2 tháng đầu năm: 7.500 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp phát hành

Có tới 13 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp với tổng giá trị gần 7.500 tỷ đồng chỉ trong 2 tháng đầu năm, gấp 8,2 lần so với cùng kỳ năm trước.

Đây là cách nhiều doanh nghiệp lựa chọn với những khoản vay trung và dài hạn để giảm tối đa chi phí. Đồng thời tăng quy mô sản xuất, mở rộng thị trường trong bối cảnh hiện nay. 

Trong số gần 7.500 tỷ đồng, tỷ trọng cao nhất ở nhóm doanh nghiệp bất động sản và xây dựng chiếm hơn 73%, nhóm chứng khoán, ngân hàng ở vị trí thứ 2 với hơn 16%. Phần còn lại là thương mại và dịch vụ. Nhận đinh về thị trường, bà Vũ Thị Thúy Ngà - Phó Tổng Giám đốc Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết:

"Kỳ hạn phát hành của các doanh nghiệp trong 2 tháng đầu năm đã dài hơn so với cùng kỳ năm ngoái khoảng hơn 2 năm. Theo đó lãi suất cũng có tín hiệu đáng mừng, giảm khoảng 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều đó cho thấy các doanh nghiệp đã tập chung phát hành cho các dự án chung và dài hạn".

Trong đó, khối lượng mua lại trước hạn là 9,1 nghìn tỷ đồng, giảm 41,2% so với cùng kỳ năm 2023. Cơ cấu nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp chủ yếu là tổ chức (trong nước chiếm 80,6%; nước ngoài chiếm 6,2%); nhà đầu tư cá nhân mua 13%.

Việc người mua trái phiếu có đến hơn 80% là nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư nước ngoài. Điều này khác biệt so với những năm trước bởi nhà đầu tư cá nhân đã từng có thời điểm chiếm đến 1/3. Chuyên gia tài chính – ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhận định:

"Hiện tại rất nhiều nhà đầu tư, tổ chức nước ngoài mua trái phiếu của Việt Nam thì điều đó rất là tốt. Tôi nghĩ rằng, trong tương lai, trái phiếu của ngân hàng có thể nói là trái phiếu mua trong thị trường trái phiếu vì có độ an toàn".

Ảnh: Tạp chí Doanh nghiệp

Ngoài 2 đợt phát hành ra công chúng, thì còn lại đa số là các đợt phát hành riêng lẻ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ với mục đích huy động vốn trong trung và dài hạn. ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán Kiến Thiết cho biết:

"Chúng ta nhận thấy không phải nhà đầu tư nghiệp dư tham gia vào thị trường mà chủ yếu là các tổ chức và các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Khi chúng ta có Luật, có các đợt phát hành của các doanh nghiệp uy tín thì sẽ thu hút được các nhà đầu tư chuyên nghiệp tham gia nhiều hơn".

Theo các chuyên gia, con số gần 81% khối lượng trái phiếu do nhà đầu tư tổ chức trong nước mua cũng đã thể hiện chất lượng nhà đầu tư đang tốt lên. Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng,  điều này đã giúp thị trường phù hợp hơn với thông lệ quốc tế:

"Thị trường trái phiếu doanh ghiệp, do việc thực hiện Nghị định 65 thì những điều kiện với nhà đầu tư tư nhân cũng tương đối khó. Và các điều kiện phát hành liên quan trái phiếu cũng khó nên 7.500 tỷ đồng là bước tiến thắng lợi. Về phía các nhà đầu tư là tổ chức trong và ngoài nước chiếm bộ phận đại đa số phản ánh đúng Nghị định 65 và làm thị trường phù hợp hơn với thông lệ quốc tế, đảm bảo tính bền vững, công khai, nh bạch và hoạt động có chiều hướng quy luật chung của nền kinh tế thị trường trường".

Do đó, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh kỳ vọng thời gian tới, thị trường trái phiếu sẽ phát triển lành mạnh, bền vững và trở thành kênh huy động vốn chủ yếu đối với các doanh nghiệp.

Ảnh: CafeF

Theo ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm vĩ mô - thị trường CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), hiện trái phiếu trong giai đoạn phục hồi:

"Dự báo về trái phiếu thì có thể thấy sự phục hồi, vì qua 1 chu kỳ dài thì cũng qua thời kỳ đỉnh điểm. Bây giờ là thời điểm củng cố và khôi phục lại trên nền an toàn hơn và thận trọng hơn chứ bùng nổ thì cũng tương đối khó".

Trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng trong nền kinh tế, ở các nước phát triển quy mô trái phiếu doanh nghiệp lên đến 97% GDP, lân cận chúng ta là Singapore là 35%GDP. Hiện Việt Nam mới chỉ khoảng 15% GDP.

Để gia tăng tỷ trọng, thì gia tăng niềm tin của nhà đầu tư, theo chuyên gia, cần có những quy định rõ ràng về cơ chế giám sát và báo cáo việc sử dụng vốn sau khi phát hành của các doanh nghiệp.