mua nguyên liệu chế biến ở mức cao; thực khách còn thưa thớt vì tâm lý e dè; thu không đủ chi nên hàng quán chưa thể hoạt động tối đa công suất.
Đây là một sự thật phải chấp nhận. Vì nếu để kinh doanh ăn uống không có kiểm soát thì sẽ chính là nguồn cơn để dịch tấn công trở lại, nhiều người sẽ bị lây nhiễm trong môi trường công cộng này.
Do vậy, việc kiểm tra, kiểm soát; nhắc nhở và xử lý các trường hợp hàng quán vi phạm trong phòng chống dịch vẫn cần được các cơ quan chức năng của thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và các địa phương khác làm thường xuyên và chặt chẽ hơn.
Đặc biệt mỗi người chúng ta cần an toàn từ trong ý thức đến hành động để phòng tránh cho mình, người thân và người xung quanh. Vì COVID thì không biệt người mua, người bán; người đói, người no; chỉ sơ hở trong ăn uống là vi rút sẵn sàng xâm nhập vào từng người. Đây là điều rất nên tránh trong điều kiện dịch dã vẫn còn như hiện nay.