An Giang: TNGT gia tăng đột biến, vì sao?

Trong 3 tháng gần đây, UBND tỉnh An Giang và Ban An Toàn Giao Thông ( ATGT) tỉnh đã liên tiếp tổ chức 3 cuộc hội nghị đánh giá tình hình ATGT và tìm giải pháp cấp bách để kìm chế tai nạn trên địa bàn đến mức thấp nhất có thể...

Vụ va chạm giao thông xảy ra đầu tháng 5 đã làm 4 người bị thương

Theo thống kê, 7 tháng đầu năm 2020 toàn tỉnh đã xảy ra 62 vụ tai nạn giao thông (TNGT) làm chết 64 người, tăng đến 94%. Số người chết trong 2 quý đầu năm đã bằng với thống kê của cả năm 2019 và đẩy An Giang trở thành “điểm nóng” đứng đầu cả nước về tỉ lệ tai nạn giao thông tăng. 

Tăng đột biến số ở cả 3 mặt, trở thành “điểm nóng” TNGT

Vào tối ngày 16/8, một vụ va chạm giữa xe máy và một ô tô trên tỉnh lộ 944, xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới đã làm 2 người tử vong tại chỗ. Sự việc bắt đầu khi hai vợ chồng nạn nhân đang đậu xe máy sát lề đường để mặc áo mưa thì bị xe ô tô biển kiểm soát 66A - 000.01 tông thẳng. Tài xế đã bị bắt sau đó 24h khi đang lẩn trốn tại tỉnh Đồng Tháp. Vụ tai nạn đã để lại niềm thương tiếc cho gia đình nạn nhân và làm nóng thêm mức độ nguy hiểm của các cung đường trên địa phận tỉnh An Giang.

Theo báo cáo, từ ngày 15/12/2019 đến nay trên địa bàn An Giang đã xảy ra 62 vụ TNGT, làm chết 64 người, bị thương 15 người. So với cùng kỳ năm 2019, tăng 28 vụ, 32 người chết và 2 người bị thương. Trong đó, TNGT đường bộ xảy ra 57 vụ, làm chết 60 người, bị thương 15 người. So với cùng kỳ năm 2019, tăng 66,7% số vụ, tăng 81,2% số người chết, tăng 15,4% số người bị thương. TNGT đường thủy xảy ra 5 vụ, làm chết 4 người. So với cùng kỳ năm 2019, tăng 400% số vụ và số người chết.

Ban ATGT đã xác định được nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Trong đó hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT trực tiếp đến người dân trong thời gian qua quá yếu do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19, dẫn đến ý thức tham gia giao thông của người dân không cao: Chạy quá tốc độ, đi không đúng phần đường, sử dụng thức uống có cồn và một bộ phần không nhỏ xem thường pháp luật, tính mạng người khác.

Ông Lê Việt Cường, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh An Giang phân tích: “Trong 02 tháng đầu năm, kể cả tết nguyên đáng Canh Tý, tình hình ATGT được An Giang kiểm soát tốt và không tăng. Nhưng kể từ sau tết, dịch COViD-19 xuất hiện thì tai nạn bắt đầu tăng đột biến.

Trong thời gian giãn cách xã hội thì đường xá thông thoáng, một bộ phận người tham gia giao thông ckhông tôn trọng quy định giao thông. Cùng thời điểm này, lực lượng tuần tra không thường xuyên, khi đó lực lượng công an chỉ duy trì 50% doanh số vì phải làm công tác phòng chống dịch. Từ chỗ ý thức chủ quan này đã đưa đến nhiều trường hợp vi phạm. TNGT ở An Giang đa phần do vi phạm tốc độ, rượu bia và xảy ra nhiều ở xe môt tô 2 bánh”.

An Giang có 2,2 triệu dân số, đứng thứ 6 cả nước và số 1 ĐBSCL. Cả tỉnh có trên 1,4 triệu mô tô 2 bánh và 40. 000 xe ô tô. Trong khi đó hạ tầng giao thông làm mới chưa nhiều, chủ yếu là sữa chữa và cải tạo. Một số tuyến đường tỉnh có mặt đường nhỏ hẹp, phương tiện tham gia giao thông hỗn hợp cũng là nguyên nhân khách quan dẫn đến tai nạn.

Báo cáo từ Sở Y tế An Giang, 7 tháng đầu năm đơn vị đã tiếp nhận cấp cứu gần 3.800 ca TNGT. Xét nghiệm có nồng độ cồn trong máu là 1.009 ca, chấn thương sọ não 182 ca, nhập viện 2.600 ca và chuyển lên tuyến trên là 137 ca. Cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố 13 vụ và 45 vụ đang được làm rõ.

Tai nạn xảy ra trên quốc lộ 91B đoạn qua TP Long Xuyên. Với lòng đường nhỏ hẹp nên dễ xảy ra va chạm

Không xử oan nhưng cũng không bỏ lọt vi phạm

Với sự gia tăng tai nạn giao thông một cách đáng báo động, Ban ATGT vừa ban hành dự thảo kế hoạch phối hợp điều tra xử lí người vi phạm giao thông liên quan đến nồng độ cồn và phát động quần chúng nhân dân cung cấp hình ảnh liên quan đến ATGT trên địa bàn tỉnh. Trong giải pháp này sử dụng luật “cứng” để giám sát và răng đe đối tượng vi phạm ATGT, kiên quyết không bỏ lọt tội phạm gây tai nạn. 

Theo đó, kế hoạch dự thảo đề cập đến đối tượng, nội dung và tình huống xử lí như sau: Các đối tượng bao gồm tất cả các cơ quan, tổ chức, các nhân, nếu người điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn hoặc bị tan nạn được đưa đến cơ sở khám bệnh phải được xét nghiệm nồng độ cồn trong máu hoặc qua khí thở. Sau khi tiếp nhận bệnh nhân và xét thấy có dấu hiệu sử dụng chất có cồn thì các cơ sở khám chữa bệnh phải báo ngay cho cơ quan chức năng đến điều tra. 

Về khâu tiếp nhận hình ảnh tố giác từ nhân dân, tất cả hình ảnh, video clip ghi lại trong quá trình tham gia giao thông đăng tải trên báo chí, mạng internet liên quan đến tình hình ATGT trên địa bàn tỉnh sẽ được sử dụng để lực lượng chức năng xác nh, phát hiện và xử lí vi phạm.

Ông Lê Việt Cường, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh An Giang cho biết tính tác động khi kế hoạch này: “Ngoài xử lí vi phạm trên đường, người vi phạm bị thương đã vào bệnh viện rồi vẫn bị xử lí.  Kế hoạch này tác động đến ý thức tham gia giao thông, tất cả người dân sẽ hạn chế lại. Không xử lí người oan sai nhưng cũng không bỏ lọt tội phạm giao thông liên quan đến nồng độ cồn”. 

Việc xử lý các trường hợp người điều khiển phương tiện, bị tai nạn đưa vào bệnh viện cấp cứu mà có liên quan đến nồng độ cồn sẽ tác động rất lớn đến tâm lý người dân. Giúp họ hiểu rằng, khi tham gia giao thông có nồng độ cồn là vi phạm và nguyên tắt là phải xử phạt cho dù người gây tai nạn đang phải điều trị thương tích.

Ông Lê Văn Nưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh An Giang nhấn mạnh: “An Giang phải làm trên tinh thần không cầu toàn, không ngại khó ngại khổ và không gây áp lực cho đôi bên giữa bệnh viện, công an, phòng cấp cứu. Chiều sâu của kế hoạch này tác động đến nhân dân.

Ngày trước, khi bị tai nạn trên đường mà thoát được công an, vô bệnh viện là coi như xong. Nhưng bây giờ là không xong, bệnh viện vẫn phối hợp với công an xử lí. Chẳng những làm cho người gây tai nạn vào viện phải sợ mà kể cả người thân, sau này nếu ai lấy xe chạy thì họ tự cảnh báo phải chạy đàng hoàng không thôi vô bệnh viện vẫn bị xử phạt đúng luật”.

Để thực hiện công tác này chặt chẽ, ngoài Ban ATGT và ngành công an thì ngành y tế, thông tin truyền thông cũng có trách nhiệm phối hợp để xiết chặt và quản lí nghiêm tình trạng mất an toàn giao thông trên địa bàn An Giang. Hiện dự thảo đang được ban ngành liên quan đóng góp hoàn thiện và sẽ được Ban ATGT tỉnh An Giang ban hành cuối tháng 8 này.

Với con số báo động về tình hình tai nạn, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã nghiêm khắc phê bình nhiều địa phương, đơn vị để tai nạn giao thông tăng cao như: Tri Tôn, Tịnh Biên, Phú Tân, An Phú, Long Xuyên, Châu Thành, Châu Phú, công an tỉnh và Sở GTVT.

Đồng thời sớm ban hành kế hoạch xử lý vi phạm hành chính các trường hợp người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia bị tai nạn cấp cứu tại các cơ sở y tế. Điều quan trọng là giải pháp đưa ra phải được sở ngành liên quan trực tiếp phối hợp chặt chẽ, có như thế mới xóa thành công “điểm nóng” TNGT của địa phương này.