140.000 doanh nghiệp, hộ kinh doanh được gia hạn thuế năm 2022

Theo Tổng cục Thuế, dự kiến sẽ có khoảng 140.000 doanh nghiệp và hộ cá nhân kinh doanh được thụ hưởng chính sách gia hạn thuế năm nay, với số tiền ước tính khoảng 126.000 tỷ đồng.

Tin trong nước và thế giới

Ảnh nh họa: Suckhoedoisong.vn

# Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành công điện về quản lý, điều hành mặt hàng xăng-dầu. Trong đó nhấn mạnh, bảo đảm nguồn cung xăng-dầu góp phần kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. 

Còn Bộ Tài chính cho biết, sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kịch bản ứng phó với biến động tăng giá các mặt hàng chiến lược, kiểm soát lạm phát. 

# Hiện giá gạo Việt Nam đã cao hơn gạo Thái và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng do nguồn cung khan hiếm và nhu cầu các nước nhập khẩu tăng cao. 

Và từ nay đến 2025, Bộ NNPTNT đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu trái cây nước ta đạt trên 5 tỷ USD và đến năm 2030 đạt khoảng 6,5 tỷ USD. 

# Đáng chú ý, theo Tổng cục Thuế, dự kiến sẽ có khoảng 140.000 doanh nghiệp và hộ cá nhân kinh doanh được thụ hưởng chính sách gia hạn thuế năm nay, với số tiền ước tính khoảng 126.000 tỷ đồng.

Bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Tổng cục Thuế cho biết, đối tượng gia hạn nộp thuế được kế thừa từ chính sách gia hạn của năm 2021. Đó là các DN, hộ cá nhân kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và các doanh nghiệp chỉ cần thực hiện thủ tục rất đơn giản:

"Người nộp thuế chỉ cần nộp giấy đề nghị gia hạn với cơ quan quản lý thuế trực tiếp và tổng cục thuế cũng sẽ có công điện chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tuyên truyền, hướng dẫn cho người nộp thuế để họ nắm được chính sách và thụ hưởng chính sách này…"

Ảnh nh họa - Vneconomy

Để hỗ trợ DN hiệu quả trong thời gian tới, ngành Thuế sẽ tiếp tục hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các gói giải pháp hỗ trợ của Chính phủ.

# Bất chấp những thách thức lớn từ đại dịch và sự suy thoái của nền kinh tế toàn cầu, số lượng các nhà bán hàng VN trên Amazon tăng hơn 80% trong 1 năm qua. 

Và thống kê từ đầu quý IV, mặc dù lượng xe máy sản xuất trong nước đã tăng đáng kể, nhưng giá một số mẫu xe 'hot' vẫn không giảm mà còn chênh thêm, cao nhất từ 20-30 triệu đồng. 

# Với thị trường giao dịch hàng hóa, kết thúc ngày giao dịch hôm qua 02/11, đà tăng rất mạnh của nhóm năng lượng và nguyên liệu công nghiệp đã kéo chỉ số MXV- Index nối dài đà tăng sang ngày thứ 3 liên tiếp, với mức tăng 1,15%, lên 2.508 điểm, cao nhất trong vòng gần 3 tuần trở lại đây. Giá trị giao dịch toàn Sở duy trì ở mức 4.700 tỷ đồng.

Khí tự nhiên tăng vọt 9,7% lên 6,27 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh, dẫn dắt xu hướng toàn thị trường. Trong khi đó, lúa mì là mặt hàng giảm mạnh nhất, giảm sâu 6,26% xuống còn 310,8 USD/tấn. Ngày hôm qua, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, nước này sẽ tiếp tục tham gia thoả thuận xuất khẩu ngũ cốc trên Biển Đen. Thông tin này lập tức gây sức ép rất lớn lên giá lúa mì do thị trường không còn quá lo ngại về triển vọng nguồn cung.

Một diễn biến rất đáng chú ý trên thị trường nguyên liệu công nghiệp. Bông, cà phê arabica và dầu cọ thô đồng loạt bật tăng rất mạnh. Giá bông tăng hơn 5% lên 1.741 USD/tấn. 

# (OPEC) vừa nâng dự báo về nhu cầu dầu mỏ thế giới trong trung và dài hạn, đồng thời sẽ phải cần đầu tư 12.100 tỷ USD để đáp ứng được nhu cầu này. 

Đáng chú ý, EU vừa đề xuất hỗ trợ người dân và DN trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng mạnh, trong đó có việc áp giá trần khí đốt tiêu thụ. 

# Các số liệu kinh tế vừa công bố cho thấy, tỷ lệ lạm phát tại khu vực đồng tiền chung châu Âu Eurozone tiếp tục lập kỷ lục mới khi lần đầu tiên trong lịch sử vượt qua cột mốc 10%, đồng thời tăng trưởng kinh tế trong quý 3 cũng chỉ đạt con số rất thấp là 0,2%.

Theo Giáo sư kinh tế Markus Will của Trường Đại học St-Gallen (Thuỵ Sỹ), tỷ lệ lạm phát chưa phải là chỉ số xấu và đáng lo ngại nhất đối với các nền kinh tế châu Âu.

"Các chỉ số này là rất xấu. Tỷ lệ lạm phát trên 10% ở châu Âu hay tại Đức đều là các tỷ lệ lạm phát lớn nhất trong vòng hơn 70 năm qua tại một số nơi. Tuy nhiên, bên cạnh các con số này, tôi quan tâm đến các con số khác quan trọng hơn, đó là các số liệu về nợ. Việc tỷ lệ lạm phát giữa các nước châu Âu ngày càng có sự khác biệt sẽ tác động lớn đến lãi suất trả nợ đang tăng lên đáng kể ở các nước và đó sẽ là mối lo lớn đối với Ngân hàng Trung ương châu Âu – ECB".

Giới kinh tế cũng cho rằng, các số liệu kinh tế hiện nay sẽ buộc Ngân hàng Trung ương châu Âu – ECB phải tăng lãi suất thêm khoảng 75 điểm cơ bản vào tháng 12/2022 nhằm hạ lạm phát, dù sẽ phải chấp nhận suy thoái kinh tế

Thông tin chứng khoán

Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán New York (Mỹ). (Ảnh: AFP/TTXVN)

# FED đã quyết định tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm sau cuộc họp chính sách tháng 11 đêm qua. Thị trường chứng khoán Mỹ đã có một phiên biến động mạnh khi NĐT liên tục phản ứng với các thông điệp sau cuộc họp.

Chỉ số DJIA đóng cửa mất 505,44 điểm (-1,55%), S&P 500 và Nasdaq mất 2,5% và 3,36%. Hàng tiêu dùng không thiết yếu và Công nghệ là 2 nhóm cổ phiếu đi xuống mạnh nhất trong nhịp giảm của chứng khoán Mỹ đêm qua.

# Còn ở trong nước, khối lượng giao dịch trên VNIndex hiện đã thu hẹp so với phiên liền trước cũng như bình quân 20 phiên, đạt hơn 488,5 triệu đơn vị khi thị trường lưỡng lự xu hướng.

# Theo SSI Reseach, trong phiên hôm nay, chỉ số VNIndex nhiều khả năng sẽ kiểm định trở lại vùng kháng cự gần 1.028 điểm. Nếu chinh phục thành công, chỉ số có thể sẽ tạo đà để thử thách lại vùng kháng cự 1.035 – 1.040 điểm. Tuy nhiên, nếu thất bại khi chinh phục vùng cản 1.028 điểm, có thể chỉ số VNIndex sẽ tiếp tục thoái lui và tìm điểm cân bằng quanh các vùng hỗ trợ phía dưới (1.020 – 1.000 điểm).

# SSI Reseach cũng cho rằng, với các giao dịch ngắn hạn nên ưu tiên bảo toàn lợi nhuận sau nhịp hồi phục vừa qua. Việc tìm kiếm điểm mua mới, ngoài tín hiệu riêng lẻ ở từng cổ phiếu nên chờ đợi thêm khi thị trường xác nhận xu hướng. Với NĐT dài hạn, có thể giải ngân từng phần tập trung ở các cổ phiếu đầu ngành, định giá hấp dẫn và có mức chiết khấu mạnh hơn thị trường chung.